Gia đình

5 thói quen khi ngủ dễ gây ung thư và khó chữa trị

5 thói quen tưởng chừng vô hại này lại là căn nguyên của rất nhiều căn bệnh ung thư phổ biến hiện nay.

1. Thói quen sử dụng đèn ngủ

Các chuyên gia người Anh cảnh báo chúng ta nên làm quen với bóng tối thay vì sử dụng đèn ngủ. Việc tránh xa các nguồn sáng khi ngủ giúp cơ thể ngăn chặn nguy cơ rối lọan đồng hồ sinh học. Đồng thời các chuyên gia cũng nhấn mạnh tác dụng của việc tránh xa ánh sáng đèn ngủ giúp điều hòa cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tiểu đường, trầm cảm và béo phì.

Cụ thể khi nghỉ ngơi dưới ánh sáng, lượng melatonin được tiết ra giảm tới 73,5% so với việc ngủ trong bóng tối. Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ức chế hoàn toàn lượng hormone có lợi của cơ thể.

Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng rối loạn đồng hồ sinh học khiến cơ thể không thể sản sinh hormone melatonin, loại hormone giúp kìm hãm khối u vú phát triển. Theo đó, nữ công nhân làm việc về đêm có nguy cơ ung thư vú khá cao, trong khi đó nhóm những công nhân làm thêm giờ vào ban đêm cũng có nguy cơ mắc các bệnh về tuyến tiền liệt và dạ dày.

Chuyên gia nghiên cứu về bệnh ung thư vú kiêm giảng viên trường ĐH Connecticut, tiến sỹ Richard Stevens cho rằng chúng ta nên "đánh giá cao" bóng tối, thậm chí nên sử dụng các loại bóng đèn công suất thấp vào buổi tối để giúp bộ não và cơ thể luôn sẵn sàng đi vào giấc ngủ.

5 thói quen khi ngủ dễ gây ung thư và khó chữa trị

2. Ngủ ngáy

Ngáy to có liên quan mật thiết đến việc ngưng thở khi ngủ. Trong khi đó, tình trạng ngừng cung cấp oxy cho cơ thể dù không gây tử vong tức thời nhưng sẽ làm giảm mức độ oxy trong máu; góp phần thúc đẩy sự phát triển của các mạch máu nuôi dưỡng khối u phát triển nhanh hơn so với thông thường. Đồng thời, nó cũng làm tăng khả năng cho các tế bào ung thư di căn đến các bộ phận khác.

Giới chuyên môn cũng khẳng định,người ngủ ngáy có khả năng đối diện với nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn năm lần so với người thực hiện hô hấp dễ dàng khi ngủ.

Để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn cố gắng tránh nằm ngửa bởi tư thế này hàm dưới trễ xuống, khiến miệng há ra và dễ ngáy hơn. Thay vào đó, tư thế nằm nghiêng sẽ giúp bạn đáng kể. khi đã thay đổi nhưng tình trạng không thuyên giảm thì bạn nên đi khám sức khỏe để tìm ra chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.

3. Thiếu ngủ

Một cuộc nghiên cứu năm 2008 được đăng trên chuyên san British Journal of Cancer cho thấy phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm dễ mắc bệnh ung thư vú. Một cuộc nghiên cứu khác năm 2010 đăng trên cùng chuyên san cho thấy người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm dễ bị bướu đại trực tràng vốn có thể dẫn đến ung thư ruột kết. Việc thiếu ngủ đã được chứng minh làm tăng mức độ viêm sưng trong cơ thể và can thiệp vào các phản ứng miễn dịch, cả hai đều liên quan đến bệnh ung thư.

5 thói quen khi ngủ dễ gây ung thư và khó chữa trị - 1

Ông Henry Scowcroft, Trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư của Anh cho rằng, việc mất ngủ và làm việc đêm quá ức có tác động không nhỏ tới khả năng phòng chống ung thư vú. Các nghiên cứu mới nhất ở Anh cũng chỉ ra rằng, việc ngủ 9 tiếng mỗi ngày còn làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu ngủ khiến lượng melatonin bị giảm đáng kể khiến cơ thể người bệnh không được bảo vệ tốt như ở đối tượng được ngủ đủ giấc.

4. Bật đèn quá sáng khi đi vệ sinh

Các nhà nghiên cứu ở Anh và Israel thấy rằng, bật đèn vào ban đêm dễ gây ra những xáo trộn ở tế bào và sự thay đổi này giống như cơ chế hình thành tế bào ung thư ở cơ thể.

Một khảo sát với hơn 450 nghìn người được đăng trên tạp chí Cancer của Mỹ, việc bật đèn khi ngủ làm tăng 55% nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Trong đó phổ biến nhất là ung thư biểu mô nhú, phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nhiều lần so với nam giới.

Trong khi đó, tạp chí Environmental Health Perspectives của Mỹ đăng tải một khảo sát được thực hiện từ năm 1989 đến năm 2013 với sự tham gia của gần 110 nghìn tình nguyện viên cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nữ giới lên đến 14%.

Thực tế, ngủ dưới ánh đèn vào ban đêm làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ bị viêm nhiễm của cơ thể. Hai điều này đều là những yếu tố khởi phát dẫn đến sự xuất hiện của các khối u ác tính.

Nhằm bảo vệ mình tối ưu, bạn không nên bật đèn khi đi ngủ hay lựa chọn các vật dụng phát ra luồng sáng quá mạnh. Thay vào đó, bạn nên sắm những chiếc đèn có ánh sáng nhẹ để bố trí trong toilet.

5 thói quen khi ngủ dễ gây ung thư và khó chữa trị - 2

5. Thức khuya

Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thức khuya thường xuyên là nguyên nhân hình thành bệnh ung thư vú.

Thức khuya thường xuyên đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tiếp xúc nhiều với ánh sáng vào ban đêm. Ánh sáng điện ban đêm chính là nguyên nhân làm ức chế quá trình sản xuất hormone melatonin – đây là loại hoocmon được sản xuất bởi tuyến tùng trong não, sản sinh khi ngủ trong bóng tối thường là 11h đêm – 4h sáng. Hoocmon melatonin có chức năng điều khiển chu kỳ giấc ngủ đồng thời giúp ngăn chặn hình thành các khối u. Khi hàm lượng melatonin thấp sẽ tạo cơ hội cho khối u phát triển. Việc thức khuya làm đêm sẽ phá vỡ "đồng hồ sinh học" và ngăn cản quá trình sản xuất hormone tự nhiên của cơ thể là mầm mống cho sự phát triển các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông thường thức khuya cao gấp 2 lần so với những người bình thường khác.

Thực vậy, thức khuya thường xuyên làm thay đổi đồng hồ sinh học của các tế bào trong cơ thể. Ngủ muộn làm cản trở cơ chế tuyến tùng tiết ra hormon melatonin giúp năng ngăn chặn quá trình phát triển, tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể.

Theo Đậu Đậu (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/5-thoi-quen-khi-ngu-de-gay-ung-thu-va-kho-chua-tri-161210911180253052.htm