Gia đình >> Virus Corona (nCOV)

Điều kiện thời tiết lý tưởng nào giúp virus corona nCoV sinh sôi phát triển?

Với lý thuyết chung về virus corona, (ví dụ SARS-CoV) có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh.

Bệnh cảnh nCoV gây ra nhẹ hơn nhiều so với SARS

Theo PGS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, virus corona là tên gọi chung cho một chủng virus gây bệnh trên cả động vật và con người, với tên gọi đặc biệt corona-vương miện (trong tiếng Latinh) được dựa trên hình thái giống vương miện của virus này dưới kính hiển vi.

Trước khi 2019-nCoV xuất hiện, corona virus gây bệnh trên người có 6 loại, trong đó nổi bật nhất là SARS-CoV năm 2003 và MERS-CoV năm 2012, 2015 gây ra các vụ dịch lớn trên thế giới. Bốn chủng virus corona khác gây bệnh cảnh nhẹ với các triệu chứng nhẹ tương tự cảm cúm.

Điều kiện thời tiết lý tưởng nào giúp virus corona nCoV sinh sôi phát triển?

2019-nCoV có bộ gene tương đồng 89% với SARS-CoV và tương đồng 96% với loài corona virus trên dơi. Điều này gợi ý virus có thể có nguồn gốc từ dơi và có cơ chế gây bệnh giống SARS, nhưng không phải SARS. Thực tế cho thấy bệnh cảnh gây ra bởi nCoV nhẹ hơn nhiều so với SARS-CoV.

Virus gây viêm phổi thường sống tốt hơn ở nhiệt độ lạnh

PGS Phan Trọng Lân cho biết, với lý thuyết chung về virus corona, (ví dụ SARS-CoV) có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, những virus gây viêm phổi, ở nhiệt độ lạnh thường sống tốt hơn.

Với nCoV, TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết, đặc tính rõ nét của chủng virus này cho đến nay chưa có thông tin chính thức là ở nhiệt độ nào thì nó bị tiêu diệt.

Tùy theo môi trường, nhiệt độ, các điều kiện về độ ẩm thì nó sẽ có khả năng sống khác nhau. Ví dụ như trong nhiệt độ thích hợp dưới 25 độ C, trong dung dịch, trong các loại nước, virus này có khả năng sống tới một vài ngày.

Tuy nhiên, theo TS Hùng, nếu trong môi trường có ánh nắng, có tia cực tím, có nhiệt độ lên đến hơn 30 độ C, thì khi ra khỏi vùng hầu họng, chỉ cần vài ba phút là virus corona chết rồi. Vì vậy, thời gian sống của virus này phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài.

Nhiệt độ ở Việt Nam, cụ thể TP HCM trên 28 độ C là một sự hạn chế với virus này. Điều này cũng đồng nghĩa với "thiên thời", giúp ngăn dịch bùng phát mạnh hơn.

Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn của người bệnh, nếu nhiệt độ thấp, thì sức sống của nó rất lâu đến vài giờ. Trong môi trường vừa có nắng, vừa nhiệt độ cao, thì chỉ trong 3-5 phút nó có thể bị tiêu diệt, giúp khả năng lây nhiễm giảm đi nhiều.

PGS Phan Trọng Lân cho biết, SARS-CoV có thể tồn tại tới 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độc lực cao ở 4-20 độ C trong 5 ngày; chỉ mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút (ở 56 độ C).

Tia cực tím (UV) và các hóa chất khử trùng y tế ở nồng độ thông thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút. Tuy nhiên, còn nhiều đặc điểm về sự bền vững của virus mới corona chưa được chứng minh trong thực nghiệm.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, những virus gây viêm phổi, ở nhiệt độ lạnh thường sống tốt hơn.

"Nhưng không phải như thế mà miền Nam nóng, người dân không mắc bệnh do nCoV. Việc lây truyền bệnh là lây truyền trong nhà, nhiệt độ không cao. Ví dụ, lây truyền trực tiếp qua không khí khi nói chuyện, tiếp xúc với nhau, nCoV không lơ lửng tồn tại ở không khí, “chờ” người đến rồi lây bệnh".

Theo Quỳnh An (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/dieu-kien-thoi-tiet-ly-tuong-nao-giup-virus-corona-ncov-sinh-soi-phat-trien-202002021058014.htm