Gia đình

Con dâu chẳng muốn... làm dâu

Ngày xưa, các cô gái lấy chồng rất sợ phải đi làm dâu, sợ bị mẹ chồng xét nét. Nhưng hiện nay, khi vai trò của người phụ nữ trong gia đình dần nâng cao, chuyện làm dâu lại đang có xu thế đảo ngược.

Một nhà hai mâm

Hải và Thảo yêu nhau mấy năm đại học, bố mẹ Hải đã già nên các cụ giục cưới. Lúc đầu Thảo vùng vằng, bảo chưa có nhà riêng sẽ không chịu cưới. Nhưng tuổi cũng đã “cứng”, thế là quyết định cưới xong, hai đứa ở chung với bố mẹ.

Từ khi về làm dâu, chẳng mấy khi Thảo nói được với bố mẹ chồng một câu tử tế. Ngày xưa các cô gái đi làm dâu rất sợ mẹ chồng soi xét nhưng Thảo thì ngược lại. Lúc nào cô cũng dè chừng, xét nét hành vi lời nói của bố mẹ chồng. Bố mẹ ở nhà buồn, tối các con đi làm về thường hay kể chuyện. Thế là Thảo suy diễn là hai ông bà lắm lời, cô bắt chồng ăn tối xong phải lên phòng ngay, không hóng hớt linh tinh.

Tính Thảo vốn "khảnh" ăn, đi làm về mẹ chồng làm cơm sẵn, thế mà món gì cũng không ưng ý cô con dâu. Cô chỉ ăn một bát nhỏ lấy lệ, tối đói bụng lại đòi Hải chở đi ăn đêm. Có hôm lạnh buốt, Thảo lên “cơn” thích ăn ngô nướng, bắt Hải đi mua cho bằng được. Biết chuyện, mẹ chồng xót con nên cho hai đứa ăn riêng. Thảo thích ăn món gì thì tự làm lấy cho hợp khẩu vị.

Con dâu chẳng muốn... làm dâu
Ảnh minh họa

Thế là hai vợ chồng sống với bố mẹ theo kiểu “một bếp hai mâm”. Hàng ngày Thảo đi làm về muộn phải chấp nhận ăn sau. Mẹ chồng làm bếp chậm chạp, có hôm Thảo phải chờ hàng tiếng đồng hồ. Cô chọn giải pháp ăn cơm tiệm nhưng Hải không chịu. Giận chồng vì "thay lòng đổi dạ, không ủng hộ mình" như đã hứa trước khi cưới, Thảo càng "đành hanh" với mẹ chồng. Hằng ngày cô chiếm bếp thật lâu, không nhường bố mẹ ăn trước nữa.. Mua thức ăn gì ngon, không ăn hết cô bỏ đi chứ không hề mang biếu bố mẹ. Hải mang biếu thức ăn, bố mẹ đều trả lại. Thảo rất hả hê vì mỗi lần dọn cơm, mâm cơm bố mẹ thì đạm bạc, mâm cơm hai vợ chồng thì tú ụ thức ăn.

Ngày nào giữa Thảo và bố mẹ chồng cũng xảy ra xung đột. Càng ngày, Hải càng cục cằn, tình yêu dành cho Thảo chẳng còn mặn nồng mà cứ nhạt dần theo năm tháng. Thảo mang thai, bố mẹ chồng cũng dửng dưng như không. Mà mẹ có hỏi đến thì Thảo cũng chả cần, còn nói là "đạo đức giả". Hải cũng không đến thăm nom gì bố mẹ vợ. Mỗi lần Thảo dỗi chồng, bỏ về nhà ngoại, Hải cũng chả buồn đến đón về. Bố mẹ Thảo khuyên răn nhưng ở nhà Thảo đã được chiều quen rồi, cứ thích gì làm nấy.

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Đôi lúc Thảo cũng hối hận về những hành vi của mình, định làm lành với bố mẹ chồng. Nhưng tình cảm như một hố bom, càng ngày càng rộng ra, khó xóa đi những ác cảm của mẹ chồng với Thảo. Đã quá muộn để Thảo tạo một mối quan hệ gắn bó với gia đình nhà chồng.

Ra ở riêng để không phải "làm con ai"

Không như Thảo và Hải, trường hợp của Ngọc và Tùng lại còn quyết liệt hơn. Ngay từ hồi mới quen nhau, Ngọc đã nói với Tùng là sau này nhất quyết không đi làm dâu.

Trước ngày cưới, Ngọc ra điều kiện "không ở chung với bố mẹ chồng" vì cô không biết cách làm dâu, chẳng biết chăm sóc bố mẹ chồng thế nào. Chẳng thà ra ở riêng sẽ ít tiếp xúc với bố mẹ chồng, do đó không biết con dâu khéo hay vụng, không có cơ hội để cãi nhau. Hàng tuần hai vợ chồng về thăm bố mẹ, thế cũng là một kiểu phụng dưỡng. Tùng là con một nên không dễ gì thuyết phục bố mẹ ra ở riêng được. Biết tính Ngọc sẽ không xuống nước, Tùng phải hứa là sẽ ở riêng sau lễ thành hôn.

Sau lễ cưới, bố mẹ Tùng mừng vui vì nhà có thêm con, nhà đỡ hiu quạnh. Hai ông bà tuổi cao sức yếu, mong có con dâu sớm tối cơm nước, phụng dưỡng. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì ngay sau tuần trăng mật, hai vợ chồng xin phép ra ở riêng. Cả Tùng và Ngọc nhất quyết muốn ở riêng để được độc lập, không phải phụ thuộc bố mẹ. Mọi lời can ngăn của hai ông bà đều không thể thuyết phục được đôi vợ chồng trẻ. Tùng vốn là người nhu nhược, lại quá yêu Ngọc nên chiều theo ý vợ. Cuối cùng, Ngọc vẫn kéo được Tùng ra khỏi nhà bố mẹ chồng, đến ở căn hộ chung cư hai đứa đã mua từ trước.

Hồi đầu ra ở riêng, Chủ nhật hai vợ chồng đều đến thăm bố mẹ. Được một tháng, phần vì bận bịu với công việc, ngày nghỉ phải đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa nên hai vợ chồng chẳng mấy khi về thăm bố mẹ. Thêm nữa, Ngọc đã có ác cảm với bố mẹ chồng từ trước, hễ Tùng nhắc đến chuyện về nhà nội là Ngọc lại kiếm cớ từ chối. Khi thì cô bảo bận công việc, khi thì đến nhà bạn... Lâu lâu, hai vợ chồng mới về thăm hỏi bố mẹ qua loa rồi đi ngay.

Tình cảm của bố mẹ chồng dành cho nàng dâu ngày càng nhạt dần và có chuyển biến theo chiều hướng xấu. Gặp ai, các cụ cũng than phiền. Thỉnh thoảng, sau giờ làm, Tùng về thăm bố mẹ, lúc nào mẹ cũng sụt sùi. Thương bố mẹ, Tùng bảo vợ nên về ở với các cụ. Được thể, Ngọc đổ tội cho bố mẹ chồng "xúi bẩy con trai về hắt hủi vợ". Thế là hàng tháng, Ngọc cầm hết lương của Tùng. Mỗi khi Tùng về nhà lấy tiền đem biếu bố mẹ Ngọc đều kiếm cớ làm mình làm mẩy, gây sự với chồng.

Quá mệt mỏi với vợ, Tùng về ở với bố mẹ. Ngọc cũng làm căng, bỏ đến nhà bạn sống. Bố mẹ lo cho hạnh phúc của hai đứa nên đứng ra giảng hoà. Ngọc báo tin đã mang thai, mẹ chồng đến chăm sóc chu đáo, động viên hai đứa làm lành với nhau. Nhưng Ngọc vẫn cứ làm căng, không chịu lép vế, nói với chồng là "tôi làm vợ anh chứ không chịu làm con ai cả". Đến nước này thì Tùng chỉ còn chờ cô sinh nở xong sẽ tính chuyện ly hôn.

Theo chuyên gia tâm lí Đinh Đoàn, các gia đình Việt thường có truyền thống tam, tứ đại đồng đường. Con cái sau khi lấy vợ thường ở chung nhà với cha mẹ, đặc biệt là con trai một để phụng dưỡng cha mẹ và cũng để nhà cửa bớt hiu quạnh. Vì vậy, các cô dâu mới đừng nên đẩy chồng vào tình thế buộc phải chọn lựa giữa cha mẹ và vợ. Đôi khi có thể vì tình yêu mà các ông chồng chọn đi theo vợ nhưng chắc chắn anh ấy sẽ không thể toàn tâm toàn ý tận hưởng hạnh phúc khi mà trong lòng canh cánh nỗi lo cho cha mẹ già cô đơn, hiu quạnh.

Theo Hải Anh (Giadinh.net.vn)