Gia đình

Bệnh hiểm khiến người phụ nữ liệt nửa người, co giật liên tục, mất trí nhớ

Bệnh nhân đau đầu, co giật tới 7-8 lần/ngày, mỗi lần kéo dài 2-3 phút, sau đó, bà không nhớ sự việc đã xảy ra. Điều này khiến bác sĩ nghi ngờ chẩn đoán ban đầu, quyết định xét nghiệm dịch não tuỷ.

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 51 tuổi, tiền sử đái tháo đường, vào viện vì yếu nửa người trái, kèm theo co giật.

Ba ngày trước khi vào viện, người phụ nữ xuất hiện đau đầu. Hai ngày sau, bà thêm nói khó, yếu nhẹ nửa người trái. Sáng cùng ngày, cảm giác yếu nửa người trái mạnh hơn, đặc biệt có những cơn co giật nhiều lần, kéo dài 2-3 phút/lần.

Vào Trung tâm Đột quỵ, bệnh nhân được làm các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ sọ não cho kết quả: Tổn thương dạng nhồi máu não nhu mô não thùy thái dương đỉnh phải, không có hình ảnh tắc mạch lớn. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ nhồi máu não và kiểm soát đường huyết.

Tuy nhiên, trong ngày hôm đó, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn co giật (7-8 lần), co giật toàn thân, mỗi cơn kéo dài 2-3 phút. Sau cơn co giật, bệnh nhân tỉnh nhưng không nhớ sự việc đã xảy ra, kèm theo sốt nhẹ 37,5 độ C, hội chứng màng não nghi ngờ, tim phổi ổn định.

Sau khi làm thêm xét nghiệm dịch não tủy, kết hợp với kết quả cộng hưởng từ sọ não, các thầy thuốc chẩn đoán nữ bệnh nhân mắc viêm não virus trên nền bệnh đái tháo đường.

Phác đồ điều trị được thay đổi sang hướng viêm não virus và kiểm soát đường huyết kết hợp tập phục hồi chức năng phần tay chân liệt cho bệnh nhân. Sau 2 ngày, bệnh nhân đỡ đau đầu hơn, số cơn co giật giảm về 1-2 lần/ngày, tình trạng liệt cải thiện. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân hết co giật.

Bà được ra viện sau 12 ngày điều trị. Tình trạng lúc này bệnh nhân đã đỡ đau đầu, không sốt, không co giật, tự đi lại được. 

7 tháng có 139 ca viêm não virus, dấu hiệu nào cảnh báo bệnh?

Theo báo cáo của Bộ Y tế hồi cuối tháng 7, chỉ trong một tháng, Việt Nam phát hiện 29 trường hợp mắc bệnh viêm não virus. Tính chung 7 tháng đầu năm cả nước có 139 người mắc bệnh này, trong đó có 3 ca tử vong.

Viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh, tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Nguyên nhân của viêm não thường gặp nhất là nhiễm virus, điển hình là viêm não do Herpes virus, Arbovirus lây truyền do muỗi (như gây viêm não Nhật Bản), hoặc các côn trùng khác, cũng có thể do bệnh dại...

Bệnh hiểm khiến người phụ nữ liệt nửa người, co giật liên tục, mất trí nhớ
Điều trị bệnh nhân viêm não tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BV

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân viêm não nặng có thể có biểu hiện sốt cao, kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng.

Thậm chí, có bệnh nhân thay đổi nhân cách, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn. Ngoài ra, bệnh nhân có co giật, rối loạn nghe nói, hôn mê.

Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán như trẻ nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.

Vì viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đi kèm với các triệu chứng nhiễm virus nên đôi khi có những biểu hiện đặc trưng của bệnh này trước khi có viêm não. Tuy vậy, viêm não thường xuất hiện mà không có triệu chứng báo trước nào cả.

Bệnh nhân viêm não có thể hồi phục hoàn toàn không di chứng. Tuy nhiên, trong các trường hợp khác như viêm não do herpes simplex virus, viêm não Nhật bản B, viêm não do virus ruột tình trạng tổn thương tế bào não cũng như phù não gây nên các di chứng nặng nề như suy giảm khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách…

Trẻ nhỏ dưới một tuổi thường có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể đưa đến bại não. Trường hợp viêm não tổn thương nặng đến thân não, nơi có trung tâm hô hấp, tuần hoàn, điều nhiệt… bệnh nhân dễ tử vong.

Theo Võ Thu (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/benh-viem-nao-virus-khien-nguoi-phu-nu-liet-nua-nguoi-2052000.html