Gia đình

Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát: Ai có nguy cơ bị biến chứng nặng?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay 23/7 kích hoạt cảnh báo cao nhất về sự lây lan của dịch đậu mùa khỉ, coi đây là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa với WHO hiện coi đậu mùa khỉ là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe toàn cầu, do đó, thế giới cần phối hợp hành động để ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch.

Quyết định trên được đưa ra sau khi WHO triệu tập cuộc họp của ủy ban chuyên gia. Đây là cuộc họp thứ 2 của ủy ban trên nhằm đánh giá liệu có phải tình hình đang xấu đi trong bối cảnh WHO đã nhận được báo cáo hơn 16.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 75 quốc gia. Số ca nhiễm bệnh tăng 77% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.

Đợt lây lan này của bệnh đậu mùa khỉ được cho là khá bất thường bởi nó lan nhanh cả ở các nước Bắc Mỹ và châu Âu, trong khi trước kia chủ yếu ghi nhận ở châu Phi. Châu Âu hiện là "tâm dịch" với hơn 80% số ca đậu mùa khỉ toàn cầu ghi nhận trong năm 2022. Mỹ báo cáo hơn 2.000 ca ở 43 bang.

Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát: Ai có nguy cơ bị biến chứng nặng?
Đậu mùa khỉ đang lan nhanh trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, đến ngày 24/7 chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ ghi nhận ca nhiễm ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. 

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Phi từ năm 1958, đa phần bệnh nhân mắc bệnh tự ổn định, không cần can thiệp nhiều. Tuy nhiên, gần đây, WHO cảnh báo về nhóm người nguy cơ cao dễ bị bệnh đậu mùa khỉ như phụ nữ mang thai, trẻ em, người suy giảm miễn dịch.

Biến chứng của bệnh

Theo VTC News dẫn lời Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan y tế đều cảnh báo đậu mùa khỉ vì nó gây tử vong. Chủng ở Tây Phi hiện đang gây bệnh ở châu Âu, Mỹ, Úc chưa ghi nhận, nhưng các báo cáo ở Trung Phi, Tây Phi cho thấy tỷ lệ tử vong là 3 đến 6%.

Không chỉ lây từ động vật sang người mà bệnh đậu mùa khỉ còn lây từ người sang người. Các trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là người sẵn bệnh da từ trước như chàm, trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ mang thai. Biến chứng này chủ yếu bội nhiễm vi khuẩn từ da, biến chứng vào phổi, vào hệ thần kinh trung ương, nhiễm trùng mắt gây mù loà.

Triệu chứng của đậu mùa khỉ

Sốt, ớn lạnh, nổi các nốt mụn nước, phát ban, đặc biệt là sưng hạch bạch huyết… mọc bóng nước. Với người bị nặng dễ nổi nhiều bóng nước hơn, biến chứng viêm phổi. Bác sĩ Khanh cho biết bóng nước của đậu mùa khỉ khá đặc trưng.

Nhiều triệu chứng của virus có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn bệnh thủy đậu, mụn rộp hoặc giang mai. Do đó việc người dân cần phải đến cơ sở y tế để xác nhận nhiễm bệnh là rất quan trọng.

Dấu hiệu đặc trưng của đậu mùa khỉ, theo CDC Hoa Kỳ là nổi bóng nước. Bóng nước trong đậu mùa khỉ rất dễ hóa mủ và kèm theo nổi hạch.

Đường lây của bệnh

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, người tiếp xúc rất gần với bệnh nhân bị đậu mùa khỉ có nguy cơ lây bệnh. Khác với COVID-19, virus đậu mùa khỉ tồn tại ở giọt bắn lớn, không bay lơ lửng ở không khí. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục cũng làm gia tăng nguy cơ mắc đậu mùa khỉ.

Virus lây đậu mùa khỉ ủ bệnh có thể lên tới 2, 3 tuần và khi nào người bệnh biểu hiện triệu chứng mới lây truyền cho người khác.

Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát: Ai có nguy cơ bị biến chứng nặng? - 1
Ảnh minh họa.Nguồn: Internet

Về vaccine đậu mùa khỉ, BS Khanh cho biết hiện vẫn là vaccine đậu mùa. Trong nhóm đậu mùa gồm đậu mùa người, đậu mùa khỉ và đậu mùa bò. Cả 3 virus này na ná nhau, cho nên ai đã chích vaccine đậu mùa người sẽ khó mắc bệnh.

Nhiều nghiên cứu khẳng định người đã tiêm phòng vaccine đậu mùa đạt 85% hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, vaccine này chỉ chích cho người 18 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai không có chỉ định tiêm ngừa vaccine này.

Để chẩn đoán được đậu mùa khỉ, BS Khanh cho biết phải thực hiện trong phòng xét nghiệm cao cấp, làm PCR.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/benh-dau-mua-khi-bung-phat-ai-co-nguy-co-bi-bien-chung-nang-tintuc833670