Gia đình

9 thói quen ăn uống 'phá nát' dạ dày, thay đổi gấp trước khi quá muộn

Có những thói quen hàng ngày, được lặp đi lặp lại nhiều lần, tưởng chừng như vô hại nhưng lại đang dần “phá hủy” dạ dày của bạn. Thậm chí ‘tàn sát’ dần các bộ phận khác trong cơ thể.

1. Uống thuốc kháng sinh bừa bãi

Thuốc kháng sinh rất cần thiết để điều trị bệnh nhưng việc lạm dụng bừa bãi hoặc dùng quá liều rất gây hại cho cơ thể. Nhiều loại thuốc gây ra tác dụng phụ cho đường tiêu hóa, có thể làm trầm trọng tình trạng viêm loét dạ dày, ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa.

Mặc dù vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân phổ biến nhất gây loét dạ dày, nhưng lạm dụng thuốc kháng sinh cũng gây ra tình trạng này.

2. Ăn uống thất thường

Hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn khi bạn ăn đúng bữa. Nhiều người có chế độ ăn uống không điều độ, bỏ bữa sáng, thích ăn vặt vào đêm khuya, ăn quá no hoặc nhịn đói quá lâu… Tất cả những cách ăn uống này sẽ làm tăng axit trong dạ dày và ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa.

Bữa sáng rất quan trọng đối với đường tiêu hóa, giúp ngăn ngừa việc tiết quá nhiều axit trong dạ dày. Ăn đồ ăn vặt vào đêm khuya rất có hại cho cơ thể, ăn trước khi đi ngủ sẽ khiến dạ dày không được nghỉ ngơi và liên tục làm việc để tiêu hóa thức ăn.

9 thói quen ăn uống 'phá nát' dạ dày, thay đổi gấp trước khi quá muộn

3. Ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều rất có hại và có thể ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa. Nếu bạn ăn quá nhiều thức ăn một lúc có thể khiến thành dạ dày như muốn “nổ tung”, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết axit trong dạ dày, gây ra tình trạng đầy hơi.

Vì vậy, bạn phải chú ý đến lượng thức ăn nạp vào cơ thể để giữ cho dạ dày luôn khỏe mạnh.

4. Ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ

Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thịt đỏ hoàn toàn là một thói quen ăn uống không lành mạnh. Trong thịt đỏ (như thịt bò, thịt lợn) chứa một lượng lớn chất béo bão hòa, làm tăng nồng độ cholesterol máu, kéo theo tăng nguy cơ ung thư và bệnh lý tim mạch.

Kết hợp thêm với việc thiếu chất xơ sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngoài ra còn gây đói nhanh, táo bón, trĩ và tăng lượng đường trong máu.

5. Ăn quá nhanh

Một số người có thói quen ăn uống quá nhanh, điều này sẽ gây ra nhiều rắc rối cho hệ tiêu hóa.

Khi một người ăn nhanh, họ không thể nhai thức ăn kỹ, điều này gây áp lực lên dạ dày, dẫn tới đầy hơi, chướng bụng. Việc nhai chậm sẽ giảm áp lực cho dạ dày, ruột, khiến hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

6. Ăn nhiều món ăn chua, cay

Theo các chuyên gia sức khỏe, sở thích ăn nhiều đồ chua, ăn ngay cả khi còn đói bụng là thói quen có thể nhanh chóng phá hủy niêm mạc dạ dày của bạn vì các đồ ăn, đồ uống có vị chua là môi trường acid. Nếu ăn quá nhiều đồ chua sẽ làm tăng acid dịch vị dạ dày gây phá hủy niêm mạc, tổn hại dạ dày.

9 thói quen ăn uống 'phá nát' dạ dày, thay đổi gấp trước khi quá muộn - 1

Ngoài ra, sở thích ăn các thực phẩm cay nóng cũng vô cùng gây hại cho dạ dày, nó sẽ gây ức chế sự tạo thành của chất nhầy niêm mạc, đồng thời kích thích tiết ra nhiều acid dịch vị có khả năng làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Do đó, tốt nhất bạn hãy tránh xa các thực phẩm cay nhiều ớt, tiêu để dạ dày được bảo vệ tốt hơn.

7. Lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn

Các món chế biến sẵn (như thịt xông khói, thịt bò khô, xúc xích, lạp xưởng, bánh mì tinh chế, khoai tây chiên, mì ăn liền, trái cây đóng hộp) có đặc điểm tiện lợi, thời gian bảo quản lâu và giá thành hợp lý. Tuy nhiên chúng chỉ nên “cứu cánh” trong những trường hợp bất đắc dĩ, nếu sử dụng thường xuyên thì bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ dị ứng, béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư.

Lối sống mới: thay vì chọn mua thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên chú trọng bữa ăn tại nhà, dự trữ sẵn đồ ăn vặt lành mạnh tại nhà hoặc tại công ty (như ngũ cốc, các loại đậu, trái cây).

8. Không uống đủ nước

Không uống đủ nước là một trong những yếu tố khiến da bạn luôn khô và giảm năng suất. Khi cơ thể không đủ nước, thể tích máu sẽ giảm, giảm khả năng trao đổi oxy và chất dinh dưỡng đến từng cơ quan.

Uống không đủ nước có thể gây ra các tác hại lâu dài như táo bón, giảm chức năng thận và sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và rối loạn tâm thần. Thậm chí, còn làm tăng nguy cơ đột quỵ.

9 thói quen ăn uống 'phá nát' dạ dày, thay đổi gấp trước khi quá muộn - 2

Tránh những thức uống chứa nhiều đường, có gas hoặc có cồn. Thay vào đó, bạn nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày (cả nước lọc và nước canh).

9. Uống rượu quá mức

Rượu rất có hại cho cơ thể và có thể gây rối loạn chức năng đường ruột. Rượu ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể, ảnh hưởng xấu đến các lợi khuẩn trong đường ruột.

Rượu bia còn khiến các vết loét dạ dày trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/9-thoi-quen-an-uong-pha-nat-da-day-thay-doi-gap-truoc-khi-qua-muon-tintuc835733