Gia đình

Chàng trai 17 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng tai chảy mủ, sốt cao chỉ vì thói quen đeo tai nghe của người trẻ

Ngày nay, tai nghe đã trở thành vật bất ly thân với rất nhiều bạn trẻ. Cũng vì vậy mà ngày càng nhiều trường hợp phải nhập viện do gặp tai nạn hoặc mắc bệnh liên quan đến nó.

Mới đây, trong chương trình y tế nổi tiếng Hồng Kông "The Doctor Is So Spicy", bác sĩ Ke Shiyou đã khiến dư luận xôn xao khi kể lại 1 trường hợp suýt mất thính giác do dùng tai nghe sai cách.

Điều đáng chú ý ở đây là bệnh nhân được nhắc đến mới chỉ 17 tuổi. Theo lời tường thuật của bác sĩ Ke, cậu ta tự chạy đến phòng cấp cứu với vẻ mặt hoảng hốt vô cùng. Cậu gần như bật khóc khi nói rằng tai của mình rất đau, chảy nhiều mủ và cậu cảm thấy toàn thân mệt mỏi, tay chân không còn sức lực.

Ông vội vã trấn an và mời cậu ngồi xuống ghế đối diện để tiến hành kiểm tra. Hóa ra, cậu bị viêm tai và đã điều trị tại 1 phòng khám gần nhà cách đây mấy ngày. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc theo đơn, cậu cảm thấy tai mình càng đau hơn, nghe kém hẳn đi và còn bị sốt cao dai dẳng mấy hôm không khỏi.

Bản thân bác sĩ Ke cũng khá bất ngờ trước tình trạng của cậu bệnh nhân. Ông cho biết, toàn bộ ống tai ngoài của cậu bị viêm, có mùi chua và hôi thối, chảy mủ. Sau khi vệ sinh kỹ càng, ông yêu cầu cậu trai trẻ liên hệ với người nhà vì trường hợp của cậu rất nghiêm trọng, cần nhập viện gấp.

Chàng trai 17 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng tai chảy mủ, sốt cao chỉ vì thói quen đeo tai nghe của người trẻ

Sau 2 ngày điều trị viêm nhiễm và kết hợp thuốc nhỏ với kháng sinh theo chỉ định, không ngờ bệnh tình của cậu lại càng nặng hơn. Bác sĩ Ke vừa lo lắng vừa thấy khó hiểu. Nhớ lại nguyên nhân gây viêm tai trước đây có liên quan đến vệ sinh kém và thường xuyên đeo tai nghe, ông liền hỏi bệnh nhân có mang theo tai nghe vào bệnh viện hay không.

Lúc đầu, cậu ta cố gắng giấu giếm, sau khi có lời làm chứng của y tá thì mới chịu thú nhận. Cậu mếu máo nói rằng nằm 1 chỗ buồn quá, ban đêm lại khó ngủ nên năn nỉ mẹ mang tai nghe từ nhà tới. Cậu thường đeo tai khi nghe xem phim để tránh làm phiền đến mọi người xung quanh.

Bác sĩ Ke vô cùng sửng sốt, ông không thể không trách mắng cậu bệnh nhân trẻ và cả người nhà của cậu ta. Viêm nhiễm cộng thêm dùng thuốc điều trị khiến môi trường trong tai luôn ẩm ướt, lại bị tai nghe bịt kín trong nhiều giờ làm vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn. Chưa kể, do thói quen vệ sinh kém nên chiếc tai nghe nhét tai của cậu ta rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn gây hại.

May mắn là được phát hiện nên xử lý kịp thời, nếu không chỉ sau vài ngày ống tai trong của cậu sẽ có thể bị hoại tử, mất hoàn toàn thích giác. Sau khi nghiêm chỉnh làm theo phác đồ điều trị và lời khuyên của bác sĩ, 2 tuần sau cậu được xuất viện trong trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh, không để lại di chứng nào.

4 thói quen sử dụng tai nghe gây hại cho sức khỏe

1. Đeo tai nghe quá lâu

Đeo tai nghe quá nhiều khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai phải làm việc quá sức, gây ra suy giảm thính lực hay có thể bị điếc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tốt nhất bạn không nên đeo tai nghe quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, không dùng tai nghe liên tục quá 15 phút mà cần cho tai có thời gian nghỉ ngơi giữa những lần sử dụng.

Thói quen này cũng có thể khiến không khí và máu khó lưu thông, dẫn đến tai dễ bị viêm nhiễm, tích tụ nhiều ráy tai và về lâu dài có thể gây suy giảm, thậm chí là mất thính giác.

Nếu đặc thù công việc hoặc có nguyên nhân khiến bạn bắt buộc phải liên tục đeo tai nghe, tốt hơn là hãy sử dụng các loại tai nghe chất lượng tốt, tránh các loại tai nghe nhét tai và thường xuyên cho đôi tai nghỉ ngơi khi có thể.

Chàng trai 17 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng tai chảy mủ, sốt cao chỉ vì thói quen đeo tai nghe của người trẻ - 1

2. Dùng tai nghe với âm lượng quá lớn

Suy giảm thính lực sẽ xảy ra nếu bạn hằng ngày tiếp xúc âm thanh có cường độ 85 - 90 decibels (dB) liên tục trên 2 giờ đồng hồ và kéo dài trên 12 tháng. Các nhà khoa học cho biết rằng với âm thanh ở ngưỡng 94dB, tai chúng ta có thể chịu đựng được 1 tiếng mỗi ngày. Còn với ngưỡng âm thanh là 105dB, tai con người chỉ có thể chịu đựng được khoảng 4 phút mỗi ngày.

Tuy nhiên, các bạn trẻ hiện nay lại yêu thích việc mở nhạc thật lớn và chìm vào thế giới của riêng mình với các loại tai nghe trên tai. Điều này rất hại cho sức khỏe của tai, màng nhĩ và cả hệ thần kinh. Lâu ngày gây ù tai, mất thính giác, viêm nhiễm tai, rách màng nhĩ, tổn thương tế bào thần kinh.

Đừng bao giờ nghe nhạc quá 60% âm lượng của thiết bị bạn đang sử dụng và nên tìm đến chuyên gia y tế để được chẩn đoán nếu gặp các hiện tượng như:

- Nghe thấy tiếng rung hay tiếng click, cảm giác ù trong tai.

- Gặp khó khăn để nghe ở những nơi đông người.

- Âm thanh bị ù, không rõ.

- Đau tai, nhức đầu khi nghe nhạc.

- Liên tục cảm thấy phải tăng âm lượng.

3. Không thường xuyên vệ sinh tai nghe

Thói quen vệ sinh tai nghe không chỉ quyết định chất lượng âm thanh, cảm giác khi trải nghiệm, độ bền thiết bị mà còn tránh được nguy cơ bệnh tật. Nếu bạn không vệ sinh thường xuyên, bụi bẩn và vi khuẩn phát triển trên tai nghe sẽ lan vào tai vì tiếp xúc với da trong một thời gian dài, gây ra các bệnh về da, viêm tai giữa và các bệnh khác.

Thông thường, tai nghe sẽ có vết mồ hôi trên đệm tai sau khi đeo chúng trong một khoảng thời gian. Nếu là đệm tai bằng da, trước tiên bạn có thể lau bằng khăn ướt, sau đó lau bằng chất khử trùng có nồng độ cồn thấp (không sử dụng chất lỏng ăn mòn) và cuối cùng lau khô bằng vải khô.

Nếu là đệm tai bằng chất liệu dệt, bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng tốt, nhúng với một ít dung dịch tẩy rửa bằng bọt biển và nước, nhẹ nhàng chải đệm tai xuống đất và cuối cùng dùng khăn giấy khô để thấm nước.

Với các loại tai nghe nhét tai, không dễ lau bằng khăn, bạn nên mua các loại que làm sạch chuyên dụng hoặc mang tới cửa hàng để được làm sạch chuyên nghiệp định kỳ.

Chàng trai 17 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng tai chảy mủ, sốt cao chỉ vì thói quen đeo tai nghe của người trẻ - 2

4. Đeo tai nghe khi ngủ

Một số người chỉ có thể chìm vào giấc ngủ với sự trợ giúp của âm nhạc, trong khi những người khác thích nghe nhạc trước khi đi ngủ và quên tháo tai nghe khi họ ngủ. Đây là thói quen rất hại cho tai, thính giác và cả chất lượng ngủ.

Xương tai và màng nhĩ của chúng ta là những cơ quan mềm và dễ bị tổn thương, kích thích âm lượng qua đêm có thể dẫn đến tổn thương các tế bào tóc của tai trong. Bên cạnh đó, vỏ não cũng sẽ bị kích thích và không thể ngủ sâu, hệ thần kinh dễ bị rối loạn.

Nếu bạn đeo tai nghe và ngủ với tư thế nằm nghiêng, bạn có thể sẽ nằm đè lên tai nghe hoặc khiến tai nghe bị nhét quá sâu vào trong. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ suy giảm thính giác, tổn thương màng nhĩ, lâu ngày còn gây viêm tai, hoại tử.

Ngoài ra, việc đeo tai nghe có thể khiến tư thế ngủ của bạn không thoải mái, ảnh hưởng đến xương. Bạn cũng dễ bỏ qua những trường hợp khẩn cấp vì bị giảm khả năng nghe trong lúc đó.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/chang-trai-17-tuoi-nhap-vien-cap-cuu-trong-tinh-trang-tai-chay-mu-sot-cao-chi-vi-thoi-quen-deo-tai-nghe-cua-nguoi-tre-tintuc800454