Gia đình

Cụ ông uống 20 viên thuốc diệt chuột vì tưởng nhầm là... kẹo

Hiện nay, việc sử dụng rộng rãi loại thuốc diệt chuột cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người khi quản lý sử dụng không đúng cách, hoặc uống nhầm.

Cụ ông uống 20 viên thuốc diệt chuột vì tưởng nhầm là... kẹo

Nhầm với kẹo

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108,  khoa hồi sức tích cực của bệnh viện cách đây không lâu tiếp nhận 1 bệnh nhân nam 91 tuổi, ở Hà Nội vào viện giờ thứ 3 sau khi ăn khoảng 20 viên thuốc diệt chuột loại Dethmor (Warfarin) do tưởng nhầm là kẹo.

May mắn, bệnh nhân được người nhà phát hiện và đưa đến viện sớm trong những giờ đầu, bệnh nhân được rửa dạ dày ngay hạn chế hấp thu thuốc độc vào máu. Điều trị dùng chất giải độc đặc hiệu. Sau 5 ngày bệnh nhân được ra viện và hồi phục hoàn toàn, không có biến chứng.

Trường hợp của bé Nguyễn Vân A. 3 tuổi, Bình Phước được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu vì ăn nhầm thuốc diệt chuộc. Qua khai thác bệnh sử từ gia đình ghi nhận, trước khi tai nạn hi hữu xảy ra, trong gia đình xuất hiện nhiều chuột nên bà nội của bé mua thuốc về diệt.

Cụ ông uống 20 viên thuốc diệt chuột vì tưởng nhầm là... kẹo - 1
Viên thuốc được cụ ông 91 tuổi ăn vì nhầm với kẹo

Bà nội của bé sơ ý để trên bàn chưa kịp cất đi, thấy thuốc hình viên nén, cháu bé tưởng nhầm là kẹo nên lấy ngậm vào miệng, chỉ ít giờ sau cháu nôn ói, bất tỉnh. Gia đình kiểm tra thì phát hiện, bịch thuốc đã bị mở nên vội vàng đưa cháu đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển lên Nhi Đồng 1.

Tại khoa Cấp cứu, cháu rơi vào tình trạng bất tỉnh, khó thở, có biểu hiện máu không đông. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành rửa dạ dà và sử dụng thuốc thải độc. Sau điều trị, cháu đã vượt qua cơn nguy kịch.

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từng tiếp nhận điều trị 10 bệnh nhân ở tỉnh Bắc Giang với các triệu chứng xuất huyết dưới da, cháy máu chân ráng.., Qua quá trình điều trị, các bác sĩ đã phát hiện các bệnh nhân này bị rối loạn đông máu do nhiễm warfarin có trong thuốc diệt chuột.

Độc tố nguy hiểm

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Nga khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Warfarin được biết đến là chất chống đông máu sử dụng khá phổ biến trong y học.

Warfarin điều trị nghẽn mạch do huyết khối ở người mang van tim nhân tạo, rung nhĩ mãn tính, nghẽn mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

Khi vào cơ thể, warfarin đối kháng thụ thể với vitamin K, ức chế vitamin K tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), yếu tố VII, IX, X và các protein C, protein S, nên có tác dụng chống đông máu.

Với liều duy nhất, warfarin có tác dụng chống đông máu kéo dài từ 5 - 7 ngày, nhưng với superwarfarin tác dụng chống đông máu kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.

Cụ ông uống 20 viên thuốc diệt chuột vì tưởng nhầm là... kẹo - 2
Warfarin gây xuất huyết

Ngoài ra,  warfarin còn được sử dụng trong nông nghiệp, trong đời sống với khả năng diệt chuột hiệu quả và có nhiều ưu điểm. Hiện nay, việc sử dụng rộng rãi loại thuốc diệt chuột này cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người khi quản lý sử dụng không đúng cách, hoặc uống nhầm. 

Độc tính chủ yếu của warfarin là gây xuất huyết khi sử dụng quá liều hoặc phơi nhiễm với super warfarin có trong thuốc diệt chuột.  Thông thường 1-2 ngày đầu, bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Tình trạng xuất huyết sẽ xảy ra sau 2-3 ngày, ở các mức độ khác nhau: chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, tụ máu trong cơ…

Các triệu chứng khác có thể gặp như: ý thức lơ mơ, đau đầu, rối loạn điều hòa vận động, đau bụng, buồn nôn. Nặng hơn có thể gặp tiêu cơ vân, suy hô hấp, co giật, hôn mê. Xét nghiệm có rối loạn đông máu giảm PT % và chỉ số INR kéo dài. 

Điều trị có hiệu quả với các trường hợp được đưa đến cơ sở y tế sớm trong 6h đầu với các biện pháp ngăn ngừa hấp thu như rửa dạ dày, dùng than hoạt và sử dụng chất giải độc đặc hiệu (vitamin K). 

Nếu bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán muộn khi xảy ra các biến chứng chảy máu nội tạng: phổi, tiêu hóa, tiết niệu, ổ bụng, thần kinh trung ương thì tiên lượng xấu hơn rất nhiều.

Bác sĩ Nga cho biết hiện nay trên thị trường có bán nhiều loại thuốc diệt chuột chứa warfarin được sản xuất dưới hình thức bắt mắt, hương vị hấp dẫn, dễ gây nhầm lẫn là đồ ăn đặc biệt là người già và trẻ em.

Chính vì vậy, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng sự hướng dán cách sử dụng thuốc diệt chuột; bảo quản an toàn thuốc diệt chuột, chú ý vệ sinh môi trường (nguồn nước, đất đai thu gom xác chuột chết..); đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp trên là cách phòng ngừa hiệu quả nhất tình trạng nhiễm độc warfarn trong thuốc diệt chuột ở cộng đồng.

Trong trường hợp phát hiện người uống nhầm thuốc diệt chuột, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất và mang theo thuốc hoặc vỏ, nhãn mác loại thuốc đã sử dụng để được xử trí cấp cứu kịp thời.

Theo Ngọc Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)