Gia đình

30 phút vàng cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng

Quy trình báo động đỏ trong bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân trong vòng 30 phút. Đây là một khoảng thời gian cực ngắn để xử lý đột quỵ.

Chiều 17/12, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ nặng trong vòng 30 phút.

30 phút vàng cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng
Các bác sĩ kể về hành trình giành lại sự sống cho bệnh nhân bị đột quỵ. Ảnh: Kim Vân

Bệnh nhân là bà Trần Kim Chi (64 tuổi, ngụ Tân Phú, TP HCM) vào viện lúc 16 giờ 15 phút ngày 11/12 trong tình trạng liệt nửa người phải, méo miệng, lơ mơ. Trước đó, bệnh nhân có bệnh lý rung nhĩ, đái tháo đường, nhồi máu não cũ.

Ngay sau tiếp nhận bệnh nhân, quy trình báo động đỏ bệnh viện Chợ Rẫy được kích hoạt, dưới sự phối hợp của các chuyên khoa: Cấp cứu, Nội thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh... ê kíp can thiệp đã được kích hoạt để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân nhanh nhất.

Sau khi chụp CT không thuốc và CT mạch máu, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh chóng tại khoa Cấp cứu. Nhận định nếu bệnh nhân không được can thiệp và điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong lên 80%, các bác sĩ đã quyết định can thiệp lấy huyết khối cơ học. Từ lúc đặt sheath vào bệnh nhân lúc 17 giờ 35 phút, sau đó tái thông vào lúc 18 giờ, các bác sĩ đã kết thúc thủ thuật vào lúc 18 giờ 05 phút. Tất cả quá trình cứu sống bệnh nhân chỉ trong vòng 30 phút. Đây là một khoảng thời gian cực ngắn để xử lý đột quỵ.

Hiện tại sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhân diễn tiến tốt. Bà Trần Kim Chi đã hồi phục, tri giác tỉnh, tiếp xúc tốt, trả lời chính xác các câu hỏi của mọi người, sức cơ bên liệt đã hồi phục tốt, cải thiện tay, đi lại được.

30 phút vàng cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng - 1
TS.BS Trần Xuân Trường - Trưởng khoa Nội tổng quát đến thăm hỏi bệnh nhân sau khi hồi phục. Ảnh: Kim Vân

Theo TS.BS Trần Xuân Trường - Trưởng khoa Nội tổng quát (Bệnh viện Chợ Rẫy) thì : Đa số bệnh nhân bị tai biến, đột quỵ có tiền sử bị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim và rung nhĩ. Do đó phải hướng dẫn bệnh nhân thuốc men đầy đủ và khám thường xuyên bác sĩ y khoa.

Cũng theo TS.BS Trần Xuân Trường: "Khả năng phục hồi của một bệnh nhân phụ thuộc vào vị trí bị tổn thương, diện tổn thương bị ảnh hưởng tới. Thứ hai là phụ thuộc vào thời gian can thiệp bởi mỗi phút sản sinh 2 triệu tế bào, nếu chúng ta càng làm chậm thì tế bào chết. Trong giai đoạn "tranh sáng tranh tối" thì còn có khả năng phục hồi trong vòng 6 tháng đến 1 năm, nếu mà để tế bào chết thì không thể can thiệp được tiếp".

Khi có những triệu chứng như ngất thoáng qua, hoa mắt, chóng mặt, tê rần tay chân, đặc biệt diễn ra ở người cao huyết áp, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời, thời gian tốt nhất là trước 6 giờ kể từ khi có triệu chứng, tức là bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%. Đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong thứ ba mà còn gây tàn phế hàng đầu cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/30-phut-vang-cuu-song-benh-nhan-dot-quy-nang-20191217094159981.htm