Gia đình

Dội nước đá để cứu người bị bỏng vụ nổ bốt điện có đúng cách?

"Sử dụng nước lã dội lên người nạn nhân là tốt nhất, trong trường hợp không có nước lã thì có thể sử dụng nước đá lạnh đã chảy ra nhưng không được quá lâu".

Trước đoạn clip người dân dùng nước đá dội lên người nạn nhân bị bỏng để sơ cứu, PGS Lê Năm, Nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết: "Sử dụng nước lã dội lên người nạn nhân là tốt nhất, trong trường hợp không có nước lã thì có thể sử dụng nước đá lạnh đã chảy ra nhưng không được quá lâu".

Theo đó, nạn nhân bị cháy lột hết da là ông Vũ Đình Thái (63 tuổi, tên thường gọi là Leng), người đàn ông ngồi trên xe lăn phụ vợ là bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi) bán nước thì bị nổ bốt điện. Sáng ngày (18/11) do bỏng quá nặng ông Thái đã tử vong.

Dội nước đá để cứu người bị bỏng vụ nổ bốt điện có đúng cách? - Ảnh 1.
Hình ảnh ông Thái bị bỏng được người dân dội nước lên người.

Tuy nhiên, việc sơ cứu bỏng bằng cách dội nước đá đã gây tranh cãi cộng đồng. Có người cho rằng dội nước đá sẽ làm hạ nhiệt cơ thể nạn nhân bị bỏng, có người cho rằng phương pháp trên không đúng cách.

Chiều 18/11, trao đổi với chúng tôi, PGS Lê Năm, Nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, các nạn nhân trong vụ nổ trạm biến áp thường bị bỏng nhiệt, không phải bỏng điện. Với trường hợp này, nếu xử lý nhanh, tốt, vết thương của nạn nhân sẽ nông, không nguy hiểm tới tính mạng như bỏng điện. Còn bỏng do điện giật nguy hiểm hơn rất nhiều bởi dòng điện sẽ tàn phá cơ thể, phá hủy các tổ chức gây bỏng sâu, di chứng nặng.

"Sau khi bỏng, ngay lập tức ngâm vết bỏng vào nước lã trong vòng 20 - 30 phút là tốt nhất. Trong trường hợp không có nước lã (lạnh) mà có nước đá đã chảy ra dội vào cũng được tuy nhiên chỉ dội trong thời gian ngắn vì nước đá lạnh có thể làm hạ nhiệt vết bỏng nhưng nếu ngâm quá lâu sẽ bị bỏng lạnh", PGS Lê Năm nói.

Dội nước đá để cứu người bị bỏng vụ nổ bốt điện có đúng cách? - Ảnh 2.
Hiện trường vụ cháy nổ bốt điện.

Theo PGS Lê Năm, việc dùng ngay nước sạch dội lên vết thương sẽ có tác dụng hạ nhiệt giúp vết thương đỡ sâu hơn. Bỏng nông sẽ dễ điều trị hồi phục hơn. Việc này phải được thực hiện sớm khi gặp nạn, nếu để lâu, việc sơ cứu này không còn tác dụng. Ông cũng cho biết, tuyệt đối không dùng các biện pháp dân gian như nước mắm, kem đánh răng, mỡ... bôi lên vết bỏng. Thực tế đã ghi nhận nhiều ca nhiễm trùng do cách sơ cứu sai lầm này. Sau khi sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để các bác sĩ xử lý.

Cũng theo ông Năm, có khoảng 3.500-4.000 bệnh nhân bỏng nặng, hoặc rất nặng vào điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia mỗi năm, trong đó có nhiều ca bỏng do cháy nổ trạm biến áp.

Trước đó, vào khoảng gần 15h ngày 17/11 tại phố Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) khiến 1 người chết, 4 người bị thương phải nhập viện cấp cứu. 

Danh tính các nạn nhân được xác định: Vũ Đình Thái (63 tuổi, tên thường gọi là Leng) đã tử vong vào sáng ngày 18/11; Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi, trú tại số 49 Lê Lợi, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông bị bỏng 80%); Đinh Ngọc Long (47 tuổi, trú tại số 73 Lê Lợi, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông bị bỏng 80 %); Nguyễn Mạnh Cường (38 tuổi, trú tại số 24 Lê Lợi, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông bị bỏng 12%); Nguyễn Đắc Sơn (33 tuổi, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội bị bỏng 12%).

Theo Định Nguyễn (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)