Gia đình

Bà vợ…Bao Thanh Thiên

Đàn ông từ cổ chí kim tưởng rằng chỉ đàn bà phức tạp mới khiến đàn ông khốn khổ. Tôi xin dâng hiến câu chuyện về bà vợ Bao Thanh Thiên này, mời các ông xem xét!

Vợ tôi là người yêu công lý, thích sự đúng đắn, theo đuổi sự công bằng. Cô ấy phân biệt rất rạch ròi giữa sở thích với trách nhiệm.

Ví dụ, chuyện tôi gặp gỡ bạn bè uống một ly bia được cô ấy gọi là sở thích. Sở thích thì không bị cằn nhằn. Nhưng khi tôi uống bia quên luôn vợ con thì là vô trách nhiệm. Và vô trách nhiệm thì dĩ nhiên là phải… ăn đủ.

Vợ chồng mâu thuẫn, cô ấy không ngại xin lỗi nếu tôi đúng, và dĩ nhiên cũng… xử đẹp nếu tôi sai. Nhiều ông bạn tôi nói, sống với một bà vợ như thế thật dễ. Thế giới đàn ông đã quá khổ sở vì không biết làm thế nào cho vừa ý các bà vợ. Nếu phụ nữ ai cũng đúng - sai rạch ròi theo… “chuẩn thế giới” như vợ tôi, thì thật phúc đức.

Bà vợ…Bao Thanh Thiên
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tôi nhận cái tiếng “có phước” ấy đã lâu. Quả thật, sống với “bà vợ công lý” thì đỡ bao nhiêu mâu thuẫn. Chuyện mẹ chồng, nàng dâu chưa bao giờ là vấn đề với tôi. Vợ tôi không suy diễn, không đòi hỏi, cũng không đánh giá mẹ chồng qua những khác biệt thế hệ. Cô ấy luôn biết đâu là “tự do của mẹ” và đâu là bổn phận của con dâu. Nếu mẹ tôi thiếu sót, cô ấy cũng không ngại góp ý. Chút góp ý có thể khiến mẹ chồng nàng dâu “đơ” mất vài nhịp, nhưng rồi cũng quen. Con dâu vốn sống đúng đắn, lại toàn góp ý đúng nên mẹ chồng cũng chịu. Vợ tôi cứ thế giải quyết êm ru mọi mối quan hệ nhạy cảm bên chồng.

Nhưng, đúng cũng có cái giá của đúng. Nỗi khổ khi sống cùng bà vợ công lý thì… có mà đầy, đố ai hiểu thấu!

Vì bản thân vốn nỗ lực sống đúng, nên vợ tôi cực kỳ năng nổ… sửa lưng đồng loại. Từ hồi mới yêu, mỗi lần ra đường với vợ tôi đã thấp thỏm sợ người ta thù vặt vì bị cô ấy sửa lưng. Tôi tưởng mình thế là hèn. Ai dè, bây giờ, các con tôi cũng di truyền nỗi sợ ấy. Tụi nó cứ nài nỉ mẹ “đừng góp ý với người ta nữa”. Có lúc chúng còn thẳng thừng: “Đi với mẹ dễ quê độ”.

Vì sao quê độ? Vì dù chẳng liên quan gì, cô ấy vẫn có thể chạy lại nhắc nhở một cậu trai không chịu xếp hàng khi vào trạm ATM. Vì hễ vào siêu thị là cô ấy mặc định mọi nhân viên đều phải rành thông tin sản phẩm. Hễ gặp nhân viên ấp úng, cô ấy lập tức nhắc: “Em làm nhân viên như thế là chưa chuẩn”.

Đã bao phen nhà tôi trễ chuyến bay vì vợ tôi mải đúng/sai với một cậu nhân viên dịch vụ mặt đất. Hoặc cũng có lần cả nhà phải lê lết ở ga đến trong một chuyến du lịch chỉ vì cái vali “có dấu hiệu được vận chuyển không cẩn thận”.

Có lần vali bị vỡ trong một chuyến xuất ngoại, vợ tôi kiên quyết thực hiện mọi hướng dẫn để đòi lại quyền lợi. Ý nguyện ấy rồi cũng đạt được. Nhưng trong email xin lỗi sau cuối của hãng bay có một chút “uyển ngữ”, họ không trực tiếp nhận lỗi mà diễn đạt sự bồi thường này như một “món quà” cho hành khách.

Thế là vợ tôi đùng đùng xới tung lại câu chuyện đã gây mệt mỏi suốt hai tháng trời. Trước đó, để đi đến kết quả là được bồi thường và nhận lá thư xin lỗi “không hoàn toàn thành tâm” này, vợ chồng tôi đã phải xất bất xang bang qua rất nhiều cuộc điện thoại với nhiều bên, đọc hàng tá tài liệu, quy định về vận chuyển hành lý… Tiếp theo đó là làm theo chỉ dẫn của từng bộ phận, cãi lý đến… rã hàm bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Bà vợ…Bao Thanh Thiên - 1
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Thế nhưng ngay cả lúc tưởng đã khép lại câu chuyện, cô ấy sẵn sàng… làm lại từ đầu. Và lý lẽ của cô ấy là: “Họ phải thấy họ sai thì mới cải thiện được dịch vụ chứ! Em đâu rảnh mà dành hai tháng trời để đòi đền một chiếc vali!”.

Chuyện hãng bay kia là trải nghiệm nhớ đời trong cuộc hôn nhân của tôi với “bà vợ công lý”. Cha con tôi mệt rũ suốt hai tháng trời. Nhưng chuyện thế lại chẳng hiếm. Thú vui của cha con tôi là ngồi kể lại những phen đi đòi công lý của cô ấy. Hai đứa con tuổi teen thỉnh thoảng lại cười sằng sặc khi nhớ những hình ảnh “kool ngầu” của bà vợ Bao Thanh Thiên khi xăng xái tiến về nơi “bất công” để nói phải quấy. Dù trong khoảnh khắc sự việc diễn ra, ai nấy tím tái mặt mày.

Trong bài văn tả mẹ cách đây 5 năm, đứa con gái đầu của tôi viết: “Mẹ tôi thuộc lòng các quy định chăm sóc khách hàng của mọi nhãn hàng, siêu thị…”. Sau sự cố vali, tôi trịnh trọng bổ sung: “Vợ tôi uyên bác về các quy định ký gửi hành lý, các điều khoản cam kết trách nhiệm của từng bên, ở từng quốc gia châu Á…”.

Vợ tôi rất đơn giản. Rất dễ để biết điều gì làm cô ấy hài lòng, và điều gì sẽ khiến cô ấy bật dậy đấu tranh. Đàn ông từ cổ chí kim tưởng rằng chỉ đàn bà phức tạp mới khiến đàn ông khốn khổ. Tôi xin dâng hiến câu chuyện về bà vợ Bao Thanh Thiên này, mời các ông xem xét!

Theo Phú Châm (Phunuonline.com.vn)




https://www.phunuonline.com.vn/ba-vo-bao-thanh-thien-a1451574.html