Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

Ba lý do quan trọng Việt Nam chưa thể công bố hết dịch Covid-19

Các chuyên gia cho rằng chưa thể công bố hết dịch Covid-19. Chúng ta cần đánh giá đúng nguy cơ, tình hình để “nguy cơ đến đâu đáp ứng chống dịch đến đó”.

Lý do chưa thể công bố kết thúc dịch Covid-19

Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, trả lời báo VietNamNet chiều 25/10, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, chưa nên công bố hết dịch. 

PGS.TS Phu phân tích, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá Covid-19 là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Trên thế giới, dịch bệnh này vẫn rất phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện biến chủng khó dự báo. 

Thứ hai, trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng nCoV mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Lúc này, dịch có nguy cơ bùng phát, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Ba lý do quan trọng Việt Nam chưa thể công bố hết dịch Covid-19

Thứ ba, hiện nay chúng ta ghi nhận số ca mắc, ca nặng giảm mạnh nhưng điều này là do hiệu lực của vắc xin Covid-19. Sau 4-6 tháng, vắc xin giảm hiệu lực lúc này Covid-19 vẫn là một nỗi lo hiện hữu.

Về ý kiến nhiều tỉnh đã chi khoản tiền lớn mua thuốc, trang thiết bị, vật tư dự phòng, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, thuốc, vật tư tiêu hao này đều có hạn sử dụng, có thể chuyển nguồn sử dụng, điều trị bệnh lý khác trước khi hết hạn. 

Tương tự, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng cho rằng, nếu tuyên bố hết đại dịch Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn. 

GS.TS Lân đánh giá, khi công bố hết dịch việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. 

Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.

“Nới lỏng nhưng không thả lỏng”

“Việt Nam cần đánh giá nguy cơ, tình hình dịch và nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo. 

Bởi vì khi không đánh giá đúng nguy cơ, đáp ứng không tới sẽ không kiểm soát được dịch bệnh. Ngược lại, đánh giá nguy cơ thái quá dẫn tới đáp ứng thái quá (ví dụ đầu tư không đúng hoặc quá mức) gây ra tốn kém, ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội của người dân. 

Đồng thời, theo quan điểm của PGS.TS Phu, trong giai đoạn này Việt Nam cần: “Chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, nới lỏng đồng bộ nhưng vẫn cần dự phòng đồng bộ, nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng”. 

Ví dụ chúng ta dừng khai báo y tế; dừng cách ly đối với người nhập cảnh, người tiếp xúc; điều chỉnh hướng dẫn phòng chống dịch… chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát linh hoạt, tùy theo từng địa phương, thời điểm để áp dụng. Tuy nhiên không buông lỏng việc phòng chống dịch, cụ thể là vẫn giám sát, chú trọng bảo vệ nhóm người nguy cơ cao. 

Đánh giá về đại dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian tới, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài, vẫn có thể còn ca nặng. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục chính sách bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch. 

“Không chỉ Covid-19, chúng ta đánh giá đúng nguy cơ tất cả các dịch. Đừng vì một dịch mà bỏ qua các dịch khác (ví dụ dịch sốt xuất huyết đang rất nóng với số ca mắc, tử vong tăng mạnh). Dịch bùng sẽ như vết dầu loang, khi cháy rất khó dập”, PGS.TS Phu nói thêm.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nói thêm với VietNamNet, dù chưa thể công bố hết dịch nhưng cũng cần điều chỉnh hướng chống dịch. 

Chúng ta cần thích ứng để phù hợp với tình hình hiện tại. “Áp dụng các biện pháp phòng ngừa với bệnh lây theo đường hô hấp, không thể lơ là. Người mắc bệnh vẫn phải điều trị, cách ly, mang khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người… Đặc biệt, vẫn phải tập trung bảo vệ người nguy cơ cao”. 

Nhận định về xu hướng dịch thời gian sắp tới, TS Hùng cho rằng Covid-19 vẫn tồn tại trong nhiều năm, chúng ta tăng cường giám sát các biến chủng mới của virus. “Ngoài Covid-19, các dịch khác như cúm, sốt xuất huyết… vẫn phải chú trọng phòng ngừa, để tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” gây khó khăn cho ngành y tế”, TS Hùng nói thêm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện nay Omicron vẫn là biến thể lưu hành chính trên toàn thế giới, chiếm 99,7% các trình tự được báo cáo. Biến thể phụ Omicron BA.5 và các dòng phụ tiếp tục chiếm ưu thế trong số mẫu được giải trình tự gen. 

Tại Việt Nam số ca mắc tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Trong 7 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 6.289 trường hợp mắc, giảm 23,4% so với tuần trước đó và 4 trường hợp tử vong, số mắc trung bình 7 ngày qua là 688 ca/ngày.

 Theo Ngọc Trang (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/3-ly-do-quan-trong-viet-nam-chua-the-cong-bo-het-dich-covid-19-2073781.html