Gia đình

Đã có trường hợp đột quỵ do nắng nóng, đối tượng nào cần lưu ý đặc biệt?

Đã có trường hợp người già đi ngoài nắng gắt và bị ngã, tử vong giữa đường; vì vậy người già, nhất là những người có bệnh mãn tính cần biết cách bảo vệ sức khỏe một cách khoa học.

Đã có trường hợp đột quỵ do nắng nóng, đối tượng nào cần lưu ý đặc biệt?
(Ảnh minh họa - Nguồn: Phụ nữ TPHCM)

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt trên nền 40 độ C kéo dài liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân một số tỉnh phía Bắc.

Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng, tình trạng mất nước thông qua việc đổ mồ hôi của cơ thể dễ dẫn đến sự lồi lõm của mạch máu, độ kết dính trong máu tăng cao hình thành các cục máu đông - nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong vì đột quỵ.

Điển hình là trừng hợp bệnh nhân Hà Thị Thu H. (59 tuổi, ở Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nôn ra máu, hôn mê, nguy kịch.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bà Hiền có tiền sử huyết áp hơn 10 năm. Do duy trì uống thuốc huyết áp đều nên khi bị đau đầu, bà vẫn chủ quan tiếp tục làm việc. Gần 6h sáng nay, bệnh nhân này vừa đi bộ ra khỏi nhà thì ngã xuống và được người thân đưa vào viện cấp cứu.

Bác sĩ CKII Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) nhận định, thời gian gần đây, các BS tiếp nhận 5-6 ca tai biến mạch máu não mỗi ngày.

Khi nắng nóng bất thường, người cao tuổi đặc biệt người có tiền sử huyết áp cần thận trọng ra ngoài. Nếu ngồi trong điều hòa quá lạnh, bệnh nhân cũng dễ bị sốc nhiệt khi tiếp xúc với không khí ngoài trời.

Đã có trường hợp đột quỵ do nắng nóng, đối tượng nào cần lưu ý đặc biệt? - 1
Người già dễ bị đột quỵ do nắng nóng. (Ảnh minh họa)

Những đối tượng dễ bị đột quỵ do nắng nóng

Theo PGS. TS Mai Duy Tôn - BV Bạch Mai cho biết, số bệnh nhân được đưa đến cấp cứu do đột quỵ rất đông, mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ, con số này tăng lên khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay bệnh nhân đột quỵ không còn phụ thuộc vào lứa tuổi nữa, có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ. Đối với những bệnh nhân đột quỵ, nếu đến sớm trong khoảng thời gian từ 4-4,5 giờ, các can thiệp y học có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 5% trường hợp đến sớm.

Mặc dù vậy, đây là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ do nắng nóng cao nên đặc biệt chú ý:

Người già trên 65 tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, mổi, tâm thần, người uống ít nước và người uống quá nhiều rượu...

Bên cạnh đó, người sống ở khu vực thành thị cũng dễ bị đột quỵ do nắng nóng hơn so với cư dân sinh sống ở các vùng nông thôn. Nguyên nhân là do hiệu ứng bê tông khiến nhiệt độ ở thành phố cao hơn nhiệt độ của thời tiết, trong khi vào bân đêm lại có hiệu ứng "đảo nhiệt", tức là nhiệt độ giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

Đột quỵ do nắng nóng thường xảy ra trong những khoảng thời gian nhiệt độ ngoài trời trên 30 độ C. Các nước phương tây cũng khuyến cáo người dân không hoạt động ngoài trời với mức nhiệt độ như vậy.

TS.BS. Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương khuyến cáo: "Đã có trường hợp người già đi ngoài nắng gắt và bị ngã, tử vong giữa đường; vì vậy người già, nhất là những người có bệnh mãn tính cần biết cách bảo vệ sức khỏe một cách khoa học để tránh các tai biến".

Cách đơn giản giúp phòng đột quỵ do nắng nóng

Để đảm bảo, hạn chế nguy cơ đột quỵ, những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ cần hết sức lưu ý, tránh ra ngoài trời khi nắng gắt giữa ngày, cố gắng uống đủ nước dù ít cảm giác khác, đeo kính chống chói mắt.

- Chú ý chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bữa ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để phòng bệnh.

- Khi ra ngoài trời nắng, người cao tuổi nên mặc áo sơ mi dài tay và đội mũ rộng vành để bảo vệ da khỏi ánh mặt trời. Quần áo nên nhẹ và được làm từ chất liệu thoáng mát như cotton.

- Không nên đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay mà phải có thời gian vài phút để thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.

Theo Linh Chi (Soha/Trí Thức Trẻ)