Gia đình

8 điều chưa biết về nhiệt độ cơ thể

Bạn vẫn nghĩ nhiệt độ trung bình cơ thể mình là 37 độ C. Đầu bạn dường như bốc hỏa mỗi khi nóng giận…, nhưng thực tế, còn rất nhiều điều bạn chưa biết về thân nhiệt của mình.

Bạn vẫn nghĩ nhiệt độ trung bình cơ thể mình là 37 độ C. Đầu bạn dường như bốc hỏa mỗi khi nóng giận…, nhưng thực tế, còn rất nhiều điều bạn chưa biết về thân nhiệt của mình.
Phụ nữ luôn có thân nhiệt thấp hơn nam giới

Thông thường, nam giới có nhiều cơ bắp, ít mỡ còn phụ nữ có nhiều mỡ, ít cơ bắp. Trong quá trình cơ bắp sử dụng chất béo và carbohydrate để oxy hóa sẽ khiến cơ thể tiêu hao lượng calo lớn làm tản nhiệt cơ thể, do đó, quá trình trao đổi chất của  nam diễn ra nhanh khiến lượng nhiệt tản ra nhiều làm cho cơ thể ấm áp hơn. Một yếu tố quan trọng không kém là nhiệt độ cơ thể nữ giới chịu ảnh hưởng của hormon estrogen. Đến chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen rất cao, mạch máu giãn ra, tuần hoàn máu đến cơ thể làm tăng nhiệt độ toàn thân nhưng hết chu kỳ, lượng estrogen giảm, mạch máu co lại, tuần hoàn máu giảm, tay chân dễ lạnh.
 
Nhiệt độ cơ thể của bạn không phải là 37 độ C

37 độ C là con số chuẩn vàng đến từ các phép đo trên hàng ngàn bệnh nhân được tính bởi BS người Đức Carl Reinhol August Wunderlich tiến hành trong các nghiên cứu ở thế kỷ 19. Ngày nay, sử dụng các nhiệt kế chính xác, các nhà nghiên cứu từ Đại học Maryland đã chứng minh con số đó chỉ là tương đối và cho thấy nhiệt độ cơ thể trung bình là 36,77 độ C, tương đương với 98,2 độ F. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm trong ngày, thân nhiệt cũng có sự thay đổi, không nhất định là 36,77 độ C. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ cơ thể dao động khoảng 36,44 độ C vào 6 giờ sáng tới 36,84 độ C lúc 6 giờ tối. Nhiệt độ cao hơn 37,5 độ C tương đương 99,5 độ F vẫn được coi là trạng thái khỏe mạnh bình thường.
 

Nam giới luôn có thân nhiệt cao hơn phụ nữ.


Thân nhiệt giảm theo tuổi tác

Theo Tạp chí New York Times, nhiệt độ cơ thể giảm theo tuổi già khiến cơ thể không cảm nhận được khi cơn sốt đến. Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội lão khoa Mỹ cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn chỉ có nhiệt độ cơ thể dưới 38,33 độ C. Biến động về nhiệt độ cơ thể khoảng 2,4 độ C. Trên thực tế, nhiệt độ trung bình của cơ thể không giữ nguyên một mức độ trong suốt cuộc đời. Cứ mỗi thập kỷ, cơ thể sẽ có sự thay đổi nhiệt độ nhẹ nhàng, giảm dần.
 
Đầu không tỏa nhiệt nhiều như bạn tưởng

Đầu chỉ chiếm 10% diện tích bề mặt cơ thể bạn. Vậy nếu ai đó nói 75% nhiệt độ tỏa ra từ phần đầu thì điều đó là không thể. Theo TS. Richard Ingebretsen - Đại học Utah giải thích: Đầu chỉ tỏa nhiệt tương đương với các phần khác của cơ thể. Nhiệt sẽ được giữ lại nếu cơ thể được che chắn. “Lý do thực sự cho việc chúng ta mất nhiệt qua đầu nhiều bởi vì chúng ta mặc quần áo còn không đội mũ khi trời lạnh”.
 
Sốt là một triệu chứng tốt khi bị bệnh

Sốt là cách cơ thể chống lại vi khuẩn. Một nghiên cứu trên Tạp chí bạch cầu sinh học phát hiện ra rằng, sự tăng nhiệt độ cơ thể giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ tăng chỉ có tác dụng khiến vi khuẩn hạn chế sinh sôi nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy khi bị sốt, hệ thống miễn dịch cũng được tạm thời tăng cường theo đó. Mặc dù vậy, việc nhiệt độ cơ thể tăng quá cao cũng rất nguy hiểm và phải được kiểm soát.
 
Nhiệt độ cơ thể ảnh hưởng đến cân nặng

Một nhóm các nhà nghiên cứu người Italia và Mỹ phát hiện, béo phì có liên quan đáng kể đến nhiệt độ cơ thể vào ban ngày. Cụ thể: “Khả năng chuyển hóa năng lượng thành nhiệt ở người béo phì và người gầy không giống nhau. Ở người béo phì, khả năng chuyển hóa nhiệt lượng kém hơn dẫn đến sự gia tăng 2kg cân nặng mỗi năm. Nhóm các nhà khoa học cho rằng đây chính là một “khuyết tật sinh học”, là nguyên nhân khiến cho mọi người dễ trở nên béo phì.
 
Thân nhiệt ảnh hưởng đến giấc ngủ

Ngay trước khi chúng ta chuẩn bị bước vào giấc ngủ, cơ thể chúng ta đã bắt đầu mất một số lượng nhiệt nhất định vào môi trường, khoảng 1-2 độ C, sự thay đổi này khiến dễ ngủ hơn. Đó là lý do tại sao việc tắm nước ấm vào buổi tối hoặc trước khi ngủ được khuyến khích đối với những người mắc chứng mất ngủ. Vì ngay khi bước ra khỏi vùng nước ấm, não bộ bắt đầu phát tín hiệu rằng đã đến lúc cho một giấc ngủ.
 
Rượu làm sụt giảm thân nhiệt

Chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với câu nói: “Làm một ly cho ấm người”. Nhưng các nhà khoa học đưa ra cách giải thích khác: Chúng ta đều biết mạch máu co lại khi trời lạnh để giữ thân nhiệt tốt hơn nhưng khi uống rượu hoặc đồ uống có cồn khiến mạch máu giãn ra, đặc biệt là vùng mạch máu ngoại vi dẫn đến việc tản nhiệt. TS. Robert Kenefick - nhà sinh học tại Viện nghiên cứu Y học môi trường thuộc Quân đội Hoa Kỳ cho biết: “Việc làn da hồng hào, ấm lên khi bạn uống rượu là cảm giác sai về cơ thể. Rượu thực sự gây ra sự sụt giảm thân nhiệt, uống quá nhiều rượu sẽ dẫn đến sự hạ thân nhiệt nghiêm trọng. Do đó, cần phải cẩn thận khi uống rượu và đồ uống có cồn vào mùa đông”.
 
Theo Quốc Cường (Zing.vn)