Gia đình

Cúm gia cầm H5N1 chưa lây từ người sang người

Virus H5N1 cư trú trong tế bào nằm sâu ở phổi, không thể gây nhiễm đường hô hấp trên nên không lây lan qua động tác ho, hắt hơi.

Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus từ các loài gia cầm (hay chim) gây ra, có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Ilaly vào đầu thập niên 1990, hiện được phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Virus cúm gia cầm có tên khoa học là avian influenza (AI) thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxciridae.

H5N1 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm cao của virus cúm gia cầm. Chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hong Kong năm 1997. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, H5N1 giết chết gần 60% người mắc bệnh. 

Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, virus H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người qua tiếp xúc với phân hoặc từ các dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt. 

Virus cúm A H5N1 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh. Vệ sinh cá nhân không tốt, bàn tay không sạch cũng tạo điều kiện cho việc mắc cúm A H5N1. Các khu chợ đông hoặc nơi bán mất vệ sinh là nơi virus dễ truyền bệnh sang cộng đồng.

10 năm trước (từ năm 2004-2014), Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm H5N1, tỷ lệ tử vong cao. Virus viêm phổi nặng với các triệu chứng đường hô hấp giống cúm thông thường như ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở, một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Những triệu chứng này bắt đầu khoảng một tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh có thể diễn tiến nặng lên với các triệu chứng hô hấp nguy hiểm, dẫn đến tử vong.

Cúm gia cầm H5N1 chưa lây từ người sang người
Cúm gia cầm H5N1 chưa ghi nhận trường hợp nào lây từ người sang người. Ảnh: Daily Mail

Tiến sĩ Nghĩa cho biết, cúm H5N1 lây từ gia cầm sang người nhưng chưa ghi nhận trường hợp lây từ người sang người. Theo Forbes, virus H5N1 cư trú trong những tế bào nằm sâu trong phổi, không thể gây nhiễm ở đường hô hấp trên và không lây lan qua động tác ho hoặc hắt hơi như các loại virus cúm khác. Điều này lý giải tại sao đường lây truyền người - người của loại virus cúm gia cầm này đến nay vẫn chưa xảy ra.

Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh. Năm 2018, Việt Nam thử nghiệm lâm sàng thành công hai vắcxin sản xuất trong nước phòng cúm mùa và cúm A/H5N1, dự kiến năm tới, hai vắcxin được cấp phép lưu hành.

Trong điều trị, các mẫu bệnh phẩm dạng chất lỏng từ mũi hoặc cổ họng của người bệnh được lấy để kiểm tra, xét nghiệm có chứa virus H5N1 hay không. Hiện nay, nhiều loại virus cúm đã kháng với một loại thuốc chống virus như amantadine và rimantadine (Flumadine). Các quan chức y tế khuyến cáo nên sử dụng oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza). Những loại thuốc này phải được sử dụng kị thời khi có triệu chứng nhiễm bệnh. Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 cũng nên đến cơ sở y tế kiểm tra, theo dõi.

Để đảm bảo an toàn, các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng cho gia cầm. Các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau, lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác... Giải pháp tiêu hủy toàn đàn với gia cầm hay chim là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lan truyền virus từ gia cầm qua người. Ngoài ra, tức ăn từ gia cầm cần được làm sạch và nấu chín kỹ. Nếu cơ thể có biểu hiện cúm như ho, sốt, mệt mỏi... nhất là sau khi bạn đi đên quốc gia hoặc khu vực có dịch cúm, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

"Dù cúm H5N1 chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm từ người qua người, song chúng ta phải luôn cảnh giác với dịch bệnh", tiến sĩ Nghĩa nói.

Theo Thúy Quỳnh (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/suc-khoe/cum-gia-cam-h5n1-chua-lay-tu-nguoi-sang-nguoi-4049067.html