Gia đình

Cô gái 23 tuổi bị sốc phản vệ do tập thể dục quá sức

Đang chạy bộ, chị Đ.T.T.T. 23 tuổi (TP Hồ Chí Minh) bỗng nổi mề đay, ngứa, khó thở, tím tái, chóng mặt… được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ nhận định chị T. bị sốc phản vệ độ 3 do tập thể dục quá sức.

Ngày 29/11, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hoàng Khương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân T. được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng nổi hồng ban toàn thân, phù mắt và môi, huyết áp giảm 70/40 mmHg (mức bình thường 120/80 mmHg). Bác sĩ nhận định, bệnh nhân T. bị sốc phản vệ độ 3 do tập thể dục quá sức khiến toàn thân nổi mề đay, sưng mắt và môi, ngứa, tụt huyết áp, khó thở, tím tái.

Cô gái 23 tuổi bị sốc phản vệ do tập thể dục quá sức
Hiện sức khỏe chị T. đã ổn định và được cho xuất viện (Ảnh: BV)

Ngay lập tức, chị T. được tiêm adrenaline, methylprednisolone, diphenylhydramin theo phác đồ điều trị chuẩn của Bộ Y tế. Người bệnh được theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu), tri giác và thể tích nước tiểu… Sau hơn 2 giờ cấp cứu, người bệnh giảm ngứa, mắt và môi bớt sưng, hết khó thở, huyết áp về ngưỡng an toàn, mạch ổn định trở lại. Bệnh nhân T. được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để theo dõi ít nhất 24 giờ phòng trường hợp sốc phản vệ tái diễn.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương giải thích, bệnh nhân T. có tiền căn thường nổi mề đay khi tập thể dục nhưng lần này, người bệnh rơi vào sốc phản vệ do tập thể dục với cường độ cao. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu sớm nên bác sĩ xử trí kịp thời. Mặt khác, trước khi đến bệnh viện, người nhà biết cách sơ cứu ban đầu và gọi xe cứu thương giúp người bệnh không bị sốc trong lúc di chuyển.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương, phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính xảy ra ở những người có cơ địa nhạy cảm với một số yếu tố nguy cơ, có thể là thuốc, nọc động vật, trứng, hải sản, đậu phộng… Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong. Hiếm khi tập thể dục gây ra sốc phản vệ nhưng y văn thế giới cũng ghi nhận một số trường hợp tương tự. Một số bệnh nhân thường chỉ xuất hiện triệu chứng khi gắng sức kèm thêm yếu tố đồng kích thích là thức ăn.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương khuyến cáo, với người có cơ địa dễ dị ứng khi tập thể dục cần thận trọng khi hoạt động thể lực quá sức. Bởi khi tập thể dục, cơ thể nóng lên gây ngứa, nổi mề đay, khó thở, huyết áp giảm làm chóng mặt, té ngã, ngưng thở… có thể đe dọa tính mạng.

Người dân khi tập thể dục nếu thấy ngứa, nổi mề đay phải dừng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị. Với người từng dị ứng, sốc phản vệ khi tập thể dục hãy hỏi bác sĩ để được kê thuốc uống chống dị ứng trước khi tập và tập ở cường độ vừa phải.

Theo Đan Phương (Báo Tin Tức)




https://baotintuc.vn/y-te/co-gai-23-tuoi-bi-soc-phan-ve-do-tap-the-duc-qua-suc-20221129165211909.htm