Gia đình

Bệnh nhân mang cá kho đến tái khám, BS ăn thử chỉ biết lắc đầu: 'Thủ phạm' gây bệnh ngay trong bữa ăn hàng ngày

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 cho thấy, người Việt vẫn đang ăn 10gr muối/người/ngày, trong khi khuyến cáo của WHO là 1 nửa.

Bệnh nhân mang cá kho đến tái khám, BS ăn thử chỉ biết lắc đầu: 'Thủ phạm' gây bệnh ngay trong bữa ăn hàng ngày

Xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn như: thịt hun khói, xúc xích, dưa muối, cà muối (đóng hộp) thường là những thực phẩm nghèo vi chất dinh dưỡng và nhiều muối.  Ăn muối quá nhiều sẽ làm gia tăng những bệnh lý mãn tính tim mạch, tăng huyết áp…

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho hay, trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ gặp trường hợp một nam bệnh nhân 39 tuổi (ở Hà Nội) đã mắc bệnh tăng huyết áp.

Gia đình bệnh nhân không có tiền sử tăng huyết áp, bản thân bệnh nhân cũng không uống rượu bia, hút thuốc… Để kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân, bác sĩ Đào đã khuyên bệnh nhân nên giảm muối trong bữa ăn hàng ngày.

Bác sĩ Đào đã trực tiếp lên thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân, trong đó chủ yếu thay đổi lượng muối mà bệnh nhân sử dụng hàng ngày.

"Với bệnh nhân này, chúng tôi cân đối mọi nguồn muối có thể đưa vào cơ thể như muối từ thực phẩm, lượng muối từ việc nêm nấu trực tiếp, lượng muối từ nước chấm… với hy vọng bệnh nhân quen dần và thay đổi thói quen ăn mặn của mình", bác sĩ Đào nói.

Bệnh nhân mang cá kho đến tái khám, BS ăn thử chỉ biết lắc đầu: 'Thủ phạm' gây bệnh ngay trong bữa ăn hàng ngày - 1
Ăn mặn dẫn tới nhiều nguy cơ bệnh tật

Dù đã được bác sĩ lên thực đơn, hướng dẫn cụ thể tuy nhiên khi về gia đình, vợ bệnh nhân nấu ăn theo chế độ bác sĩ dặn dò nhưng bệnh nhân không đồng ý. Bệnh nhân cho rằng khẩu vị mình đang ăn chỉ vừa không phải là ăn mặn.

Lần tái khám tiếp theo, bác sĩ Đào đã yêu cầu bệnh nhân mang theo một món ăn ngẫu nhiên trong ngày theo đúng khẩu vị bệnh nhân hay ăn. Khi tới khám bệnh nhân đã mang một mẩu cá kho tới, bác sĩ ăn thử cho thấy đồ ăn quá mặn so với người bình thường.

Theo bác sĩ Đào, với người có thói quen ăn quá mặn nếu thay đổi khẩu vị trong bữa ăn ngay lập tức bệnh nhân sẽ khó có thể đáp ứng được. Đối với trường hợp bệnh nhân nam 39 trên, bác sĩ tiếp tục điều chỉnh thực đơn dinh dưỡng, ban đầu sẽ cho bệnh nhân ăn theo chế độ bình thường, sau đó sẽ giảm dần lượng muối trong bữa ăn hàng ngày để quen dần.

Sau 2 tuần thực hiện lượng muối đưa vào cơ thể đang giảm dần và hiện bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được điều chỉnh để kiểm soát được huyết áp.

Bác sĩ Đào khuyến cáo, thói quen ăn mặn là yếu tố chính dẫn tới tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. 

Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.

Để giảm lượng muối đưa vào cơ thể, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào khuyên mọi người:

- Giảm lượng muối và gia vị dùng cho việc chế biến thức ăn.

- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.

- Từ bỏ thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn, vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.

- Bỏ thói quen ăn trái cây chấm các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh.

- Tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm.

Theo khuyến nghị của WHO, Việt Nam nên xây dựng lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có nhiều muối và được sử dụng phổ biến như mì ăn liền, xúc xích..., đồng thời kêu gọi người dân giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng, chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/benh-nhan-mang-ca-kho-den-tai-kham-bs-an-thu-chi-biet-lac-dau-thu-pham-gay-benh-ngay-trong-bua-an-hang-ngay-161212404153854212.htm