Gia đình

Đại học Harvard sẽ chỉnh sửa gene tinh trùng

Bất chấp tranh cãi về nghiên cứu chỉnh sửa gene người, các nhà khoa học ở Đại học Harvard (Mỹ) tuyên bố sẽ tiến hành chỉnh sửa gene tinh trùng.

Gần đây, giới khoa học và báo chí rất quan tâm về việc nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui tuyên bố đã tạo ra cặp bé gái song sinh nhờ thí nghiệm chỉnh sửa gene người có khả năng chống lại HIV. Ít ai biết rằng tại Mỹ, nghiên cứu chỉnh sửa gene nhằm cải thiện sức khỏe cho các thế hệ kế tiếp cũng đang được tiến hành.

Theo MIT Technology Review, bác sĩ Werner Neuhausser tại Viện Tế bào Gốc thuộc Đại học Harvard  đang lên kế hoạch sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR để biến đổi mã DNA bên trong tế bào tinh trùng. Mục tiêu của ông là đi tìm đáp án cho câu hỏi: Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi các em bé được sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm trưởng thành hay không?

Đây là nghiên cứu cơ bản và chưa được công bố rộng rãi. Các tác giả cũng khẳng định không dùng đến phôi thai nên sẽ không có em bé nào chào đời. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, công trình của Neuhausser vẫn nhắm đến chung mục tiêu với dự án của He Jiankui ở Trung Quốc và làm dấy lên câu hỏi: Liệu xã hội có cần đến công nghệ chỉnh sửa gene để phòng bệnh ở trẻ em?

Đại học Harvard sẽ chỉnh sửa gene tinh trùng
Ảnh: Wikipedia.

Trên thực tế, He Jiankui đã bị các cơ quan y tế và giới chuyên gia lên án dữ dội kể từ khi công bố tin hai em bé được sinh ra nhờ công nghệ CRISPR. Ông Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc nhận xét nỗ lực này "đã vượt quá giới hạn về đạo đức, nhân cách con người" và "không thể chấp nhận được". 

Trong khi đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chỉnh sửa Gene diễn ra ở Hong Kong ngày 28/11, Hiệu trưởng Đại học Y Harvard George Daley không chỉ trích He mà chỉ cho rằng nhà khoa học Trung Quốc đã đi rẽ sai trên con đường đúng đắn. 

Theo ông Daley, chỉnh sửa tế bào gốc có thể và nên được áp dụng để định hình sức khỏe của trẻ em tương lai bởi công nghệ này giúp loại bỏ các đột biến gây ung thư và xơ nang. Bên cạnh đó, chỉnh sửa về mặt di truyền còn cải thiện sức đề kháng trước những  bệnh thông thường. Trong danh sách các gene có thể được chỉnh sửa, ông Daly đề cập đến CCR5, loại gene He đã can thiệp để tạo ra cặp song sinh.

Hiện ông Neuhausser cùng cộng sự tiến hành thí nghiệm trên loại gene có tên ApoE với hy vọng giảm nguy cơ mắc chứng Alzheimer. Nhóm cũng đang tìm cách tác động tích cực đến quá trình đột biến gene gây ra bệnh Lou Gehrig. 

Tại Boston, ông Neuhausser tiến hành khảo sát ý kiến các bác sĩ và hàng trăm bệnh nhân. Ông cho biết: "Hầu như tất cả mọi người đều ủng hộ ứng dụng công nghệ CRISPR để phòng và chữa bệnh". Tuy nhiên, không nhiều người tham gia khảo sát đồng ý với ý kiến chỉnh sửa gene để tăng chiều cao hoặc thay đổi màu mắt.

Với những ai hoàn toàn phản đối nghiên cứu trên, các bác sĩ trường Đại học Harvard còn một quân bài cuối cũng để thuyết phục: Chỉnh sửa phôi thai có thể là một công nghệ then chốt vì sức khỏe tương lai của một xã hội văn minh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một loại virus chết người xuất hiện và lây lan ra toàn thế giới? Khi đó, nếu vắcxin không còn tác dụng, chính bộ gene được chỉnh sửa sẽ giúp nhân loại chống lại mối nguy hiểm đó. Như thế, "cái chết đen" thời trung cổ sẽ không lặp lại.

"Tôi nhìn thấy tiềm năng bảo vệ loài người của công nghệ này", ông Neuhausser khẳng định. "Là những cơ thể sống, chúng ta cần duy trì sự linh hoạt khi đối mặt với các mối đe dọa tương lai cũng như kiểm soát sự di truyền của giống nòi". 

Theo Lê Hằng (VnExpress.net)