Gia đình

8 thói quen ăn cơm 'độc hại' của người Việt, hãy thay đổi ngay trước khi dạ dày, thực quản 'rước' đủ thứ bệnh

Cơm là món ăn phổ biến trong mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiên, việc ăn cơm tưởng chừng đơn giản này không phải ai cũng thực hiện đúng cách.

Cơm là một trong những thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng giúp tăng cường năng lượng hiệu quả. Ăn cơm hàng ngày còn giúp ngăn ngừa ung thư, phòng chống bệnh Alzheimer, kiểm soát huyết áp...

Tuy nhiên, nhiều thói quen ăn cơm sai cách có thể dẫn đến những nguy cơ cho sức khoẻ.

1. Ăn cơm nguội

Thói quen tận dụng cơm nguội của nhiều bà nội trợ, đặc biệt tại các quán cơm rang dễ gây bệnh bởi ăn phải cơm nguội để lâu quá nhiều ngày sẽ rất dễ đưa bệnh vào người.

8 thói quen ăn cơm 'độc hại' của người Việt, hãy thay đổi ngay trước khi dạ dày, thực quản 'rước' đủ thứ bệnh

Đặc biệt, kể cả khi cơm nguội không có dấu hiệu biến chất, chua, thiu hoặc đã được rang hoặc hâm nóng lại thì vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện điển hình là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi…

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, mọi người chỉ nên ăn cơm nóng hoặc cơm nóng vừa được để nguội. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24h, không ăn khi cơm có các dấu hiệu bất thường.

2. Vừa ăn cơm vừa uống nước

Vừa ăn cơm vừa uống nước lọc hay nhâm nhi một cốc nước có gas là thói quen của nhiều người, thế nhưng đây lại là một thói quen rất xấu.

Thói quen uống nước trong bữa ăn gây cản trở năng suất làm việc của hệ tiêu hóa. Cùng lúc tiêu thụ thực phẩm vừa có chất rắn lại có chất lỏng thì sẽ khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, gây hại cho dạ dày. Hơn nữa, trong các loại nước có ga thường chứa lượng lớn carbon dioxide gây áp lực, dẫn đến tình trạng đau dạ dày cấp.

Ngoài ra, vừa ăn cơm vừa uống nước còn gây loãng dịch tiêu hóa khiến dinh dưỡng có trong thực phẩm được cơ thể hấp thụ ít hơn.

3. Ăn cơm chan canh

Thói quen ăn cơm chan canh rất phổ biến trong bữa cơm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo đây là thói quen xấu.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng trong bữa cơm cần hạn chế dùng các loại nước canh hay nước lọc, nước ngọt.

Bởi khi ăn cơm dù uống bất kỳ loại nước nào cũng đều làm cho quy trình tiêu hóa bị ảnh hưởng vì nó làm tăng kích thích của dạ dày. Khi có quá nhiều chất lỏng và thức ăn trong dạ dày sẽ khiến cho quá trình tiêu hóa chậm lại.

8 thói quen ăn cơm 'độc hại' của người Việt, hãy thay đổi ngay trước khi dạ dày, thực quản 'rước' đủ thứ bệnh - 1

Việc ăn cơm chan canh, khiến cho thức ăn được nuốt nhanh hơn sẽ không được hấp thụ nước bọt đã tiêu hóa xuống dạ dày từ đó làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.

Khi thức ăn chưa được nghiền nát đang ở dạng cứng trước khi vào dạ dày dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày, dạ dày phải làm việc nhiều hơn, dễ đau hơn lâu dài sinh ra bệnh đau dạ dày có nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người nên ăn phải nhai kỹ và nên uống nước chan canh hay bất kỳ loại nước gì sau cùng.

4. Ăn quá nhiều cơm

TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm mà không hề biết rằng trong cơm chứa nhiều đường. Nếu ăn nhiều cơm sẽ khiến lượng đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống.

Ăn nhiều cơm bị tiểu đường sẽ gây biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người mắc đái tháo đường...

Vì vậy, mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn trung bình mỗi bữa 2 lưng bát cơm.

5. Ăn thức ăn trước, ăn cơm sau

Đây là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ, trẻ thường thích ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm và các bậc phụ huynh cũng đồng ý với điều đó để con ăn được nhiều thế nhưng cách ăn này lại gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe lâu dài của bé.

8 thói quen ăn cơm 'độc hại' của người Việt, hãy thay đổi ngay trước khi dạ dày, thực quản 'rước' đủ thứ bệnh - 2

Trẻ ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm dễ dẫn đến tình trạng chán cơm, thiếu tinh bột gây suy dinh dưỡng . Nguy hiểm hơn đó là khi ăn thức ăn trước chất đạm trong thức ăn sẽ chuyển ngay thành axit uric bám vào các khớp xương và hình thành nên bệnh Gout về lâu dài.

Chính vì thế các bậc phụ huynh hãy cho bé ăn cơm hợp lý, nên ăn cơm và thức ăn cùng nhau để việc hấp thu dinh dưỡng được tốt nhất.

6. Ăn cơm quá nhanh

Thói quen ăn cơm quá nhanh không chỉ khiến vị giác chưa kịp cảm nhận mà còn khiến cơm chưa được nghiền nát, khi xuống dạ dày mất nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa được thức ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày, vô tình làm tổn hại niêm mạc dạ dày.

Đồng thời, khi chúng ta ăn nhanh, nuốt vội sẽ khiến cơm và thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, gây chướng bụng sau ăn.

7. Ăn cơm, canh nóng

Người Việt rất thích ăn đồ nóng, đặc biệt trong bữa cơm luôn luôn phải có bát cơm sốt dẻo, bát canh nóng. Trong những ngày mùa đông lạnh giá, các món lẩu, nướng lại càng được ưa chuộng hơn. Thói quen ăn uống này tuy rất ngon miệng nhưng lại có thể đẩy chúng ta đến bờ vực của bệnh ung thư!

Nghiên cứu cho thấy, thực phẩm nóng vượt quá 60 độ C sẽ gây hại niêm mạc thực quản. Đồ ăn nóng vượt quá 70 độ sẽ gây tổn thương trực tiếp đến thực quản và dạ dày. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn thức ăn có nhiệt độ cao trong 25 ngày liên tục có thể dẫn đến tăng sản biểu mô thực quản, còn được gọi là tổn thương tiền ung thư.

Vì vậy, nhiệt độ thức ăn chỉ nên duy trì ở mức 35-40 độ C, tốt nhất là không quá 45 độ C, tức là khi ăn có thể hơi ấm.

8 thói quen ăn cơm 'độc hại' của người Việt, hãy thay đổi ngay trước khi dạ dày, thực quản 'rước' đủ thứ bệnh - 3

8. Dùng chung bát, đũa, thìa của nhau để ăn cơm

Ngay cả người thân trong gia đình cũng không nên dùng chung bát, đũa, thìa của nhau để ăn cơm bởi trong khoang miệng chúng ta có chứa vô vàn loại vi khuẩn có thể gây bệnh. Trong đó, phổ biến nhất chính là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

HP là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày- tá tràng và ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống, dẫn đến nhiều người trong gia đình đều bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần.

Trong trường hợp bình thường thì vi khuẩn HP không gây hại nhưng đối với những người bị viêm loét dạ dày thì vi khuẩn HP có thể gây ra tình trạng loét nặng hơn, lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/8-thoi-quen-an-com-oc-hai-cua-nguoi-viet-hay-thay-oi-ngay-truoc-khi-da-day-thuc-quan-ruoc-u-thu-benh-a360465.html