Gia đình

Dịch bệnh mùa nắng nóng: Bệnh sởi diễn biến bất thường, nhiều trẻ viêm não di chứng nặng

Hiện dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp, người dân cần chủ động trong phòng chống dịch, đặc biệt là việc chủ động tiêm phòng vắc xin.

Miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, đây là thời điểm thích hợp để một số dịch bệnh phát triển, trong đó có những căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh và đe dọa đến tính mạng khi mắc phải như: Sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng…

PGS.TS Đỗ Duy Cường – GĐ Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay một số bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng như sởi, quai bị, thủy đậu…

Theo PGS Cương, dù số ca mắc sởi năm nay không cao đột biến như năm 2014 tuy nhiên lại có những diễn biến hết sức bất thường. Bởi bệnh sởi thường bùng phát mạnh vào mùa đông xuân, khi vào hè số ca bệnh giảm mạnh thậm chí là không xuất hiện. Tuy nhiên, hè năm 2019, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục gia tăng.

Tính riêng trong tháng 5/2019, tại trung tâm tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh sởi, và thời điểm này số ca mắc cũng vẫn cao, chưa có xu hướng giảm. Điểm bất thường nữa là số bệnh nhân người lớn mắc sởi chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mọi năm, nhất là độ tuổi từ 25-35 tuổi. Đa số người bệnh chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chỉ tiêm 1 mũi chứ không tiêm nhắc lại mũi thứ 2.

Dịch bệnh mùa nắng nóng: Bệnh sởi diễn biến bất thường, nhiều trẻ viêm não di chứng nặng
PGS Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho một thai phụ mắc sởi.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc bệnh viện cho biết, mùa hè là thời điểm thuận lợi để bệnh viêm não phát triển. Bởi từ khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, ở miền Bắc thời tiết rất thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.

PGS Điển cũng thông tin, hiện bệnh viện đã ghi nhận 7 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B, từ đầu năm đến nay cũng có khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não khác. 100% ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não.

Tuy số bệnh nhân không đông nếu so sánh với các bệnh khác, song hầu hết bệnh nhân viêm não vào điều trị là những ca bệnh nặng, đã có co giật, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác, dù các bác sĩ rất cố gắng nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao.

Cụ thể, tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20-25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2-3%...

Dịch bệnh mùa nắng nóng: Bệnh sởi diễn biến bất thường, nhiều trẻ viêm não di chứng nặng - 1
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng.

Là người trực tiếp chứng kiến các bệnh nhân bị viêm não đang điều trị, PGS Điển không khỏi xót xa: “Có vào bệnh viện, chứng kiến cảnh những bệnh nhân bị viêm não di chứng thần kinh, bại não, dù được cứu sống nhưng phải sống thực vật cả đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội thì mới thấy sự cần thiết của việc tiêm vắc xin”.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, sáng 11/6, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời tiết nóng bất thường, mưa nhiều khiến cho bệnh sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng cũng làm cho các bệnh tay chân miệng, viêm màng não, viêm não Nhật Bản B... đều có xu hướng gia tăng.

Chính vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải truyền thông chủ động phòng chống dịch trước rồi mới đến chữa bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa hè, chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh. Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến cũng khuyến cáo đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, viêm não Nhật Bản,… thì người dân cần thiết phải tiêm vắc xin phòng bệnh, không để dịch bệnh bùng phát. Các đơn vị tiêm chủng thực hiện nghiêm túc an toàn tiêm chủng, sàng lọc thật kỹ tiền sử của trẻ và khi có tai biến xảy ra thì cần xử lý kịp thời.

Theo Lê Phương (Khampha.vn)