Gia đình

Bộ phận này dày lên, phụ nữ nguy cơ mắc ung thư tử cung

Khi đi khám, bác sĩ phát hiện niêm mạc tử cung của bà M. dày gấp 5 lần bình thường, được chẩn đoán ung thư, phải cắt bỏ toàn bộ tử cung.

Bà N.T.M., 60 tuổi ở TP. Uông Bí, Quảng Ninh đã mãn kinh 8 năm nay. Cách đây 3 năm, bà đột nhiên thấy vùng kín ra nhiều khí hư, xuất huyết âm đạo bất thường nên đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thăm khám, phát hiện niêm mạc tử cung dày 7 mm, trong khi ở người bình thường chỉ 3 mm.

Bác sĩ tư vấn bà nhập viện làm xét nghiệm sinh thiết niêm mạc tử cung. Tuy nhiên người bệnh không vào viện ngay mà về nhà, khám định kỳ tại phòng khám tư.

Gần đây khi phát hiện niêm mạc tử cung tiếp tục dày thêm, bà mới quay lại bệnh viện kiểm tra. Lúc này, độ dày đã lên tới 15 mm. Kết quả xét nghiệm sinh thiết khẳng định mà bắc ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 1. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung và 2 phần phụ, vét hạch chậu hai bên.

Bộ phận này dày lên, phụ nữ nguy cơ mắc ung thư tử cung
Niêm mạc tử cung dày lên có nguy cơ tiến triển thành ung thư 

Sau khi bệnh nhân hồi phục, bác sĩ hẹn tái khám sau 1 tháng để cân nhắc các phương án điều trị tiếp theo.

BS Đặng Ngọc Dương, Phó Trưởng khoa Phụ khoa, người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân M. cho biết, giai đoạn đầu, bệnh nhân bị quá sản nội mạc tử cung. Đây là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ giai đoạn mãn kinh hoặc tiền mãn kinh, từ 45-75 tuổi.

Nếu người bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn quá sản, bác sĩ chỉ cần phẫu thuật một lần điều trị triệt để. Tuy nhiên, do bệnh nhân 3 năm sau mới quay lại nên quá sản đã tiến triển thành ung thư.

Ung thư nội mạc tử cung hay còn gọi là ung thư tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ, thường gặp ở phụ nữ trên 55 tuổi.

Ung thư tử cung bắt nguồn từ các tế bào hình thành niêm mạc tử cung. Đến nay nguyên nhân chính xác chưa được tìm ra, song nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ có liên quan đến bệnh như có kinh nguyệt quá sớm trước 12 tuổi, mãn kinh quá muộn sau 55 tuổi, mất cân bằng nội tiết tố, kinh nguyệt không đều, béo phì, tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người thân bị ung thư vú, ung thư buồng trứng…

Các triệu chứng sớm của ung thư tử cung bao gồm: Xuất huyết âm đạo bất thường ở những người đã mãn kinh, kinh nguyệt kéo dài bất thường, ra khí hư bất thường, đau vùng chậu thường xuyên, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi…

Với ung thư tử cung, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 80-95%. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong điều trị ung thư này.

BS Dương khuyến cáo, phụ nữ thời kỳ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh cần chú ý khám chuyên khoa định kỳ để kiểm soát tình trạng quá sản nội mạc tử cung, sàng lọc ung thư cổ tử cung. Không nên để đến khi có các triệu chứng như tăng dịch tiết âm đạo, rong máu, đau vùng hố chậu, thắt lưng… mới đi khám thì nhiều khả năng bệnh đã tiến triển thành ung thư, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.

“Đặc biệt hiện nay nhiều phụ nữ có xu hướng tự sử dụng các sản phẩm hỗ trợ nội tiết không theo tư vấn của bác sĩ, đây là một trong những nguy cơ làm gia tăng bệnh ung thư nội mạc tử cung”, BS Dương cảnh báo.

Để tầm soát ung thư tử cung, chị em có thể làm xét nghiệm pap – phết tế bào tử cung định kỳ 1-2 lần/năm. Sau 3 năm liên tiếp, nếu kết quả đều âm tính thì làm test 2 năm một lần. Ngoài ra có thể soi tử cung hay sinh thiết nội mạc tử cung.

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bo-phan-nay-day-len-phu-nu-nguy-co-mac-ung-thu-tu-cung-676869.html