Gia đình

Bé trai Hà Nội nhập viện sau 3 ngày hoa mắt, chóng mặt, da xanh nhợt, bố mẹ choáng váng khi nhận kết quả nội soi

Nhận kết quả nội soi dạ dày, bố mẹ cháu bé vô cùng choáng váng vì trước đó trẻ chưa từng mắc bệnh hay biểu hiện bất bất thường gì.

Theo Arttimes dẫn lời bác sĩ Đào Thị Ánh Tuyết (Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi (10 tuổi, ở Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện vì bị hoa mắt, chóng mặt 3 ngày liên tục. Thăm khám lâm sàng cho thấy, trẻ có biểu hiện da xanh, niêm mạch nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp.

Bé trai Hà Nội nhập viện sau 3 ngày hoa mắt, chóng mặt, da xanh nhợt, bố mẹ choáng váng khi nhận kết quả nội soi
Hình ảnh da bàn tay bé trai nhợt nhạt khi mới vào viện. Ảnh: BSCC.

Trước những biểu hiện trên, các bác sĩ đã tiến hành đặt sonde dạ dày phát hiện ra dịch nâu, thăm hậu môn trực tràng có phân đen theo găng. Trẻ nhanh chóng được làm các xét nghiệm máu, siêu âm và chụp Xquang ổ bụng, nội soi dạ dày kiểm tra.

Kết quả cho thấy trẻ có tình trạng thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hoá do có nhiều ổ loét vùng tá tràng. Bệnh nhân được điều trị đặt sonde và bơm rửa dạ dày, cầm máu, truyền máu, sử dụng thuốc giảm tiết acid. Khi nhận kết quả, bố mẹ cháu bé vô cùng choáng váng vì trước đó trẻ chưa từng mắc bệnh hay biểu hiện bất bất thường gì.

Sau 03 ngày điều trị tích cực, hiện trẻ có da niêm mạc hồng, bắt đầu ăn cháo nguội, tình trạng cải thiện hơn. Tiến hành nội soi lại kiểm tra vết loét đã cầm máu ổn định các xét nghiệm công thức máu có cải thiện rõ rệt.

Bác sĩ Tuyết cho biết, nhiều người thường nghĩ xuất huyết tiêu hóa chỉ xảy ra ở người lớn, nên tình trạng này khi xảy ra với trẻ em thường hay bị nhầm lẫn hoặc bỏ qua. Do vậy, nhiều trường hợp đến viện đã ở trong tình trạng nặng.

Thực tế, xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu với các mức độ khác nhau. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân như viêm loét thực quản, viêm dạ dày tá tràng do ngộ độc, stress, dị ứng thức ăn, chảy máu đường mật hoặc có thể bị dị vật đường tiêu hóa. Với trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới có thể nguyên nhân do u máu ruột non, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn tiêu hóa, lồng ruột...

Bé trai Hà Nội nhập viện sau 3 ngày hoa mắt, chóng mặt, da xanh nhợt, bố mẹ choáng váng khi nhận kết quả nội soi - 1
Hình ảnh nội soi dạy dày của cháu bé với nhiều ổ loét phía trong. Ảnh: BSCC.

Dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ em

Thông thường, trẻ bị xuất huyết tiêu hóa không có biểu hiện rõ rệt cho đến khi xuất hiện tình trạng nôn, ói ra máu hoặc đại tiện phân đen. Đa phần các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trẻ em ngày nay là do các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng gây chảy máu hay còn gọi là xung huyết dạ dày.

Trẻ bị xuất huyết tiêu hóa thường có một số những biểu hiện như sau:

- Ợ hơi, đầy bụng;

- Buồn nôn và nôn;

- Đau rát ở bụng;

- Đau ngực;

- Sụt cân, mệt mỏi;

- Thường xuyên ợ nóng, nấc cục;

- Chán ăn, khó nuốt;

- Hôi miệng;

- Tiêu chảy;

- Thiếu máu;

- Nôn ra máu;

- Đại tiện ra máu;

- Đi ngoài phân đen.

Các trường hợp sau cần lập tức đưa trẻ đưa đi cấp cứu:

- Li bì, khó đánh thức;

- Kích thích, vật vã;

- Thiếu máu nặng: da xanh nhiều, môi nhợt;

- Nôn máu đỏ tươi hoặc máu cục;

- Đi ngoài phân đen hoặc máu, mệt hơn sau mỗi lần nôn hoặc đi đại tiện;

Ngoài ra, phụ huynh cần trang bị kiến thức về cách chăm sóc trẻ bị xuất huyết tiêu hoá, đặc biệt là nhận biết sớm dấu hiệu thiếu máu cũng như tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ để có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh điều đáng tiếc xảy ra. Khi thấy trẻ có những triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời cho trẻ.

Bé trai Hà Nội nhập viện sau 3 ngày hoa mắt, chóng mặt, da xanh nhợt, bố mẹ choáng váng khi nhận kết quả nội soi - 2

Điều trị xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em như thế nào?

Điều trị xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh, cụ thể:

Xuất huyết tiêu hóa nặng đe dọa tính mạng cần truyền máu.

Xuất huyết tiêu hóa trên thường có thể tự cầm sau khi điều trị nội khoa, vì thế hiếm khi cần phẫu thuật nội soi cấp cứu. Nên tiến hành nội soi ở phòng mổ, kết hợp với bác sĩ phẫu thuật để phòng ngừa tình trạng cầm máu bằng nội soi thất bại thì sẽ tiến hành phẫu thuật ngay.

Với các nguyên nhân là bệnh lý ngoại khoa như lồng ruột, polyp, túi thừa Meckel thì cần chỉ định phẫu thuật để điều trị hết nguyên nhân.

Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em có thể phòng ngừa bằng cách:

- Giúp trẻ tạo cân bằng giữa việc học và giải trí, giảm căng thẳng.

- Tập cho trẻ thói quen rửa tay, vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ.

- Cho trẻ đi khám khi có các biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa.

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa trẻ em khá nguy hiểm, bạn không nên chủ quan mà cần phải thực hiện các phương pháp điều trị thích hợp để trẻ có sức khỏe tốt. Nếu trẻ được cho điều trị nội khoa nhưng lại có dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để tránh hệ lụy không mong muốn xảy ra.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/be-trai-ha-noi-nhap-vien-sau-3-ngay-hoa-mat-chong-mat-da-xanh-nhot-bo-me-choang-vang-khi-nhan-ket-qua-noi-soi-a363895.html