Gia đình

Bé gái 1 tuổi đột quỵ

Bệnh nhi xuất hiện triệu chứng co giật nhiều lần, kéo dài khoảng 1 phút. Tại bệnh viện địa phương, bác sĩ chỉ định trẻ phải chuyển lên TP.HCM khẩn cấp.

Đầu tháng 8, bé gái P.H.A (1 tuổi, sống ở Cần Thơ) đột ngột co giật tay chân bên trái. Tình trạng này diễn ra trong khoảng một phút rồi bé tỉnh táo. Nhưng vài giờ sau, bé co giật lại nên mẹ vội đưa đi bệnh viện. 

Ở bệnh viện địa phương, các bác sĩ quyết định chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Tại đây, trẻ vẫn co giật thêm vài lần và yếu nhẹ tay chân bên trái. Kết quả chụp CT ghi nhận có bất thường ở bán cầu não bên phải. 

Các bác sĩ tiếp tục thực hiện các khảo sát tìm nguyên nhân, xác nhận bé bị nhồi máu não bán cầu não phải, hẹp mạch máu não liên với vùng nhồi máu não, trên khảo sát cộng hưởng từ. Hiện Khoa Thần kinh và Khoa Ngoại Thần kinh phối hợp, tìm gải pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhi. 

Bé gái 1 tuổi đột quỵ
Bé gái 1 tuổi được chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lê Trung Hiếu, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đây là trường hợp nhồi máu não ở trẻ nhũ nhi, có thể liên quan bất thường bẩm sinh mạch máu não.

Theo bác sĩ Hiếu, đột quỵ là bệnh cảnh ít gặp ở trẻ em. Người dưới 18 tuổi bị đột quỵ chiếm tỷ lệ từ 3 – 25/100.000 người, tuy nhiên bệnh vẫn là nguyên nhân tử vong và tàn phế đáng kể.

Đột quỵ ở trẻ em gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Khoảng 80% nhồi máu não trẻ em liên quan động mạch não. 

Trên thực tế, các nhóm nguy cơ gây nhồi máu não rất nhiều. Bao gồm: bệnh tim mạch, bệnh lí tăng đông, bệnh ác tính về máu, bệnh về huyết học, bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương, bệnh tự miễn, bệnh vùng đầu mặt cổ hoặc các bệnh mô liên kết, chần thương, phẫu thuật não…

Cũng như ở người lớn, nhồi máu não trẻ em thường khởi phát đột ngột với triệu chứng co giật tay chân, yếu liệt tay chân một bên, méo miệng, nói khó. Trong đó, triệu chứng co giật gặp ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn. 

Tuy nhiên, việc nhận diện đột quỵ ở trẻ nhỏ khá khó khăn, nhất là các triệu chứng về ngôn ngữ, rối loạn cảm giác. Thêm nữa, vì đột quỵ ít xảy ra ở trẻ nhỏ nên phụ huynh chưa quan tâm và cảnh giác. Biểu hiện ban đầu chưa rõ ràng cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Ví dụ khi trẻ nhức đầu, mất ý thức tạm thời, lên cơn co giật sễ bị nhầm với bệnh động kinh, yếu liệt tay chân dễ nhầm sang biến chứng viêm não, nôn ói có thể nhầm sang bệnh tiêu hóa.

Bên cạnh đó, việc sơ cứu sai cách đột quỵ như cạo gió, vắt chanh, châm kim ở đầu ngón tay khiến cho việc can thiệp kém hiệu quả. Nguyên tắc quan trọng nhất của sơ cứu đột quỵ là đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nếu không sẽ để lại những di chứng nặng nề đến suốt đời.

Trẻ nhỏ có thể đối mặt với các di chứng nặng nề như liệt nửa người, mất khả năng nói, khả năng nhận thức, ghi nhớ kém, yếu liệt tay, chân…

Khi tiếp nhận trẻ nghi ngờ đột quỵ, các bác sĩ thực hiện nhiều xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân trong đó có chụp CT não, cộng hưởng từ não, khảo sát mạch máu não trong và ngoại hộp sọ.  Bác sĩ Nguyễ Lê Trung Hiếu lưu ý, xấp xỉ 40 – 50% nhồi máu não trẻ em không tìm thấy nguyên nhân.

“Hiện chưa có khuyến cáo điều trị chuẩn cho nhồi máu não trẻ em. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, căn nguyên gây bệnh sẽ được điều trị nội khoa, dùng thuốc để dự phòng tái phát hoặc can thiệp mạch máu não”, bác sĩ Hiếu nói. 

Theo Linh Giao (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/be-gai-1-tuoi-dot-quy-2051242.html