Gia đình

Căn bệnh khiến 18 học sinh khóc thét, kích động ở Cao Bằng có nguy hiểm?

Sở Y tế Cao Bằng cho biết 18 học sinh một trường tiểu học ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, kích động... do mắc chứng rối loạn phân ly tập thể.

Mới đây, tại điểm Trường Nà Rại, thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng (xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) có 18 em học sinh tự nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người...

18 trẻ có biểu hiện như trên, bao gồm 2 nam, 16 nữ. Thời gian các em xuất hiện triệu chứng khoảng 3-5 phút, sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Sau đó, các em ngủ lịm khoảng 10 - 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường.

Các triệu chứng có tính chất lây lan, khởi phát bắt đầu từ một học sinh sau đó lan truyền sang các em khác. Sáng 29/11, đại diện Sở Y tế Cao Bằng thông tin, 18 trẻ trên mắc chứng rối loạn phân ly tập thể.

Căn bệnh khiến 18 học sinh khóc thét, kích động ở Cao Bằng có nguy hiểm?
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc chứng rối loạn phân ly ở Cao Bằng. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng

Đây không phải lần đầu tiên diễn ra tình trạng này. Vào tháng 12/2017, ở một điểm trường tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn 9 học sinh cũng có biểu hiện tương tự, thông tin trên VietNamNet.

Các em bỗng dưng ngất một vài phút rồi tỉnh, có em đang ngồi bỗng dưng rùng mình, sau đó nhảy nhót, nói linh tinh, có biểu hiện hung hăng và chạy thẳng ra ngoài lớp khi đang trong học. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định, trẻ mắc chứng rối loạn phân ly tập thể. 

Lao Động đưa tin, trên thế giới cũng đã nhiều lần ghi nhận hiện tượng này. Theo dữ liệu từ Wikipedia, dịch nhảy múa là trường hợp của hội chứng cuồng nhảy múa xảy ra ở Strasbourg, Alsace (khi này là một phần của Đế quốc La Mã Thần thánh) vào tháng 7.1518.

Nhiều người đã nhảy múa trong nhiều ngày không nghỉ. Trong khoảng một tháng, một số người đã chết vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc kiệt sức.

Năm 1892, bàn tay phải của một nữ sinh 10 tuổi tại Gross-tinz bị rung lắc, sau đó cả người nữ sinh này bị co giật, sau đó lây sang 19 học sinh khác.

Cùng trong năm đó, một hiện tượng tương tự xảy ra với 20 học sinh tại Basel, Thụy Sĩ. 12 năm sau, cũng tại trường học này tại Basel đã xảy ra một hiện tượng tương tự, lần này với 27 học sinh. Chuyện kể về lần rung tay, co giật tập thể trước đó được cho là đóng vai trò đáng kể.

Liên quan tới sự việc, trao đổi với VnExpress, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Nông Tuấn Phong khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng. "Nhiều trẻ bị rối loạn phân ly không phải bất thường, hiện tất cả đều ổn định song cần gia đình và nhà trường phối hợp để không lặp lại", ông Phong nói.

Rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp, tỷ lệ 0,3-0,5% dân số mắc. Đây là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được.

Rối loạn phân ly tập thể là tình trạng xảy ra đồng loạt trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện bệnh, những người còn lại có xu hướng "bị lan truyền".

Triệu chứng thường gặp như lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm (không nói, khó nói, nói lắp, nói linh tinh không phù hợp). Bệnh nhân cũng thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay hay tự nhiên cười, khóc, gào thét, ngất... mà không nhận thức được hành động của mình.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể. Một số yếu tố nguy cơ như môi trường sinh hoạt không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con; người nhân cách yếu, thiếu kiềm chế, thiếu tự chủ, tính dễ xúc động, thích được chú ý, cơ thể suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, trong giai đoạn dậy thì... cũng dễ mắc.

Hội chứng chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.

Với cá nhân:

– Tránh thái độ coi đây là bệnh giả vờ, hoặc ngược lại thái độ trầm trọng hóa, quan trọng hóa vấn đề. Nếu theo dõi quá chặt chẽ, quá quan tâm, lo lắng, các triệu chứng bệnh có thể nặng lên.

– Dùng những liệu pháp ám thị để làm giảm và mất triệu chứng.

– Hướng dẫn những bài tập thư giãn, các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề để nâng đỡ nhân cách người bệnh.

– Có thể dùng một số loại thuốc, thực phẩm nhằm nâng cao thể trạng. Trong trường hợp có lo âu cần dùng những loại thuốc giải lo âu.

– Giải thích hợp lý với gia đình, động viên gia đình tham gia tích cực trong quá trình trị liệu.

Với tập thể:

– Nhanh chóng tách riêng các em bị bệnh, tránh sự lan truyền

– Trấn an các trẻ khác trong tập thể

– Cải thiện môi trường học tập, giảm áp lực

– Tổ chức các hoạt động vui chơi, tạo không khí sôi nổi, tích cực

– Có các hoạt động tham vấn tâm lý học đường. Phát hiện sớm những cá nhân có sang chấn tâm lý nhằm hỗ trợ, trị liệu kịp thời.

Chia sẻ thêm cách phòng bệnh rối loạn phân ly tập thể, VietNamNet dẫn lời Ths.BS Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyên cha mẹ cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn.

Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể… Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập cho trẻ.

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/can-benh-khien-18-hoc-sinh-khoc-thet-kich-ong-o-cao-bang-co-nguy-hiem-a364464.html