Gia đình

2 mẹ con nhập viện cấp cứu vì tự ý mua thuốc điều trị cúm A: Bác sĩ cảnh báo điều vô cùng nguy hiểm

Tùy tiện sử dụng thuốc khi mắc cúm A có thể khiến bệnh trở nặng hoặc biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ cảnh báo.

Theo Infonet đưa tin, mẹ con chị Phạm Thị Hoa (34 tuổi, Hà Nội) vừa được ra viện sau khi điều trị cúm A. Chị Hoa cho rằng đây là lần ốm “nhớ đời”.

Hai mẹ con chị phải nhập viện trong đêm vì tình trạng sốt cao sau nhiều ngày tự điều trị bằng thuốc cảm cúm tại nhà mà không khỏi.

Chị cho biết thêm, ngày 12/7, có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu, chị nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa nên đã tự điều trị bằng thuốc cúm. Nhưng sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm mà còn có thêm triệu chứng ho có đờm, chảy nước mũi liên tục. Đến ngày thứ 7, chị sốt hơn 39 độ, người mất sức nhiều nên lập tức trong đêm đến viện khám. Sau khi test, chị có kết quả dương tính với cúm A và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị.

Trước tình trạng dịch bệnh bùng phát diện rộng, người dân đến các bệnh viện khám đều chật kín, khiến những người sẵn mang trong mình sự khó chịu của bệnh tật như chị Hoa càng cảm thấy mệt mỏi bội phần.

“Để được lấy mẫu xét nghiệm, tôi phải xếp hàng cả nửa tiếng đồng mới đến lượt xét nghiệm”, chị Hoa cho hay.

2 mẹ con nhập viện cấp cứu vì tự ý mua thuốc điều trị cúm A: Bác sĩ cảnh báo điều vô cùng nguy hiểm
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sức khỏe của chị chưa kịp bình phục thì sau 1 ngày chị nhập viện, bé N.M.K (14 tháng tuổi) là con chị Hoa ở nhà cũng có biểu hiện sốt, ho, nôn trớ… Lo lắng bé lây cúm A từ mẹ, cùng tình trạng li bì kéo dài, gia đình lập tức đưa bé vào viện khám. Kết quả xét nghiệm dương tính cúm A nên bệnh viện có chỉ định nhập viện gấp.

Bé K. còn nhỏ, cả ngày chỉ bám mẹ nên được bệnh viện ưu tiên cho hai mẹ con ở cùng phòng. Trong hơn một tuần hai mẹ con nằm viện chăm nhau, đã có những lúc chị Hoa cảm thấy vô cùng mệt mỏi, rã rời.

Những ngày đầu, khi cả hai mẹ con có những triệu chứng nặng, em bé K. bám mẹ, quấy khóc cả ngày, chị luôn trong tình trạng tay vừa cắm truyền, vừa bế con. Có những lúc mẹ truyền trước, con truyền sau.

“Tôi mệt đến phát khóc, cơ thể đau nhức, khó thở, tôi nghĩ mình kiệt sức rồi nhưng vẫn cố gắng vì con”, chị Hoa không giấu được cảm xúc khi chia sẻ.

Sau hai tuần điều trị, may mắn sức khỏe của hai mẹ con chị Hoa đã ổn định và được xuất viện về nhà.

Chia sẻ về trường hợp trên với Phụ Nữ Việt Nam, Ths.BS Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Medlatec) cho biết, việc tự ý dùng thuốc khi không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh như trường hợp bệnh nhân trên là rất nguy hiểm, có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bác sĩ cảnh báo thêm, ngay cả khi xác định được nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cũng phải điều trị theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

"Ví dụ như khi bệnh nhân được xác định mắc cúm A, không phải trường hợp nào cũng dùng thuốc kháng virus, mà cần phải dựa trên dấu hiệu, triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể", bác sĩ Tùng chia sẻ. Sau hai tuần điều trị, tình trạng của hai mẹ con chị Hoa đã có chuyển biến tích cực và vừa được ra viện.

Đối với cúm A, bác sĩ Tùng cho rằng triệu chứng đặc hiệu là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, viêm họng, chảy nước mũi… nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì thế, để có chẩn đoán chính xác nhất thì phải thông qua xét nghiệm. Sau khi có chẩn đoán bác sĩ sẽ tùy vào tình hình thực tế của người bệnh để có chỉ định điều trị.

2 mẹ con nhập viện cấp cứu vì tự ý mua thuốc điều trị cúm A: Bác sĩ cảnh báo điều vô cùng nguy hiểm - 1
Việc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm. Ảnh minh họa: Internet

Theo BS Tùng, để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, người bệnh những lưu ý sau:

Xét nghiệm chẩn đoán cúm: Là chỉ số đầu tay và bắt buộc để chẩn đoán chính xác có mắc cúm hay không. Việc này có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân. Hiện nay việc chẩn đoán bệnh cúm diễn ra rất thuận lợi, dễ dàng bằng các chỉ số xét nghiệm. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh cúm người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu của cúm như ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể; thì sau sốt 24h là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không.

Tuân thủ hướng dẫn, kê đơn: Cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo đơn bác sĩ hướng dẫn.

Thời gian khỏi bệnh: Người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1 - 2 tuần.

Chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt: Bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể); Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà); Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...); Ăn các loại rau củ quả; Thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi).

Lưu ý, khi có chẩn đoán cúm A, người bệnh cần tránh đến nơi đông người để hạn chế lây lan ra cộng đồng.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/2-me-con-nhap-vien-cap-cuu-vi-tu-y-mua-thuoc-dieu-tri-cum-a-bac-si-canh-bao-dieu-vo-cung-nguy-hiem-tintuc834329