Gia đình

'Chúng tôi đã dùng đến những lọ huyết thanh cuối cùng cứu cháu bé'

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, các bệnh viện không có huyết thanh đặc trị kháng độc rắn cạp nia từ lâu. 5 lọ huyết thanh kháng độc đa giá vừa cứu sống cậu bé 13 tuổi là những lọ cuối cùng của bệnh viện.

3h sáng, C. (13 tuổi, ngụ Bình Dương) nằm dưới nền nhà ngủ. Một con rắn cạp nia cắn vào đùi em. Người cha vùng bắt được. Những khoảng trắng đen trên thân mình xác nhận đó là rắn cạp nia. Vết cắn nhỏ, không sưng đau, nhưng chỉ 1 giờ sau, C. bắt đầu “xụi lơ”. 

Thầy lang gần nhà bất lực. Cha C. đưa con qua Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai) rồi lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ở đây không còn huyết thanh kháng độc rắn cạp nia. C. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 sau một ngày lòng vòng.

“Khi đó là 19h, trẻ gần như tử vong, hai đồng tử đều giãn”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ. Nếu có huyết thanh kháng độc rắn cạp nia, em chắc chắn được cứu. Thế nhưng, các bệnh viện ở miền Nam đã cạn loại thuốc giải này thời gian qua.

Hy vọng đặt vào huyết thanh kháng độc rắn đa giá. 

'Chúng tôi đã dùng đến những lọ huyết thanh cuối cùng cứu cháu bé'
Bệnh nhi C. tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: BSCC

Bác sĩ Quang và đồng nghiệp thở phào khi kho dược báo tin còn thuốc giải. Đó là 5 lọ huyết thanh kháng độc rắn hổ đa giá cuối cùng của Bệnh viện Nhi đồng 1. 

Huyết thanh này kháng độc 3 loại cạp nia, cạp nong, hổ mang; dưới dạng bột đông khô, thời giạn sử dụng 5 năm, được nhập khẩu từ Thái Lan. Sau khi truyền 5 lọ, cậu bé bắt đầu nhúc nhích. 

"Vậy là sống"! Bác sĩ yên tâm đợi bệnh nhi phục hồi, vì huyết thanh đa giá có hiệu quả chậm hơn loại đặc trị. Người cha cũng mới trút được nỗi sợ hãi và chờ con trai hồi tỉnh. 

Thuốc giải rắn cắn là nỗi lo từ lâu của các bác sĩ chống độc. Ngày 15/8 vừa qua, một người đàn ông ở Bình Phước đã tử vong sau 3 ngày bị rắn hổ mèo cắn. Bác sĩ Phạm Văn Quang cho biết, hiện không có huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ mèo. 

Hồi tháng 5, một bé gái 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ. Dù cấp cứu ngay, nhưng bệnh viện địa phương không có huyết thanh kháng độc. Liên hệ vào TP.HCM, các bệnh viện lớn cũng không còn thuốc giải. Bé gái tử vong sau đó. 

Tháng 4/2021, bệnh nhi 15 tháng tuổi ở Đồng Tháp bị rắn cổ đỏ cắn. Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM liên hệ khắp nơi nhưng không có huyết thanh kháng độc loại này. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi chảy máu toàn thân, suy hô hấp và tử vong. 

Hiện nay, các bệnh viện không chỉ cạn huyết thanh kháng độc rắn cạp nia mà loại đa giá cũng khan hiếm. Lý do doanh nghiệp không mặn mà vì đặt hàng ít, lợi nhuận thấp, dễ phải tiêu hủy. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đã liên hệ Hội chữ thập đỏ Thái Lan để đặt mua thêm. 

"Chúng tôi đã dùng đến những lọ huyết thanh kháng độc rắn đa giá cuối cùng. Một năm có thể chỉ dùng thuốc này vài lần, nhưng nếu không dự trữ, bệnh nhân sẽ rất thiệt thòi", bác sĩ Quang chia sẻ. 

Cuối tháng 6 vừa qua, Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị cần có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia và điều phối thuốc riêng với một số thuốc giải độc, thuốc quý hiếm. Khi đó, dù thuốc ít được sử dụng nhưng cần dự trữ, nếu quá hạn cũng không xem là lãng phí.

'Chúng tôi đã dùng đến những lọ huyết thanh cuối cùng cứu cháu bé' - 1
Người đàn ông bị con rắn hổ chúa dài 2,5m cắn được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 2020. 

Tại Việt Nam, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được huyết thanh kháng độc của rắn lục, rắn hổ đất. Huyết thanh kháng độc rắn chàm quạp, huyết thanh đa giá được nhập khẩu từ Thái Lan. Sau dịch Covid-19, nguồn cung lại càng thêm khan hiếm. Riêng huyết thanh kháng độc rắn hổ mèo không có. 

Hiện, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang đang nghiên cứu phát triển hai loại huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia bắc và chàm quạp. 

Các bác sĩ cũng lưu ý, huyết thanh kháng độc rắn là biện pháp tối ưu nhưng không phải duy nhất. Bệnh nhân có thể được điều trợ hỗ trợ, thở máy, lọc máu, thay huyết tương… Tuy nhiên, thời gian điều trị sẽ kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng nhiều, tốn kém tiền bạc, nguy cơ tử vong nếu đến bệnh viện muộn. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào thể trạng, lượng chất độc, vị trí rắn cắn… 

"Điều quan trọng nhất khi bị rắn cắn là sơ cứu đúng và đến bệnh viện ngay", bác sĩ Phạm Văn Quang nhấn mạnh. 

Theo Linh Giao (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/chung-toi-da-dung-den-nhung-lo-huyet-thanh-cuoi-cung-cuu-chau-be-2051151.html