Gia đình

Chủng virus kỳ lạ gộp từ 2 biến thể nguy hiểm

Các nhà khoa học cho biết có hiện tượng 2 biến thể virus nCoV hợp nhất, làm dấy lên lo ngại về quá trình biến đổi của virus.

Chủng virus kỳ lạ này hình thành khi các biến thể Kent (Anh) và California (Mỹ) kết hợp với nhau.

Chủng Kent (B.1.1.7) dễ lây lan và gây chết người nhiều hơn trong khi biến thể California (B.1.429) có khả năng thoát khỏi các kháng thể.

Chủng virus kỳ lạ gộp từ 2 biến thể nguy hiểm
Ảnh minh họa: Live Science

Biến thể mới chưa được đặt tên, đã được phát hiện trong một phòng thí nghiệm ở bang New Mexico (Mỹ).

Việc virus biến đổi theo thời gian là điều bình thường, không nằm ngoài dự đoán của các nhà khoa học.

Đã có hàng nghìn đột biến - thay đổi trong bộ gene của virus SARS-CoV-2 - kể từ khi nó xuất hiện vào năm 2019, hầu hết trong số đó không có bất kỳ ý nghĩa nào.

Nhưng một số đột biến cho phép virus có khả năng gây hại nhiều hơn, bằng cách lây lan dễ dàng hoặc dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.

Một số đột biến giúp virus né tránh các kháng thể, ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc xin và khả năng tái nhiễm.

Biến chủng hợp nhất xuất hiện như thế nào?

Hai biến thể hợp nhất với nhau gọi là hiện tượng tái tổ hợp. Tiến sĩ Simon Clarke, Đại học Reading (Anh), giải thích: “Hai loại virus cùng tấn công vào tế bào, chúng xáo trộn vật chất di truyền và tạo ra một biến thể mới. Mã di truyền gộp từ cả virus A và B tạo nên virus C”.

Tiến sĩ Clarke cho biết: “Đây có thể là lần đầu tiên hai chủng trên kết hợp với nhau. Nhưng chúng tôi đã biết hiện tượng hợp nhất từ đầu năm 2020 nên không có gì đáng ngạc nhiên".

Các chuyên gia cho rằng SARS-CoV-2, virus gây ra bệnh Covid-19, là kết quả của hiện tượng tái tổ hợp ở dơi.

“Tái tổ hợp rất quan trọng đối với sự tiến hóa của SARS-CoV-2”, Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học và ung thư học tại Đại học Warwick (Anh), nhận định.

Giáo sư Young nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi không thấy nhiều sự tái kết hợp. Với số lượng ca bệnh trên thế giới, tại sao chúng ta không thấy nhiều trường hợp hơn?".

Đã có bao nhiêu ca bệnh?

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người đang bị nhiễm biến thể này. Tiến sĩ Bette Korber tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico (Mỹ) đã phát hiện ra ca bệnh đầu tiên. Bà mới chỉ thấy một trường hợp trong số hàng nghìn bệnh nhân.

Các nhà khoa học cũng không rõ liệu biến thể lây lan giữa người với người hay chỉ xảy ra một lần.

Chủng Kent đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, trong khi chủng California được cho là nguyên nhân gây ra một làn sóng Covid-19 ở khu vực Los Angeles (Mỹ).

Đặc tính của chủng virus mới

Biến thể chưa có tên mang một đột biến 69/70 từ chủng Kent và L452R từ biến thể California.

Các nhà khoa học chưa xác định được các đặc tính của chủng mới. Tuy nhiên, họ cho rằng khả năng lây nhiễm sẽ không cao hơn chủng cũ do biến thể kép chỉ lấy đột biến 69/70.

Tuy nhiên, đột biến L452R có nguy cơ giảm tác dụng của kháng thể. Dù vậy, Giáo sư Young khẳng định vắc xin sẽ được điều chỉnh để thích ứng với các biến thể mới.

Nhưng Tiến sĩ Clarke cảnh báo: “Những gì chúng tôi thấy được là biến thể dễ lây truyền được trộn lẫn với biến thể chống lại kháng thể. Đó luôn là tin xấu".

Một điều đáng lo ngại hơn là là chủng Kent đã thay đổi hai lần.

Theo An Yên (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/chung-virus-ky-la-gop-tu-2-bien-the-nguy-hiem-714103.html