Gia đình

Chồng nghiện rượu, vợ rót rượu vào cơm giúp chồng qua mặt bác sỹ

Dịp Tết vừa qua, nhiều người dân ở Nghệ An phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu tăng mạnh. Có trường hợp, chồng nhập viện, người vợ bị chồng bắt ép rót rượu vào cơm tuồn vào trong để qua mặt bác sỹ.

Bs CK1. Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, từ 2/2 (28 Tết) đến nay, có 150 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó, 90 trường hợp rối loạn tâm thần do uống nhiều rượu và ngộ độc rượu, bia, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Khi nhập viện, các bệnh nhân có triệu chứng tương tự người sử dụng ma túy đá, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn như cơ thể run rẩy, co giật, sùi bọt mép, tâm trí mê sảng, hoang tưởng, không làm chủ được hành vi.

Chồng nghiện rượu, vợ rót rượu vào cơm giúp chồng qua mặt bác sỹ
Một bệnh nhân nhập viện do ngộc độc rượu ở Nghệ An 

Mỗi trường hợp thường được điều trị khoảng 20 ngày là có thể xuất viện, tinh thần và trí nhớ sẽ hồi phục.

Tuy nhiên, trường hợp bệnh nặng phải điều trị kéo dài, khi về nhà không kiêng khem, bệnh nhân có thể mất trí nhớ vĩnh viễn.

Hầu hết các bệnh nhân thường nằm trong độ tuổi lao động (người trẻ nhất mới 29 tuổi), đều có tiền sử nghiện rượu, uống nhiều và thời gian kéo dài.

Theo bác sĩ Châu, trước khi nhập viện, những bệnh nhân này thường uống từ 0,5 đến 1,5 lít rượu mỗi ngày. Vào dịp Tết, lượng rượu uống vào nhiều khiến cơ thể không thể dung nạp dẫn đến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Quá trình điều trị rối loạn tâm thần do ngộ độc rượu đòi hỏi bệnh nhân phải bỏ rượu bia tuyệt đối. Có nhiều bệnh nhân lên cơn nghiện đã lẻn ra ngoài hoặc nhờ người nhà đi mua rượu.

Chính vì thế, cánh cửa sắt để đi vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc luôn khóa chặt, việc mang đồ uống từ bên ngoài vào khoa được kiểm tra kỹ càng

“Có trường hợp bệnh nhân bắt vợ đi mua rượu để uống. Bị từ chối, người này quay ra đánh vợ khiến vợ sợ hãi phải làm theo. Để qua mặt bác sĩ, người vợ đã tưới rượu vào cơm rồi mang vào cho chồng.

Trong quá trình điều trị, sức khỏe bệnh nhân này không tiến triển mà ngày càng đi xuống. Khi các bác sĩ hỏi thì người vợ mới dám kể ra sự thật” bác sĩ Châu kể lại.

Trường hợp anh Vi Trọng Th. (SN 1976, trú xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương), vốn có tiền sử nghiện rượu lâu năm, trong dịp Tết uống nhiều anh Th. đã lên cơn co giật, người tím tái, có ảo giác. Gia đình phải đưa anh đi cấp cứu.

Hiện bệnh nhân đã tỉnh lại, sức khỏe có khá hơn nhưng vẫn chưa thể tự ăn uống.

Bác sỹ khuyến cáo, những bệnh nhân điều trị xong thì không được uống tiếp trong một thời gian nhất định vì thần kinh lúc này rất yếu, nếu không sẽ chịu hậu quả rất xấu đối với cơ thể và hệ thần kinh.

Theo Phạm Tâm - Quốc Huy (VietNamNet)