Gia đình

Vì sao uống rượu có methanol có thể gây mù mắt?

Sau 2 tuần điều trị tại BV Bạch Mai do ngộ độc rượu có methanol ở mức độ nặng (nồng độ methanol trong máu lên tới 77mg/dl, trong khi thông thường ở ngưỡng 20mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh), 2 mắt của anh M. một giáo viên người nước ngoài vẫn chưa có phản xạ với ánh sáng, ngay cả khi soi thẳng đèn pin vào mắt.

Sau 2 tuần điều trị tại BV Bạch Mai do ngộ độc rượu có methanol ở mức độ nặng (nồng độ methanol trong máu lên tới 77mg/dl, trong khi thông thường ở ngưỡng 20mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh), 2 mắt của anh M. một giáo viên người nước ngoài vẫn chưa có phản xạ với ánh sáng, ngay cả khi soi thẳng đèn pin vào mắt.
 
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, Hà Nội

Trước đó, ngày 3/3 vừa qua trong bữa cơm tối, anh M (33 tuổi) là giáo viên tiếng Anh, hiện đang sống tại phố Pháo Đài Láng- Quận Đống Đa, Hà Nội, có uống một chút rượu trắng mua trên phố Pháo Đài Láng.

Đến ngày 5/3, anh M. thấy mắt hơi mờ và khó chịu, ngoài ra không có biểu hiện gì thêm. Sau đó 1 ngày, tình trạng mờ tăng lên, anh được vợ đưa vào Bệnh viện Mắt TƯ khám, cho uống thuốc nhưng không đỡ. Ngày 7/3, khi thấy chồng có biểu hiện đau bụng, vợ anh đã đưa chồng mình vào BV Bạch Mai cấp cứu.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, anh M. được xác định ngộ độc methanol  (cồn công nghiệp) mức độ nặng. Nồng độ methanol trong máu lên tới 77mg/dl, trong khi thông thường ở ngưỡng 20mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh. Hơn một tuần nay, anh M. được chuyển sang khoa Mắt để tiếp tục điều trị và theo dõi. Theo lời người nhà anh M, hiện 2 mắt của anh M. vẫn chưa có phản xạ với ánh sáng, ngay cả khi soi thẳng đèn pin vào mắt.

 Theo Th.s - BS Lương Quốc Chính, Khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chỉ cần 10ml methanol trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống 1ml dung dịch 100% là methanol. Ngoài ra bạn có thể bị mù, ngộ độc dẫn tới tử vong nếu uống và đưa chỉ 30 ml dung dịch nồng độ 40% methanol vào cơ thể!

Đối với mắt khi bị ngộ độc methanol lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...).

Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.

Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25ml/kg đã gây mù mắt và 0,5ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%). Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.

Theo Quảng An (Tiền Phong)