Đời sống

Thả cá chép sau cúng Táo quân đúng nghĩa theo giáo lý nhà Phật ít người biết

Sau khi thực hiện lễ cúng Táo quân, các gia đình thường sẽ mang cá chép ra sông, hồ thả. Để việc thả cá chép sau cúng Táo quân mang đúng ý nghĩa tâm linh, bạn cần làm những việc dưới đây.

Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bên cạnh việc thực hiện mâm cỗ cúng, lễ vật cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép sống được thả vào chậu nước sạch. Sau cúng Táo quân, các gia đình sẽ đem cá chép ra sông, hồ thả với ý nghĩa đưa các Táo lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt trong một năm. Đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Thả cá chép sau cúng Táo quân đúng nghĩa theo giáo lý nhà Phật ít người biết
Thả cá chép sau cúng Táo quân không nên đứng từ trên cao thả xuống. Ảnh TL

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thả cá chép ngày ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Theo giáo lí nhà Phật, hành động thả cá chép mang ý nghĩa phóng sinh, thể hiện sự từ bi của con người.

Mặc dù đây là một hành động đẹp nhưng rất nhiều người đang chạy theo phong trào. Đó là họ nghĩ cứ phóng sinh càng nhiều sẽ càng được may mắn, tài lộc dồi dào… Thậm chí, mua thật nhiều vàng mã để đốt cho dịp này. Tất cả những điều này chỉ mang tính mê tín dị đoan và mang tính chất hình thức. Công đức phóng sinh không phụ thuộc vào việc lựa cá to hay nhỏ, nhiều hay ít mà chính là ở tấm lòng rộng mở của người phóng sinh.

Phóng sinh cần phát xuất từ lòng từ bi, vì sự sống của cá. Việc phóng sinh đúng cách mang ý nghĩa công đức rất lớn. Nhưng nhiều khi phóng sinh lại biến thành "phóng tử" gây thêm nghiệp ác, nhất là lấy việc phóng sinh để phô trương… Cùng với đó, khi đi thả cá, nhiều người không thả lại đổ, ném, quăng cá từ trên cao xuống có thể khiến cá bị chết. Hoặc việc phóng sinh ở những nơi môi trường ô nhiễm cũng dễ khiến cá ít có cơ hội sống. Khi đó, ý nghĩa của việc phóng sinh đã không còn, làm mất đi nét đẹp vốn có của tục lệ này.

Khi đi phóng sinh cá chép, mọi người cần nhớ dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Nếu không để cá vào lòng bàn tay nhẹ nhàng thả xuống nước. Nếu có ý định thả phóng sinh thì nên có kế hoạch từ trước để chọn nơi thả phóng sinh sạch sẽ.

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho rằng, hiện nhiều gia đình ngoài cá chép còn mua cá Koi Nhật Bản thay để cúng Táo Quân. Dùng cá KOI cúng lễ ông Công, ông Táo là không đúng. Theo truyền thuyết dân gian, cúng ông Công, ông Táo phải có cá chép và "cá chép hóa rồng" làm phương tiện lên chầu trời. Hơn nữa thả cá là hình thức phóng sinh, bảo vệ môi trường nhưng không vì thế mà chuyển sang phóng sinh cá KOI.

Ngoài ra, trong lễ cúng Táo Quân, giáo lý nhà Phật cũng không nói đến chuyện phải đốt vàng mã. Việc nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt, tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm cần phải bỏ. Điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Các gia đình cũng không nên cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên khi cúng ông Táo quân. Quan trọng nhất, gia chủ phải có tấm lòng thành là được.

Theo P.Thuận (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/o/tha-ca-chep-sau-cung-tao-quan-dung-nghia-theo-giao-ly-nha-phat-it-nguoi-biet-20200116161314561.htm