Gia đình

57% người Việt ăn thiếu rau, thừa muối và bia rượu

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bữa ăn của người Việt thiếu cân đối, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em.

57% người Việt ăn thiếu rau, thừa muối và bia rượu
Bữa ăn của người Việt nhiều chất đạm, tinh bột, muối nhưng ít rau xanh. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bữa ăn đủ món nhưng thiếu chất

Tại Hội nghị công bố báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019, khung hành động cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và thực hành cho trẻ ăn bổ sung ở Việt Nam được Bộ Y tế phối hợp với UNICEP tổ chức tại Hà Nội, ngày 16.10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng về thói quen ăn uống bất hợp lý của người Việt: Hiện có tới 57% người Việt Nam ăn thiếu rau, thừa muối, thừa bia rượu… chưa kể là thiếu vi chất (vitamin, I ốt,…). Đối với trẻ em Việt Nam, tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng đang cao hơn trung bình nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực: 25% trẻ em Việt Nam bị thấp còi do suy dinh dưỡng, thậm chí con số này ở vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên lên tới 30%, trong khi đó ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương chỉ là 8%. Mấy chục năm qua, chiều cao của người Việt mới chỉ cải thiện được vài cm…

Theo UNICEF, ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ nhỏ đang chịu nhiều gánh nặng về suy dinh dưỡng. Cụ thể là, hiện có tới 10,3% phụ nữ bị nhẹ cân; 23,9% có tầm vóc thấp bé; 25,5% thiếu máu; 9,8% chị em bị thừa cân hoặc béo phì. Còn đối với trẻ em, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi tăng cao nhanh chóng khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi. Do lúc này sữa mẹ không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin, khoáng chất. Trong khi đó việc cho trẻ ăn bổ sung lại không được chú ý đầy đủ hoặc thực hiện không hợp lý,… kết quả là có tới 23,85% trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi bị thấp còi; 5,8% gầy còm; 28% thiếu máu; 5,9,% trẻ bị thừa cân…

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt như thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin A là vấn đề cần được giải quyết.

Cụ thể, theo điều tra những năm gần đây của Viện Dinh dưỡng, tỉ lệ thiếu máu trung bình ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỉ lệ này ở khu vực miền núi là 31,2%, nông thôn là 28,4% và ở thành thị là 22,2%.

Trao đổi với chúng tôi, Ths.Bs Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc thiếu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng còn là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới suy dinh dưỡng thấp còi, chậm phát triển chiều cao khi trưởng thành.

Theo các chuyên gia, không ít học sinh, thậm chí người trưởng thành tại các đô thị lớn vẫn thiếu vitamin A, thiếu i-ốt cũng như nhiều loại vi chất khác. Trong khi đó, tình trạng thừa cân béo phì lại diễn ra quá phổ biến và có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Trẻ mầm non nói chung chỉ đạt 2/3 nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị; trẻ ở độ tuổi 6-11 không đạt nhu cầu khuyến nghị. Ngoài ra, có nhiều trường hợp trẻ em ở cả nông thôn và thành phố thiếu canxi hoặc có tỉ lệ canxi/phốt-pho chưa hợp lý.

Còn TS, BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết: Nếu so sánh với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... thì bữa ăn học đường ở Việt Nam cần tăng thêm khẩu phần rau xanh, trái cây, tiến tới hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối.

57% người Việt ăn thiếu rau, thừa muối và bia rượu - 1
Thiếu vi chất dinh dưỡng do bữa ăn mất cân đối. Ảnh: P.V

Giai đoạn đầu đời, trẻ em đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu

Số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ đang tăng cao một cách đáng báo động. Đây là cảnh báo UNICEF đưa ra trong một báo cáo toàn cầu mới về trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng.

Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2019 đã đánh giá một cách toàn diện về tình hình suy dinh dưỡng trẻ em thế kỷ 21 ở ba dạng thức suy dinh dưỡng: Thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, và thừa cân. Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2017: 24% trẻ em dưới năm tuổi thấp còi; 6% trẻ em dưới năm tuổi gầy còm; 6% trẻ em dưới năm tuổi thừa cân; Hơn 50% trẻ em dưới năm tuổi bị đói tiềm ẩn.

Báo cáo cảnh báo rằng, thói quen ăn uống và việc cho trẻ ăn thực phẩm kém dinh dưỡng đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới ra đời. Ngay từ giai đoạn đầu đời, nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu. Chế độ ăn không đầy đủ của bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thừa cân khi mang thai và con của họ có nguy cơ bị nhẹ cân sơ sinh. Hơn nữa, chế độ ăn không đầy đủ trong giai đoạn trẻ ăn bổ sung, khi trẻ được 6 tháng đến 2 tuổi - được cho ăn những thức ăn đầu tiên, thường rất phổ biến ở Việt Nam.

Cần thay đổi thói quen ăn uống của người Việt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải giảm bằng được các chỉ số yếu kém về dinh dưỡng trên xuống. Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về dinh dưỡng, dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng phải có cách làm gần gũi, dễ hiểu để người dân dễ tiếp thu và thay đổi những hành vi bất hợp lý của mình.

* Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một trong sáu mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22.2.2012. Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố then chốt đối với sự tăng trưởng và khả năng kiểm soát sức khỏe, bệnh tật.

Theo Hương Giang (Lao Động)