Đời sống

Từ vụ nổ bồn cầu ở Bình Dương: Đừng coi thường việc thiết kế, sử dụng bồn cầu

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh những nguy hiểm không đáng có, khi thiết kế nhà vệ sinh cần phải tính toán kĩ càng khối lượng chất thải, tổng khí sinh ra trong quá trình phân hủy,... để thiết kế bể phốt tương ứng.

Vụ nổ bồn cầu ở Bình Dương mới xảy ra vài ngày trước đây khiến 4 người trong một gia đình nhập viện ở tình trạng nguy kịch hiện đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận.  

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Lê Thanh Phong (38 tuổi, ngụ Vĩnh Long) trong lúc đi vệ sinh trong phòng trọ đã bật lửa hút thuốc lá. Lúc này, khí metan tích tụ ở trong hầm cầu và cả phòng trọ bắt lửa phát nổ làm thủng mái tôn của phòng, hất văng anh Phong ra ngoài.

Từ vụ nổ bồn cầu ở Bình Dương: Đừng coi thường việc thiết kế, sử dụng bồn cầu
Phòng trọ anh Phong sau vụ nổ bồn cầu.
Từ vụ nổ bồn cầu ở Bình Dương: Đừng coi thường việc thiết kế, sử dụng bồn cầu - 1
Anh Phong bị bỏng 96% độ 2-3, 57% độ 3, kèm theo bỏng hô hấp, đang được điều trị trong phòng cách ly đặc biệt.

Thêm vào đó, sau khi khám nghiệm hệ thiết kế xây dựng các hầm cầu của toàn bộ khu nhà trọ và khu vực nhà vệ sinh trong phòng trọ số 8 (nơi xảy ra vụ nổ khí), công an xác định, việc lắp đặt ống thông khí từ các hầm cầu khi xây dựng đã đặt sai hướng ống thông khí.

Được biết, trước đây, một vụ nổ toilet vô cùng hy hữu đã xảy ra tại Trung Quốc cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến một người đàn ông phải khâu đến 40 mũi.

Chúng ta sử dụng bồn cầu hàng ngày, nhưng hầu như rất ít người quan tâm đến vấn đề sử dụng bồn cầu, hầm cầu đúng cách để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như ở trên. Vậy thực tế, để tránh những nguy hiểm không đáng có khi sử dụng bồn cầu, chúng ta cần làm gì?

Bao lâu nên hết hút bể phốt 1 lần?

Theo anh Hùng - hiện đang làm việc tại một công ty vệ sinh môi trường ở Hà Nội, để tránh tình trạng bể phốt tắc, khí tích tụ, mọi người nên thông bể khoảng 3-5 năm một lần tùy theo thể tích của bể và cách sử dụng của gia đình.

“Đối với bể phốt được xây dựng đúng cách, trong quá trình sử dụng không thả những chất thải không phân hủy xuống, không xả rác xuống,… khoảng thời gian phải hút bể phốt có thể từ 15-20 năm.

Tuy nhiên, nhiều bể phốt được thiết kế không đúng chuẩn, hoặc trong quá trình sử dụng vứt những vật không tiêu vào và xả nước tích tụ làm bể phốt đầy, thời gian phải hút bể phốt sẽ bị rút ngắn hơn.

Việc hút bể phốt định kỳ này sẽ làm sạch lớp cặn bã trong bể, tránh gây nên tình trạng bể phốt bị đầy, ảnh hưởng đến sinh hoạt”, anh Hùng chia sẻ.

Những vật nguy hiểm không nên vứt vào bồn cầu

Chia sẻ thêm, anh Hùng cho biết, những vật mọi người không nên vứt hay đổ vào bồn cầu là dầu mỡ thừa, băng vệ sinh, khăn ướt, bao cao su, tàn thuốc lá, khăn giấy,...

“Mọi người thường có thói quen đổ mỡ thừa vì nghĩ đó là chất lỏng không có ảnh hưởng gì, thế nhưng dầu mỡ thừa khi đổ xuống bồn cầu sẽ tạo thành những mảng bám gây tắc nghẽn đường ống. Việc xử lý những mảng bám này cũng sẽ rất khó.

Băng vệ sinh, khăn giấy hay bao cao su khi vứt xuống bồn cầu cũng khó phân hủy được, còn với tàn thuốc lá cũng chứa nhiều hóa chất độc hại nên việc vứt xuống bồn cầu cũng sẽ bám vào thành bể, trở thành một trong những nguyên nhân gây hại”, anh Hùng chia sẻ.

Từ vụ nổ bồn cầu ở Bình Dương: Đừng coi thường việc thiết kế, sử dụng bồn cầu - 2
Không nên vứt tàn thuốc lá hay thuốc lá vào bồn cầu. (Ảnh minh họa)

Có nên thả hóa chất thông khi bồn cầu bị tắc?

Khi bồn cầu bị tắc, phương án đầu tiên của mọi người là sử dụng những hóa chất thông bồn cầu vừa rẻ vừa tiện lợi. Hiện nay, trên thị trường có bán các sản phẩm thông tắc bồn cầu như cây thông với giá 360 nghìn/cây và hóa chất thông bồn cầu sử dụng một lần với giá 40 nghìn/ gói.

Một chủ cửa hàng bán dụng cụ thông bồn cầu ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Mọi người thường hay mua hóa chất sử dụng một lần khi bồn cầu bị tắc vì tiện lợi không phải động tay động chân nhiều. Cây thông bồn cầu sử dụng được nhiều lần nhưng mất thời gian và phải tự tay làm khiến nhiều người không thích”.

Tuy nhiên, theo anh Bảo – Công ty thông tắc bể phốt Bảo Minh, khi bồn cầu bị tắc, mọi người không nên đổ bất cứ hóa chất gì xuống bồn cầu bởi những hóa chất đó đều có axit sẽ làm hại đường ống và khiến việc xử lý sau đó khó khăn hơn. Cách tốt nhất khi bồn cầu bị tắc là gọi nhân viên của đơn vị thông tắc cống đến hỗ trợ.

Từ vụ nổ bồn cầu ở Bình Dương: Đừng coi thường việc thiết kế, sử dụng bồn cầu - 3
Cách tốt nhất khi bồn cầu bị tắc mọi người nên gọi nhân viên của đơn vị thông tắc cống đến hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

Lưu ý vệ sinh bồn cầu đúng cách

Theo các nhân viên vệ sinh môi trường, việc vệ sinh bồn cầu cần lưu ý những điều sau đây:

- Luôn đậy nắp bồn cầu khi xả nước.

- Khi vệ sinh bồn cầu cần đeo gang tay cao su. Tiếp đó, tưới nước lên bồn cầu rồi phun dung dịch tẩy rửa chuyên dụng lên và đậy nắp để 15 phút. Sau đó, dùng chổi làm sạch bên trong rồi đậy nắp xả nước.

Từ vụ nổ bồn cầu ở Bình Dương: Đừng coi thường việc thiết kế, sử dụng bồn cầu - 4
Lưu ý vệ sinh bồn cầu thường xuyên. (Ảnh minh họa)

- Không bỏ băng vệ sinh, bao cao su, khăn giấy,… vào bồn cầu.

- Vệ sinh bồn cầu định kỳ 3-4 ngày/ lần, lâu nhất là 1 tuần/ lần tổng vệ sinh.

- Dùng giấy vệ sinh đúng cách. Tốt nhất nên để giấy vệ sinh vào thùng rác có nắp riêng. 

Để tránh những nguy hiểm không đáng có, các chuyên gia khuyến cáo, khi thiết kế nhà vệ sinh cần phải tính toán trước như nhà có bao nhiêu người, ước lượng khối lượng sinh ra chất thải/tháng, tổng khí sinh ra trong quá trình phân hủy là bao nhiêu khối… Bể phốt phải tương ứng. Nếu khối lượng lớn mà bể phốt nhỏ thì rất nguy hiểm.

Trong quá trình lắp đặt cần chú ý ống đường vào bể phải cao hơn đường ra ít nhất 10cm để ngăn sự trở lại của nước thải quay lại đường ống lên thiết bị vệ sinh và ngăn ngừa sự hình thành chất rắn và tiện cho việc hút bể phốt thông tắc về sau.

Các gia đình cũng cần chọn vật liệu tốt để xây và tránh không nên nén xung quanh hố ga quá chặt gây ra áp lực cho bể phốt, dễ gây rạn nứt bể. Việc xây dựng đúng quy trình sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra và cũng giảm được việc tắc cống ngầm của đường nước.

Theo Hồng Nhung (Khampha.vn)