Gia đình

Ba mẹ con bị ngứa râm ran khắp người, đi khám phát hiện cùng mắc chung một loại bệnh

Các bác sĩ cho biết khi thấy con bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngứa, cha mẹ thường chủ quan vì nghĩ bé bị nổi mẩn hoặc côn trùng đốt. Đến khi bệnh đã diễn tiến nặng, triệu chứng ngứa ngày một trầm trọng, phụ huynh mới biết con nhiễm ký sinh trùng.

Theo lời kể của chị N.V.C.V (22 tuổi,ngụ quận 7, TP.HCM), cách đây 1 năm, chị V. bị vàng lòng bàn tay, bàn chân, sụt 2kg trong vòng một tuần, chán ăn uống, thường xuyên bị ngứa râm ran khắp cơ thể. Nghi ngờ bị viêm gan, chị đi khám, làm xét nghiệm nhưng kết quả âm tính. Sau đó chị được tư vấn đến Viện sốt rét kí sinh trùng TP.HCM để xét nghiêm. Kết quả chị V bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó và được lên phác đồ điều trị uống thuốc.

Cách đây 2 tháng, em trai chị V (12 tuổi) cũng bắt đầu có dấu hiệu ngứa râm ran khắp cơ thể. Tưởng con bị dị ứng nên gia đình đã đến tiệm để mua thuốc cho bé. Tuy nhiên uống thuốc đến 3 ngày mà vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Lo sợ bé bị nhiễm bệnh giống chị, mẹ bé đã đưa con đến bệnh viện xét nghiệm và kết quả bé trai cũng nhiễm ấu trùng giun đũa chó.

Trong một lần đi khám bệnh tổng quát, mẹ của chị V cũng vô tình phát hiện đang nhiễm bệnh và đã được bác sĩ kê đơn, cho thuốc để điều trị.

Ba mẹ con bị ngứa râm ran khắp người, đi khám phát hiện cùng mắc chung một loại bệnh
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chị V đã nhiễm ấu trùng giun đũa chó.

Theo thống kê từ phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM, trong tháng 7 phòng khám tiếp nhận 1.743 ca khám các bệnh giun sán. Tuy nhiên, đến tháng 8 số ca này lên đến 2.150 ca, trong đó có 112 ca dương tính sán lá gan lớn và 640 ca dương tính ấu trùng giun đũa chó (gọi tắt là giun đũa chó, người dân thường gọi là sán chó).

Nói về tình trạng bệnh nhân nhiễm bệnh này, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Long, Khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét kí sinh trùng TP.HCM cho biết mỗi ngày ông tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhân đến khám dương tính với ấu trùng giun đũa chó. “80% trong số đó là trẻ em. Có lẽ nhiều bậc cha mẹ chủ quan khi nghĩ con trẻ vui đùa nghịch nên dễ bị côn trùng đốt hoặc nổi mẩn ngứa. Chỉ khi điều trị mãi mà triệu chứng ngứa không giảm, họ mới nghĩ đến việc con bị nhiễm ký sinh trùng và mang đến đây để thăm khám”.

Ba mẹ con bị ngứa râm ran khắp người, đi khám phát hiện cùng mắc chung một loại bệnh - 1
Chơi với chó là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến việc nhiễm bệnh.

Bệnh giun đũa chó lây bệnh như thế nào?

Bác sĩ Long cho biết, bệnh giun đũa chó có tác nhân gây bệnh là Toxocara canis - một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó. Các giun này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.

Bên cạnh đó, việc ăn rau sống được tưới bằng nước có nhiễm ấu trùng giun đũa chó nhưng không được rửa sạch cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm bệnh.

Nói về cơ chế nhiễm ấu trùng bệnh, bác sĩ cho biết sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt các ấu trùng di chuyển hoặc khiến chúng ngưng phát triển, nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.

Khi nhiễm giun đũa chó, người bệnh sẽ có triệu chứng đầu tiên là ngứa, nổi mề đay. Ngoài ra, người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng kèm theo như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, ăn kém, đau bụng, bạch cầu ái toan tăng…

Để chẩn đoán nhiễm ấu trùng giun đũa chó, theo Bác sĩ Long, chỉ có thể dựa vào xét nghiệm. Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh giun đũa chó, mèo là một việc khó vì triệu chứng trong các thể lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo không đặc hiệu cho bệnh ,do đó bệnh nhân, thậm chí bác sĩ cũng bỏ qua yếu tố bệnh này. Ấu trùng có thể phân tán rộng trong cơ thể và không phải lúc nào làm sinh thiết cũng phát hiện được ấu trùng.

Bên cạnh đó, huyết thanh chẩn đoán ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) có thể dương tính chéo với các trường hợp nhiễm giun, sán khác (giun đũa, giun móc, giun lươn, giun chỉ hệ bạch huyết, sán lá gan lớn, sán dây). Do đó để khẳng định thì phải làm Western-Blot là một kỹ thuật có tính đặc hiệu cao hơn.

“Sự hiện diện của kháng thể chống Toxocara cũng không nói lên tình trạng đang mắc hay đã mắc bệnh vì các kháng thể chống Toxocara có thể tồn tại đến hơn 2,8 năm với kỹ thuật ELISA và đến hơn 5 năm với kỹ thuật Western-Blot”, bác sĩ Long nói.

Phòng ngừa giun đũa chó, mèo

Để phòng ngừa bệnh, chuyên gia khuyến cáo cần:

- Hằng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm.

- Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

- Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.

- Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

- Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

Theo Yến Nhi (Khampha.vn)