Gia đình

Bác sĩ cảnh báo nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nguy kịch vì tự truyền nước tại nhà

Nhiều người khi mắc sốt xuất huyết cảm thấy mệt mỏi, rã rời, sốt cao, đi đứng không vững và không thể ăn uống... nên tự ý truyền dịch với hy vọng bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý điều trị dễ dẫn đến hệ lụy xấu.

Theo Tiền Phong dẫn lời TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết năm nay, tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết vào đông, chiếm 50-75% nhập viện và có dấu hiệu cảnh báo: sốt cao, thiếu dịch, thừa dịch (do người nhà tự truyền), tiểu ít, huyết áp không ổn định, mệt mỏi.

"Đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng thừa dịch. Tình trạng này rất nguy hiểm vì khi truyền dịch bác sĩ tính liều lượng rất sát sao, điều dưỡng theo dõi quá trình truyền dịch 15-30 phút, 1 tiếng mỗi lần. Các chỉ số được điều dưỡng ghi chép rất chi tiết từ liều lượng, huyết áp, nhịp thở đến số lượng nước tiểu, ăn được bao nhiêu… để cân đối lượng dịch ra và vào của bệnh nhân.

Tuy nhiên, nếu tự truyền dịch tại nhà thì bệnh nhân sẽ không tính được những yếu tố nói trên. Truyền quá đà sẽ dẫn đến các triệu chứng cảnh báo như nôn, buồn nôn, đau bụng, khó thở do tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi… khi nhập viện đã ở tình trạng xấu. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm, nôn do thiếu dịch”, thạc sĩ Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý điều trị, cần đến bệnh viện khám để được bác sĩ giải thích, hướng dẫn tư vấn cách điều trị tại nhà.

Bác sĩ cảnh báo nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nguy kịch vì tự truyền nước tại nhà
Ảnh minh họa: Internet

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, đầu tháng 7 vừa qua, vụ việc một phụ nữ mắc sốt xuất huyết bị tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho thấy sự cẩn thiết phải cẩn trọng khi truyền dịch.

Cụ thể, chị T.T.H. (28 tuổi) bị sốt, đau đầu, đến thăm khám có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Để xử trí, phòng khám đã truyền dịch, ngay sau đó chị H. đột ngột chuyển nặng và được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Tuy nhiên bệnh nhân đã bị ngưng tim, ngưng thở và được kết luận là tử vong trước khi đến bệnh viện.

Cũng trao đổi với báo trên, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, người bệnh mắc sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch, cần phải có chỉ định bởi nó rất nguy hiểm.

Việc truyền dịch sẽ khiến cơ thể giữ nước dù bệnh nhân có đi tiểu ra ngoài một phần nhưng nó vẫn giữ nước ở các kẽ. Bệnh nhân sẽ bị phù, dư ở ngoài nhưng thiếu trong. Vì vậy bệnh nhân sẽ vừa bị sốc (rối loạn tuần hoàn làm giảm tưới máu cấp ở các mô) lại vừa suy hô hấp do trước đó truyền dịch.

Chính vì vậy việc truyền dịch không có chỉ định rất nguy hiểm chưa kể một số người truyền dịch lại bị run tiêm truyền hay sốc dịch truyền không tốt.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, truyền dịch sốt xuất huyết có quy định chặt chẽ. Những trường hợp được phép truyền dịch đó là những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 trở đi, ăn uống không được, có triệu chứng mất nước (môi khô, mắt trũng, da nhăn nheo...), nôn ói nhiều (trên 3 lần/1 giờ và trên 4 lần trong 6 giờ) thì mới được truyền dịch. Lúc đó chỉ số HCT (tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu) cô đặc máu cao, ví dụ trẻ em từ 4-10 tuổi, chỉ số HCT bằng 42% là cô đặc còn ở người lớn chỉ số HCT từ 48-50% là cô đặc.

Về một số lưu ý khi truyền dịch, bác sĩ Tiến cho hay, truyền dịch trong sốt xuất huyết và sốt xuất huyết nặng phải theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đồng thời phải theo dõi tình trạng cụ thể của bệnh nhân (mạch, huyết áp, nhịp thở…) khi bệnh nhân truyền dịch nhiều quá có thể gây tràn khó thở hoặc là diễn tiến vào sốc… để thay đổi phác đồ điều trị cho phù hợp.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cũng lưu ý, nhiều trường hợp bệnh nhân khó chịu khi truyền dịch nên họ rút kim truyền gây nguy hiểm. Dịch truyền là để chống sốc chứ không phải dịch truyền là bổ sung dinh dưỡng. Dịch truyền là điện giải, chất đạm, vitamin … truyền không có hiệu quả.

Về nguy cơ phản ứng khi truyền dịch sốt xuất huyết, bác sĩ Tiến cho hay, sốt xuất huyết cơ địa dễ vào sốc, gia tăng tình trạng tăng tuyết áp, rung kim truyền… do đó khó phân biệt tình trạng sốc và sốt xuất huyết.

Nếu truyền dịch không đúng cho bệnh nhân, đặc biệt là truyền dung dịch glucose (đường), người bệnh đi tiểu nhiều nhưng đó là do lợi tiểu thẩm thấu. Tức là, bệnh nhân đi tiểu nhiều nhưng thực ra là không tốt bởi lúc đó mất nước trong cơ thể khiến bệnh nhân rơi tình trạng sốc tự do.

BSCK II Nguyễn Minh Tiến cũng cảnh báo, các phòng mạch, phòng khám tư không nên truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì truyền dịch không đúng chỉ định vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa gây khó khăn cho bác sĩ trong điều trị.

"Quan điểm truyền dịch để ngăn ngừa vào sốc sốt xuất huyết là quan điểm sai. Sốt xuất huyết là một diễn tiến tự nhiên, không phải truyền dịch là ngăn ngừa được tình trạng sốc của người bệnh. Khi bệnh nhân vào sốc mà trước đó có truyền dịch thì sẽ rất khó khăn trong quá trình điều trị", bác sĩ Tiến cảnh báo.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bac-si-canh-bao-nhieu-benh-nhan-mac-sot-xuat-huyet-nguy-kich-vi-tu-truyen-nuoc-tai-nha-a363725.html