Gia đình

Bác sĩ nói gì về hành vi rung lắc bé sơ sinh 1 tháng tuổi của bảo mẫu?

Theo bác sĩ, trẻ dưới 12 tháng thóp chưa hoàn thiện nên việc rung lắc gây nguy hiểm, thậm chí khiến bé bị xuất huyết não, động kinh.

Ngày 31/5, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đang có hành vi nghi bạo hành cháu bé mới sinh gây xôn xao dư luận.

Theo đoạn clip ghi lại và đăng tải, sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 31/5. Cụ thể, vào thời điểm này người phụ nữ bế một cháu bé mới sinh liên tục có hành vi rung lắc mạnh khiến cháu bé khóc thét lên. Người này sau đó tiếp tục bế xốc, khiến cháu bé khóc thét rồi đặt mạnh xuống giường.

Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng đã gây xôn xao dư luận, nhiều người không khỏi phẫn nộ trước hành động trên.

Được biết, sự việc xảy ra tại một căn hộ ở khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người có hành vi bạo hành là người trông trẻ mà gia đình cháu bé thuê chăm sóc vì mẹ bé mới sinh non, sức khoẻ yếu.

Ngay sau đó, người nhà đã mời Công an phường Hoàng Liệt đến ghi nhận sự việc. Cháu bé hiện đang được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra sức khoẻ.

Bác sĩ nói gì về hành vi rung lắc bé sơ sinh 1 tháng tuổi của bảo mẫu?
Trẻ 1 tháng tuổi bị bảo mẫu rung lắc tại Linh Đàm, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.

Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam, bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt (bác sĩ Đa khoa tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, khi người lớn rung lắc trẻ quá mạnh sẽ tạo ra một loại chấn thương não gọi là hội chứng rung lắc, cũng tương tự như chấn thương sọ não ở người lớn.

"Rung lắc quá mạnh như trường hợp trong video có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, xuất huyết não, vỡ các mạch máu não vì màng não bé còn rất nhỏ và mong manh. Các xương cổ vẫn còn rất yếu, khi bị rung lắc quá mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính và va đập vào xương sọ gây tổn thương não nặng nề", bác sĩ Kiệt cho hay.

Các di chứng thần kinh do hội chứng rung lắc gây ra từ nặng (như bại não, xuất huyết võng mạc, động kinh, co giật thậm chí tử vong), nhẹ thì cũng khiến trẻ chậm phát triển tinh thần, giảm khả năng học tập, không nói năng được lưu loát, trong đó có một số tổn thương chỉ phát hiện khi trẻ đã lớn, đòi hỏi phải điều trị chuyên sâu, lâu dài.

Đồng quan điểm, VietNamNet dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng đây là hành động rất nguy hiểm, nhất là với trẻ quá nhỏ, thóp còn non, chưa hoàn chỉnh.

Theo bác sĩ Khanh, hội chứng rung lắc ở trẻ em đã được cảnh báo rất nhiều nhưng người lớn còn chủ quan hoặc không biết. Nhiều cha mẹ có thói quen bế con lên và rung lắc. Khi làm như vậy, khoảng cách giữa sọ và não gây nên dao động như bạn lắc ca nước. Sau rung lắc 1-2 giờ, trẻ có thể quấy khóc, bỏ ăn, thay đổi tri giác, co giật.

Trường hợp trầm trọng, trẻ có các biểu hiện ngừng thở, tím tái, hôn mê… Khi đó, nếu không cấp cứu kịp, trẻ có thể tử vong. Trẻ càng nhỏ, càng dễ bị ảnh hưởng bởi hành động rung lắc.

Nguyên nhân gây hội chứng rung lắc, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho rằng, do hộp sọ của trẻ mềm và lớn hơn nhiều so với tổ chức não, khoảng cách giữa nhu mô não và hộp sọ lớn. Rung lắc gây va đập giữa nhu mô não và hộp sọ. Hậu quả tương tự khi người lớn bị chấn thương sọ não. Do trọng lượng của đầu của trẻ bằng khoảng 1/4 cơ thể, cột sống cổ và các dây chằng chưa vững chắc, dễ chấn thương.

Khi trẻ bị rung lắc, ngoài va đập khiến đụng dập tổ chức não, các mạch máu bị tổn thương gây xuất huyết, tạo thành các đám máu tụ, tăng áp lực nội sọ.

Bác sĩ nói gì về hành vi rung lắc bé sơ sinh 1 tháng tuổi của bảo mẫu? - 1
Để tránh hội chứng rung lắc, các bậc cha mẹ phải hết sức cẩn trọng, luôn ghi nhớ rằng không bao giờ được rung lắc, bế xốc, tung cao hay ném trẻ.

Biểu hiện trẻ bị rung lắc sau 4-6 giờ:

- Mắt lờ đờ do xuất huyết võng mạc, da tái xanh do mất máu, thóp có thể phồng.

- Quấy khóc, kích thích vật vã hoặc lơ mơ, li bì, không đáp ứng với xung quanh, thậm chí hôn mê, bỏ bú, bỏ ăn, buồn nôn hoặc nôn, thở chậm hoặc thậm chí ngưng thở.

- Một số trẻ có biểu hiện co cứng cổ và các chi, có thể co giật hoặc cơ thể mềm nhẽo.

- Tổn thương cột sống cổ khiến trẻ bị ngoẹo đầu sang một bên hoặc hạn chế vận động vùng cổ.

Khi trẻ có biểu hiện trên, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để bác sĩ cấp cứu.

Hội chứng rung lắc nếu không điều trị có thể dẫn tới biến chứng muộn, thậm chí nhiều năm sau mới biểu hiện như trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, nghe kém, giảm thị lực, bại não, co cứng các khớp, co giật, động kinh.

Để ngăn ngừa hội chứng này, cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ, không bao giờ bế thốc ngược, không xốc vác trẻ gấp gáp, không tung hứng trẻ khi nô đùa với con, không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/bac-si-noi-gi-ve-hanh-vi-rung-lac-chau-be-1-thang-tuoi-cua-bao-mau-d165100.html