Gia đình

Cô gái bị chẩn đoán phơi nhiễm HIV sau khi uống trà, BS khẳng định: Đó là điều không tưởng

Các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm điều trị HIV đều khẳng định, không có chuyện bị phơi nhiễm HIV khi uống cốc trà có miếng băng keo đã qua sử dụng, kể cả là băng keo dính máu của người nhiễm HIV.

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin về việc một cô gái phải uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV sau khi phát hiện miếng băng keo đã qua sử dụng trong cốc trà khiến nhiều người hoang mang.

Theo chia sẻ này, cô gái sau khi uống cốc trà phát hiện chiếc băng keo đã qua sử dụng, tức có khả năng dính máu rất cao nên đã đi khám. Tại nơi khám bệnh, cô gái được tư vấn có khả năng bị phơi nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm trong đó có HIV và bác sĩ đã kê đơn thuốc phòng chống phơi nhiễm với liều dùng 28 ngày để đảm bảo hiệu quả tốt nhất của loại thuốc này.

“Phải đợi sau 3 tháng thì mới đủ thời gian để xét nghiệm ra kết quả chính xác là có bị lây nhiễm hay không? Bọn mình đã rất sốc với chẩn đoán này của bác sĩ. Không ai nghĩ mình có thể bị nhiễm những bệnh đó chỉ vì một ly trà vải”, trích đoạn nội dung chia sẻ trên mạng xã hội.

Cô gái bị chẩn đoán phơi nhiễm HIV sau khi uống trà, BS khẳng định: Đó là điều không tưởng
Hình ảnh chẩn đoán bị phơi nhiễm HIV và dòng chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang.

Trước những thông tin trên, các chuyên gia y tế đều khẳng định không có chuyện uống cốc trà có miếng băng keo dán (băng urgo), kể cả là đã qua sử dụng sẽ bị phơi nhiễm HIV. Một lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định: “Điều này là không thể xảy ra”.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Hải Hà – khoa Nội (Bệnh viện 09 Hà Nội) cho biết, HIV có 3 con đường lây nhiễm cơ bản, bao gồm dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục và mẹ sang con.

Còn đối với việc phơi nhiễm HIV, trong cuộc sống chúng ta có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).

Cô gái bị chẩn đoán phơi nhiễm HIV sau khi uống trà, BS khẳng định: Đó là điều không tưởng - 1
Bác sĩ Hà cho biết khả năng bị phơi nhiễm HIV chỉ xảy ra trong một số trường hợp nhất định.

Khả năng bị phơi nhiễm cũng xảy ra tương đối phổ biến khi bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sĩ…), cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…

Trong đó, nguy cơ nhiễm HIV chỉ cao trong trường hợp tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều hoặc máu và các dịch của người có HIV bắn vào vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Với các tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít, máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét, nguy cơ mắc bệnh rất thấp. Từ các phân tích trên, bác sĩ Hà cho biết, việc uống cốc trà có băng keo dính đã qua sử dụng, kể cả có dính máu cũng không có khả năng phơi nhiễm HIV.

Cô gái bị chẩn đoán phơi nhiễm HIV sau khi uống trà, BS khẳng định: Đó là điều không tưởng - 2
Bác sĩ Hưng khẳng định trong trường hợp miếng băng dán cá nhân có dính máu người nhiễm HIV cũng không có khả năng phơi nhiễm khi thả vào trong cốc trà.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội (Bệnh viện 09 Hà Nội) người gần 30 năm gắn bó với bệnh nhân HIV khi nghe thông tin trên cũng vô cùng bất ngờ. Vị chuyên gia này khẳng định, việc uống nước có miếng băng keo đã qua sử dụng, kể cả là dính máu của người nhiễm HIV cũng không nhiễm căn bệnh này. Kể cả trường hợp người uống có tổn thương vùng miệng thì việc lây nhiễm cũng không xảy ra.

“Virus HIV chỉ tồn tại bên ngoài môi trường trong thời gian rất ngắn ở với nhiệt độ thích hợp. Trường hợp miếng băng keo có dính máu HIV cũng trở nên vô hại khi nằm trong cốc nước. Bởi virus HIV sẽ bị môi trường nước tiêu diệt”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Theo Lê Phương (Khampha.vn)