Gia đình

8 dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng vọt và cách xử lý

Đường huyết cao là dấu hiệu thường thấy ở người bị bệnh tiểu đường. Nhưng trên thực tế, người không bị tiểu đường vẫn có thể bị tăng đường huyết. Tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương thần kinh, thận, mắt và tim.

Dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng cao

1. Luôn mệt mỏi

Đường huyết cao thường kèm theo dấu hiệu là cơ thể mệt mỏi. Nguyên nhân là vì các tế bào trong cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng đường glucose trong máu để tạo ra năng lượng. Thiếu năng lượng sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể và gây mệt mỏi.

8 dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng vọt và cách xử lý

2. Mờ mắt

Đường huyết cao có thể làm thủy tinh thể trong mắt bị phồng lên, khiến việc tập trung thị giác vào một điểm bất kỳ trở nên khó khăn. Nếu không được điều trị đúng cách thì mắt mờ do đường huyết cao có thể dẫn đến suy giảm thị lực.

Cách để khác phụ mờ mắt là hãy đến khám bác sĩ để được hướng dẫn hạ đường huyết trở lại bình thường.

3. Thường xuyên cảm thấy đói

Nếu cơ thể đã hấp thụ rất nhiều thực phẩm trong bữa ăn nhưng sau đó vẫn có cảm giác đói thì đó là biểu hiện của tình trạng lượng đường trong máu tăng cao. Bởi vì lúc này chức năng trao đổi chất của cơ thể đã bị rối loạn, thức ăn đi vào cơ thể nhưng không được hấp thụ nên dẫn đến tình trạng luôn cảm thấy đói dù trước đó đã ăn no.

8 dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng vọt và cách xử lý - 1

4. Khát quá mức

Khi cơ thể cố gắng điều tiết để khôi phục sự cân bằng lượng đường trong máu bằng cách thải trừ lượng đường dư thừa thông qua nước tiểu. Do đó, thận phải tăng cường hoạt động để thải lượng glucose dư ra khỏi cơ thể và chất lỏng từ các mô cơ thể cũng mất theo. Mất nhiều chất lỏng nên cơ thể sẽ luôn cảm thấy khát và muốn uống nhiều nước hơn. Nếu bạn uống nước liên tục nhưng vẫn không cảm thấy hết khát thì đó có thể là dấu hiệu của tăng đường huyết.

5. Đi tiểu nhiều

Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm có thể là dấu hiệu của đường trong máu cao. Đây là kết quả của việc thận lấy thêm nước ra khỏi các mô để làm loãng lượng đường thừa trong máu và loại bỏ đường qua nước tiểu.

6. Ngứa ran và tê tay, chân

Lượng đường trong máu cao cũng có thể gây tổn thương dây thần kinh, gây ra cảm giác ngứa ran và tê liệt ở bàn tay và bàn chân. Điều này phổ biến hơn ở những người đã mắc bệnh tiểu đường trong một thời gian dài, nhưng lượng đường trong máu không được kiểm soát.

7. Buồn nôn và nôn mửa

Lượng đường trong máu cao cũng dễ dẫn đến đau bụng, buồn nôn và nôn. Điều này xảy ra bởi vì gan không thể sử dụng đường trong máu nếu không có insulin và bắt đầu phân hủy chất béo thành xeton, làm cho máu có tính axit gây buồn nôn.

8 dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng vọt và cách xử lý - 2

8. Giảm cân

Giảm cân không chủ đích là dấu hiệu cho thấy đường huyết tăng cao và nguy cơ cao là bạn đã mắc tiểu đường. Tình trạng này chủ yếu là do cơ thể chuyển hóa bất thường và không thể sử dụng lượng đường trong máu để tạo năng lượng.

Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không?

Lượng đường trong máu cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm từ cấp tính đến mãn tính:

Biến chứng cấp tính: Nhiễm toan ceton. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị hôn mê.

Biến chứng mãn tính: bệnh võng mạc tiểu đường, biến chứng thần kinh ngoại biên (tê bì châm chích, bỏng rát gan bàn chân bàn tay…), suy thận, bệnh tim mạch…

8 dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng vọt và cách xử lý - 3

Cách xử trí tăng đường huyết nhanh chóng

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu tăng đường huyết nào, hãy kiểm tra lượng đường trong máu. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một số giải pháp sau để đưa đường huyết về giới hạn:

Uống nhiều nước hơn: Nước giúp loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi máu qua nước tiểu đồng thời giúp bạn tránh khỏi nguy cơ mất nước khi đường huyết cao.

Thay đổi thói quen ăn uống: Ngoài việc lựa chọn món ăn, lượng thức ăn và thời điểm ăn cũng quan trọng.

Thời điểm ăn: Thay vì chỉ ăn vào 3 thời điểm sáng, trưa, tối, bạn nên chia nhỏ thành 5 – 6 bữa nhỏ (sáng, giữa sáng, trưa, giữa chiều, tối). Ngoài ra, bạn nên ăn rau xanh vào đầu bữa và ăn kèm các thực phẩm giàu đạm (cá, bơ đậu phộng, thịt gia cầm…) nhằm làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.

Tập thể dục nhiều hơn: Tập thể dục có thể giúp lượng đường trong máu giảm. Tuy nhiên khi lượng đường trong máu đang có xu hướng tăng cao, bạn không nên tập luyện gắng sức, điều này có thể khiến cơ thể phân giải mỡ gây nhiễm toan máu. Lý tưởng là 30 – 45 phút tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, yoga, đạp xe, bơi lội) 5 ngày/tuần.

Lưu ý: Bạn nên kiểm tra đường huyết trước, trong và sau tập thể dục. Nếu đường huyết > 250 mg/dl, bạn không nên tập thể dục và tới bệnh viện để kiểm tra ceton trong nước tiểu.

Điều chỉnh thuốc điều trị: Lượng đường trong máu cao có thể là tín hiệu cảnh báo thuốc hạ đường huyết bạn đang sử dụng giảm hiệu quả. Khi này bạn cần gặp bác sĩ để được điều chỉnh liều dùng, thời gian dùng hoặc loại thuốc. Đừng thay đổi thuốc trước khi được chỉ định, điều này có thể kiến bạn bị tăng hoặc hạ đường huyết quá mức.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/8-dau-hieu-canh-bao-duong-huyet-tang-vot-va-cach-xu-ly-tintuc823761