Gia đình

Con tôi bị trầm cảm

Nếu con bị ốm, mắc bệnh, bạn còn lường được tình huống xấu nhưng khi con bị trầm cảm, bạn không hình dung được điều gì sẽ xảy đến với con mình.

LỜI TÒA SOẠN

“Cái con thấy buồn nhất đó là con cảm thấy cô đơn. Dù có bạn bè chơi trong trường đi nữa, khi ở nhà con hoàn toàn một mình. Vì ba mẹ con không có ở chung nhà nữa, nên giờ việc nói chuyện với ba mẹ là chuyện xa xỉ. Con cảm thấy khó chịu. Cái cảm giác cô đơn làm con cảm thấy khó chịu. Không phải vì áp lực học tập, áp lực học tập nó làm con khó chịu thật nhưng không có quan trọng” (nam sinh, 17 tuổi, TP.HCM).

“Hầu như là bố mẹ muốn mình giỏi, xuất sắc thì mình cũng muốn bố mẹ được hãnh diện các thứ, suốt ngày cứ đâm đâu vào học, sẽ xa lánh bạn bè, tự kỷ các thứ...” (nữ sinh, 16 tuổi, Hà Nội).

“Bố mẹ nghĩ là cứ so sánh nó với đứa khác xong thấy tấm gương ấy nó sẽ học tập theo thì nó sẽ tốt hơn, nhưng thực chất chỉ động đến lòng tự trọng, cảm giác tổn thương về tâm lý làm cho càng học dốt đi” (nữ sinh, 13 tuổi, Hà Nội). 

“Nhóm tự tử và nhóm hành vi gây tổn hại bản thân như rạch tay hay nhốt mình rơi vào các bạn nữ nhiều hơn, vì các bạn đó khá là nhạy cảm về chuyện tình cảm của mình (nam sinh, 17 tuổi, An Giang).

Đó là chia sẻ của các học sinh do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phỏng vấn khi thực hiện báo cáo nghiên cứu về “Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam”

Nỗi đau thể xác hiện hữu có thể nhanh chóng được phát hiện nhưng những áp lực, đau đớn về mặt tinh thần của trẻ liệu đã được nhìn nhận thấu đáo?

VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Đừng vô tình biến con khỏe mạnh thành bệnh nhân tâm thần" với mong muốn đưa ra một góc nhìn về thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Việt Nam.

Kỳ 1: Con tôi bị trầm cảm là câu chuyện của một người mẹ, một gia đình tại Hà Nội đang cùng con chiến đấu với căn bệnh này.

MỌI THỨ THAY ĐỔI KHI CON ĐẾN TUỔI DẬY THÌ

Làm trong môi trường giáo dục, tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp học sinh trầm cảm, tự hủy hoại bản thân mình. Giống bao phụ huynh khác, tôi nghĩ đó không phải là chuyện của mình. Nhưng tới khi con rơi vào hoàn cảnh ấy, tôi mới thấy nỗi sợ hãi của những bà mẹ kia như thế nào?

Con gái lớn của tôi rất thông minh. Bé thích đọc sách từ nhỏ. Mọi thay đổi bắt đầu xảy ra khi con đến tuổi dậy thì. Tôi từng tự tin mình có thể làm bạn với con, trò chuyện cùng con. Bà mẹ như tôi chỉ biết cố gắng theo kịp sự phát triển của con nhưng tôi vẫn chệch nhịp.

Con vốn học tập tốt. Qua tuổi dậy thì, tôi biết con tìm tới nhiều sách hơn. Con đọc truyện ngôn tình, đam mỹ, thậm chí, tôi biết nó xem cả phim người lớn. Tôi nói chuyện với con về những quyển truyện ngôn tình đó, những quyển truyện không phù hợp với tuổi của con. Thậm chí, tôi còn từng ném quyển sách ngôn tình của con vào sọt rác vì không muốn con đọc. 

Con tôi bị trầm cảm
Cả gia đình tôi đảo lộn vì con mắc bệnh. 

Từ khi lên lớp 7, con học online nên ít tiếp xúc với bạn bè hơn. Hai vợ chồng tôi đi làm để máy tính ở nhà cho con. Nói thật, con học hay làm gì thì không ai biết. Con bé tìm tới chơi game, con hay vào các trang web xấu.

Kể từ khi được người quen tặng điện thoại smartphone, con đóng cửa ở lì trong phòng xem điện thoại. Một lần, con đi vệ sinh và tôi thấy điện thoại của con ở trên giường. Tôi vơ lấy chiếc điện thoại và cấm con dùng. Tôi thực sự không muốn biết con xem gì, vì mình cũng đoán ra. Con đã khóc rất nhiều, vật vã và than rằng “chiếc điện thoại là cách con liên lạc với bạn”. Tôi hỏi ra thì được biết đó là bạn gái của con cách nhà tôi đang ở tới 20km. 

Học tập của con sa sút. Con học toán rất tốt nhưng thời điểm đó chỉ được 1, 2 điểm. Điểm càng thấp, con càng lo lắng. Con mất ngủ, buôn điện thoại tới 3-4h sáng. Thi thoảng, con than khó thở và đặc biệt cứa tay muốn tự tử. Tôi hoảng hốt.

Con tôi bị trầm cảm - 1
Con đã tự hành hạ bản thân bằng các đường cắt trên cổ tay. 

CHÚNG TÔI NHƯ ĐANG ĐI TRÊN DÂY

Những câu chuyện tôi đọc đâu đó trên sách, báo rơi vào trúng con mình. Thậm chí, con bé còn đòi nhảy lầu trước mặt vợ chồng tôi. Chúng tôi như đang đi trên dây, có thể mất con bất cứ lúc nào. Tâm trạng cực kỳ hoảng sợ. 

Khi bình tĩnh lại, việc đầu tiên tôi làm là đăng ký cho con đi khám. Tôi cho con đi khám các chuyên khoa nhưng sức khỏe tim, phổi tốt. Khi tới chuyên khoa tâm thần, bác sĩ kết luận bé bị rối loạn đa nhân cách, trầm cảm nội sinh. Trước mặt bố mẹ, con là người khác. Khi giao tiếp với bác sĩ, bạn bè con là một người khác.

Thời điểm đó, tôi đặt lịch khám cho con ở đâu cũng quá tải vì những đứa trẻ như con tôi rất nhiều. Tôi xin nghỉ không lương 6 tháng để đồng hành cùng con. Nhiều lần con nói “đằng nào cũng chết, chết sớm sẽ tốt hơn”. Nghe câu nói của con, tôi đau đớn khôn xiết. Tôi chỉ còn biết trò chuyện với con thường xuyên hơn để con biết yêu thương bản thân mình và yêu thương cả gia đình chúng tôi.

Ngày ấy, con thích cắt tóc theo kiểu “Khá Bảnh” tôi không dám cấm mà chỉ nói với “Con nên chọn kiểu tóc cho phù hợp với môi trường của mình”. Cô bé im lặng. Đưa con ra tiệm và làm theo tư vấn của thợ cắt tóc, khi trở về, hai vợ chồng tôi hoảng vì con khóa trái cửa phòng khóc, đập đầu vào tường. Khi mở cửa phòng, chúng tôi chết lặng khi nhìn vết thương trên trán của con. 

Tôi không dám rời con nửa bước, đưa đón con đi học hàng ngày. Bác sĩ nói như thế nào vợ chồng tôi đều thay đổi chỉ hi vọng con trở lại bình thường. Nếu con mang bệnh khác, tôi còn biết ứng phó nhưng với trầm cảm, rối loạn cảm xúc, cha mẹ sẽ như đang đi trên dây. Nếu lơ là, sai sót, tôi có thể mất con.

Con đòi gì, tôi đều đáp ứng. Vợ chồng tôi không dám cấm. Bởi vì con như quả bóng căng nếu cấm có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nhưng con lại thấy cuộc sống thật vô vị vì nó không biết mình đang cần gì. Ở trường, cô giáo và các bạn lại khen con rất năng động, tham gia nhiều hoạt động của trường lớp nhưng khi về nhà con lại thành đứa trẻ khác.

Chồng tôi cũng dành thời gian cho con như rủ con đi leo núi, đi chơi. Vợ chồng tôi đều cố gắng đồng hành cùng con. Thậm chí, con muốn trò chuyện với một bạn ở cách nhà 20km, chúng tôi cũng đến tận nhà cô bé để các con cùng đi xem phim.

Gần một năm, sức khỏe con dần ổn định nhưng tôi vẫn sống trong thấp thỏm vì con có thể thay đổi, bộc phát cảm xúc bất cứ lúc nào. Tôi sợ cảnh con mất ngủ vì chỉ khi đó cảm xúc của con sẽ thay đổi. Tôi không dám để con vượt xa tầm mắt của mình. 

Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Việt Nam

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự tử. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.

Tại Việt Nam, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em như lo lắng, trầm cảm, cô đơn và rối loạn tăng động giảm chú ý... chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Theo Phương Thúy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/tam-su-cua-ba-me-co-con-bi-tram-cam-chi-lo-la-sai-sot-co-the-mat-con-2108760.html