Gia đình

Căn bệnh ung thư chỉ có 4/100 người sống trên 5 năm: Cảnh báo từ cơn đau bụng

Theo các chuyên gia, ung thư tụy là 1 trong những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Các thống kê của Mỹ chỉ ra rằng, chỉ có 4/100 bệnh nhân mắc bệnh này sống được trên 5 năm.

Theo các chuyên gia, ung thư tụy là 1 trong những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Các thống kê của Mỹ chỉ ra rằng, chỉ có 4/100 bệnh nhân mắc bệnh này sống được trên 5 năm.

Căn bệnh ung thư chỉ có 4/100 người sống trên 5 năm: Cảnh báo từ cơn đau bụng

Cảnh báo từ cơn đau bụng

Ông Nguyễn Văn H. 52 tuổi, trú tại Kiến Xương, Thái Bình mắc phải ung thư tuỵ. Ông H. đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tái khám và điều trị giảm đau. Ông H. kể ông bị đau bụng từ hồi tháng 8/2016, bụng cứ lâm râm đau có lúc đau nhói. Ông không đi khám mà cố chịu đựng. Một phần vì chủ quan nghĩ cơn đau dạ dày, một phần vì ngại phiền con cái.

Vợ ông thấy chồng đau bụng bà lại đi cắt thuốc lá về cho ông uống nhưng không đỡ. Ông H. ngày càng đau bụng hơn. Đến khi đau quá, người quen giục đi khám ông lên thẳng Bệnh viện Việt Đức khám. Kết quả kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán ung thư tuỵ.

"Bản án" ung thư tuỵ khiến ông H và gia đình vô cùng hoang mang. Ông H. lo lắng vì con cái còn chưa trưởng thành. Chỉ đến khi biết bệnh khát vọng sống của ông thôi thúc. Ông H kể: "Tôi gặp cả bác sĩ trưởng khoa chỉ để hỏi rằng bệnh của tôi có cứu được không nếu được tôi sẽ bán hết tài sản để chữa bệnh. Lúc ấy, bác sĩ cũng lắc đầu và nói chỉ theo dõi".

Sau cái lắc đầu của bác sĩ, ông H. cố gắng bước vào cuộc chiến như một chiến binh kiên cường. Ông được điều trị hoá trị và tia xạ trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Sau đó, ông H được mổ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do các chuyên gia hàng đầu phẫu thuật. Sau phẫu thuật 2 tuần, ông H. được về quê tĩnh dưỡng và điều trị chăm sóc giảm đau sau phẫu thuật.

Trường hợp của Nguyễn Thị Hồng – sinh năm 1986 trú tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vẫn khỏe mạnh sau gần 7 năm điều trị khỏi bệnh ung thư đầu tụy. Đến nay, Hồng có thể bưng bê được đồ vật nặng.

Chị kể, vào năm 2010, khi vừa sinh đứa con gái thứ hai được 1 tháng, chị thấy bụng mình hay đau. Hồng nghĩ chắc do sót nhau thai nên cô chủ quan. Vài ngày sau, tình trạng đau không dứt. Hồng đi xe máy một mình lên bệnh viện huyện Cần Giuộc làm siêu âm. Tại đây, các bác sĩ cho biết Hồng bị một khối u ở đầu tụy. Chụp CT kích thước khối u lên tới 8 – 8,5 cm.

Khi nghe bệnh, Hồng và cả gia đình hoang mang nhưng chị vẫn giữ quyết định không làm phẫu thuật. Lúc đó, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật gấp để tránh di căn nhưng khối u to, Hồng sợ mình sẽ tử vong trên bàn mổ nên không phẫu thuật mà điều trị theo phác đồ để "vôi hoá" khối u rồi mới phẫu thuật.

Đến nay, Hồng vẫn sống khoẻ sau điều trị ung thư tuỵ. Các bác sĩ cho rằng trường hợp của chị thành công chỉ là 1 trong số ít hiếm hoi bệnh nhân bị u ác tính tuỵ mà vẫn có cơ hội điều trị.

3 dấu hiệu cần nhớ

Theo TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt, ung thư tuyến tụy là căn bệnh nguy hiểm vì khó phát hiện sớm.

Các yếu tố gây ung thư tuỵ như hút thuốc, viêm tuỵ mãn tính, tiểu đường, gia đình có người bị ung thư tuỵ.

Căn bệnh ung thư chỉ có 4/100 người sống trên 5 năm: Cảnh báo từ cơn đau bụng - Ảnh 1.

TS BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Tuyến tụy nằm gần với gan và chung với túi mật. Vị trí này khó phát hiện khối u và khi có u hầu như không có biểu hiện gì. Bệnh nhân khó phát hiện đa số khi có biểu hiện đau, vàng da, tắc mật thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Chính vì thế, ung thư tuyến tuỵ được xếp vào danh sách các ung thư nguy hiểm nhất. Việc phát hiện sớm là điều quan trọng nhất trong điều trị ung thư tuỵ. TS Chân chỉ ra các dấu hiệu:

Vàng da: Vàng da cũng là một triệu chứng cảnh báo ung thư tuỵ. Theo bác sĩ khi có tế bào ung thư khiến cho gan không thể bài tiết bilirubin dẫn tới hiện tượng vàng da, nước tiểu có màu sẫm, một số trường hợp kèm theo ngứa da.

Đau bụng: Những cơn đau bụng của bệnh nhân thường là âm ỉ chứ không phải những cơn đau dữ dội. Đặc biệt, những cơn đau thường có xu hướng đẩy ra phía sau lưng.

Phân lỏng, có mùi: Những khối u tuyến tụy sẽ chặn đường đi của các enzym tiêu hóa đến ruột. Chính vì vậy, người bệnh gặp phải tình trạng phân lỏng, có mùi của các chất béo dư thừa.

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau đối với bệnh ung thư tuyến tụy, bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để điều trị bệnh ung thư trong khi xạ trị sử dụng tia X-quang hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư. phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ một khối u hoặc để điều trị các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy.

Theo Ngọc Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)