Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

Biến thể virus Delta: Đối tượng nào khi mắc Covid-19 sẽ dễ gặp nguy hiểm?

Biến thể Delta (lần đầu tiên ghi nhận tại Ấn Độ) đang là biến chủng phổ biến gây ra các ca bệnh trên toàn cầu và trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam.

Tính đến sáng ngày 11/8, Việt Nam có 232.937 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.377 ca nhập cảnh và 230.560 ca nhiễm trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính từ đợt dịch  27/4 đến nay là 228.990 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tại Việt Nam, biến thể Delta đang gây ra đợt dịch nghiêm trọng tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam. WHO đã xếp biến thể này vào nhóm đáng quan ngại do tỷ lệ lây nhiễm nhanh và nguy cơ diễn biến nặng.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay, với biến thể Delta được xếp vào nhóm đáng lo ngại. 

Đối với biến thể này, có 3 điểm cần lưu tâm.

Thứ nhất, tốc độ lây lan của biến thể rất nhanh và mạnh có liên quan tới nồng độ virus cao và bắt dính dễ dàng hơn gây ra dịch lớn.

Thứ hai, bệnh nhân mắc bệnh từ lúc có triệu chứng lâm sàng cho tới khi bị nặng chỉ trong thời gian ngắn (thời gian khởi phát ngắn). Trước đây, chủng cũ thời gian khởi phát trung bình 8-10 ngày mới chuyển nặng, thời gian chuyển nặng của biến thể này giờ xuống 3-5 ngày. Do vậy, bệnh diễn biến nhanh, quy mô bệnh sẽ nguy hiểm hơn khi có nhiều người mắc cùng một lúc.

Thứ ba, người nhiễm biến thể Delta không chỉ người có bệnh lý nền, người cao tuổi chuyển biến nặng mà người trẻ cũng bị viêm phổi và chuyển biến nặng.

Bác sĩ Hà lưu ý: "Biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh cho nên quy mô dịch lớn sẽ gây ra quá tải y tế và tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn".

Ngoài ra, một số nghiên cứu nhưng chưa rõ rệt cho thấy biến thể Delta có thể lẩn trốn miễn dịch khiến cho vắc xin giảm tác dụng, tỷ lệ bảo vệ không còn cao.

Biến thể virus Delta: Đối tượng nào khi mắc Covid-19 sẽ dễ gặp nguy hiểm?
Biến thể Delta không chỉ gây bệnh nặng cho nhóm nguy cơ cao - Ảnh Minh Trí

Hiện nay, chưa ghi nhận biến thể Delta có sự thay đổi về gen khiến cho xét nghiệm không chẩn đoán được. Các xét nghiệm cũ vẫn có hiệu quả với biến thể Delta trong việc phát hiện ra người dương tính sớm.

Bác sĩ Hà lưu ý: "Người nhiễm biến thể Delta chuyển thành bệnh và diễn biến nặng khi chưa tiêm đủ 2 liều vắc xin là nhóm người 45 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người béo phì. Ngoài ra, người trẻ cũng không nên chủ quan vì biến thể này diễn biến nhanh, dễ xuất hiện tình trạng diễn biến viêm phổi rất nhanh và có thể dẫn tới tử vong".

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19 hiện nay vẫn tập trung vào nhóm người cao tuổi (hơn 60 tuổi), có bệnh lý nền như: Đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính... hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt...

Nhóm người trên khi mắc Covid-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

Trên thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mạn tính. Sức đề kháng của nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền thường giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mạn tính đó bị thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó, bệnh nhân rất dễ tử vong.

Theo bác sĩ Khanh, để giảm tỷ lệ tử vong khi mắc Covid-19, cần phải tiêm vắc xin sớm cho nhóm đối tượng này. Việc tiêm vắc xin sẽ giúp các trường hợp nếu có mắc bệnh triệu chứng sẽ nhẹ, từ đó giảm được nguy cơ tử vong.

Theo Ngọc Minh (Tổ Quốc)




http://toquoc.vn/bien-the-virus-delta-doi-tuong-nao-khi-mac-covid-19-se-de-gap-nguy-hiem-8202111814404226.htm