Gia đình

Con 6 tuổi vào viện cấp cứu, bố mẹ mới tá hỏa biết con bị viêm dạ dày vì thói quen ăn uống này

Viêm loét dạ dày, tá tràng thường gặp ở người lớn nhưng không ít trẻ nhỏ mới vài tuổi đã nhập viện vì thủng, loét dạ dày. Chuyên gia cho rằng, điều này xuất phát từ những thói quen sinh hoạt, ăn uống mà nhiều cha mẹ đang áp dụng cho trẻ.

Mới 6 tuổi đã loét dạ dày

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) đã cấp cứu cho bệnh nhi 6 tuổi trong tình trạng đau bụng, sốt, đi ngoài phân đen. Trước khi vào viện cháu bị chướng bụng, nôn nhiều, liên tục kêu đau khắp bụng. Vào viện chụp CT cắt lớp, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, chỉ định phẫu thuật nội soi. Khi phẫu thuật cho thấy tá tràng của trẻ có ổ loét đã thủng, nhiều dịch ổ bụng và giả mạc. Bác sĩ đã khâu lỗ thủng, rửa sạch, dẫn lưu ổ bụng và tiếp tục điều trị nội khoa dạ dày để tránh biến chứng bục, loét, chảy máu dạ dày…

Một bệnh nhi 6 tuổi khác ở Hà Nội trước đó đã được các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 108 cắt 2/3 dạ dày. Bệnh nhi có vết loét lớn ở hành tá tràng lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị khiến ăn không tiêu. Theo lời kể của gia đình, mấy tháng trước bé thường kêu đau bụng nhưng gia đình nghĩ đau bụng giun nên mua thuốc uống. Tình trạng không đỡ, bé đau nhiều hơn, ăn vào là nôn nên gia đình đưa đi viện. Gia đình không thể nghĩ con còn nhỏ đã bị loét tá tràng như vậy.

Con 6 tuổi vào viện cấp cứu, bố mẹ mới tá hỏa biết con bị viêm dạ dày vì thói quen ăn uống này
Caption

Theo BS Bùi Đức Duy, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), thủng ổ loét dạ dày, tá tràng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, người có tiền sử bệnh dạ dày. Đây là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh loét và có thể nguy hiểm tính mạng nếu như không được xử lý kịp thời.

Ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi tỷ lệ bị bệnh loét dạ dày, tá tràng tương đối ít. Nhưng nếu trẻ mắc thường lại nguy hiểm hơn vì rất hay nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun. Sự chủ quan, không điều trị kịp này dễ dẫn đến các biến chứng đáng tiếc.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng-nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, đa phần bệnh lý loét dạ dày, tá tràng thường chỉ gặp ở người lớn. Ở trẻ nhỏ có xu hướng mắc tăng khi đời sống hiện đại ngày nay.

Điều đáng nói là trẻ khi bị viêm loét dạ dày, tá tràng triệu chứng mơ hồ. Không như người lớn là đau âm ỉ, ợ chua, trẻ hay đau dữ dội. Biểu hiện này giống đau do giun chui ống mật và việc trẻ nhỏ không biết mô tả cơn đau thế nào dẫn tới việc nhiều bố mẹ nhầm với cơn đau do giun, dẫn tới trì hoãn đi khám. Có những trẻ vào viện khi đã có biến chứng xuất huyết dạ dày, loét sâu, thủng dạ dày, nguy hiểm hơn là hẹp môn vị khiến trẻ ăn vào lại nôn ra. Để điều trị, trẻ buộc phải phẫu thuật.

Bệnh chủ yếu từ thói quen ăn uống

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, mọi người thường nghĩ trẻ bị viêm dạ dày, tá tràng là do vi khuẩn H.Pylori (H.P) gây ra. Đúng là vi khuẩn này là yếu tố thuận lợi để giúp bệnh phát sinh song nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ tích tụ lâu ngày.

Trẻ em hiện nay do học tập quá nhiều dễ bị căng thẳng, stress. Nhiều cha mẹ vẫn giữ thói quen cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi để trẻ ăn nhanh, ăn nhiều hơn. Cộng với đó, ép trẻ ăn thật nhiều, lịch ăn kín mít khiến nhiều trẻ đến bữa là sợ, stress. Khi đó, trẻ có nguy cơ bị ợ, axít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Tình trạng này liên tục lặp lại dẫn tới viêm loét dạ dày. Cùng với đó, trẻ chơi vi tính nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn vội, sử dụng đồ uống có gas trong bữa cơm... Tất cả thói quen đó tạo thuận lợi cho bệnh việc gây bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ khi viêm loét dạ dày, tá tràng dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do sự hấp thu tiêu hóa không tốt, trẻ có tình trạng biếng ăn, ăn không ngon. Một khi trẻ phải cắt dạ dày sẽ hạn chế việc hấp thụ thức ăn và các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện như đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội nên đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Để đề phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần điều chỉnh lối sống lành mạnh, hợp lý. Hạn chế các thói quen xấu trên như để trẻ chơi đùa trong khi ăn, vừa ăn vừa xem tivi, để trẻ thức quá khuya. Cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau quả, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày, giảm stress, căng thẳng trong học tập.

Ngoài ra, loại bỏ ngay những thói quen xấu lây nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP có thể lây qua hôn; qua nhai, mớm thức ăn cho trẻ, dùng chung đồ chứa đựng nước uống hay thức ăn với người mang vi khuẩn HP chưa được vệ sinh sạch sẽ. Đối với những gia đình bố mẹ có tiền sử bệnh dạ dày, nguy cơ trẻ mắc cao. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện, điều trị kịp thời.

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/song-khoe/tre-de-viem-loet-da-day-ta-trang-vi-thoi-quen-an-uong-nay-20200423101138158.htm