Đời sống

Tết Hàn thực Việt Nam khác gì với Tết Hàn thực Trung Quốc?

Tết Hàn Thực ở Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt.

Nguồn gốc và ý nghĩa

Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. "Hàn Thực" nghĩa là "thức ăn lạnh". Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc , miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.

Tết Hàn thực Việt Nam khác gì với Tết Hàn thực Trung Quốc?
Hai chữ "Hàn Thực" gắn với một điển tích ở Trung Quốc, được biết tới nhiều qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc.

Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.

Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm.

Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm.

Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy.

Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).

Tết Hàn Thực ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Tết Hàn Thực nằm ngay sau Tiết Thanh Minh. Vào thời điểm này của năm, bầu trời trở nên sáng sủa hơn và cây cối đâm chồi nảy lộc. Người nông dân bắt đầu gieo hạt giống và cung cấp nước cho các ruộng lúa.

Một chuyên gia văn hóa lịch sử của Trung Quốc cho rằng thói ăn uống lạnh vào thời gian này liên quan đến việc tránh đốt lửa phòng ngừa hỏa hoạn từ thời cổ.

Nhưng truyền thuyết lịch sử trên đã ban cho tập quán này nội dung đạo đức nên được nhiều người chấp nhận.

Người Trung Quốc tổ chức Tết Hàn Thực này suốt 3 ngày liền với nhiều hoạt động truyền thống gồm có thăm viếng mồ mả tổ tiên (trùng với tiết Thanh Minh), chọi gà, đánh đu, đánh chăn, đua thuyền...

Thói quen ăn uống đồ nguội chỉ còn tồn tại ở một số vùng nông thôn còn ở các thành phố hoàn toàn không còn giữ tập tục kiêng kị này.

Tết Hàn Thực ở Việt Nam

Người Việt Nam cũng theo phong tục ấy và ăn Tết Hàn Thực ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để cúng gia tiên và ăn thế cho đồ lạnh.

Những liên hệ đến truyền thuyết về Giới Tử Thôi ít được người dân quan tâm, còn kiêng kị về củi lửa là hoàn toàn không có.

Tết Hàn thực Việt Nam khác gì với Tết Hàn thực Trung Quốc? - 1
Người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để cúng ông bà, tổ tiên trong Tết Hàn Thực.

Trong Tết Hàn Thực, nhà nhà làm bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng.

Thay vì tên gọi chính thức, 3/3 âm lịch thường được người Việt gọi dân giã là Tết bánh trôi – bánh chay. Ngày Tết này hiện vẫn duy trì phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh xung quanh Hà Nội.

Ngoài ra, chiếc bánh trôi làm từ bột gạo nếp thơm ngon còn được dâng cúng trong lễ Hai Bà Trưng ngày 6/3 tại làng Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Tây), ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và hội Phủ Giầy tháng 3 lễ Mẫu.

Có thể nói, Tết Hàn Thực của Việt Nam mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc và có những nét khác biệt cơ bản với ngày lễ này tại Trung Quốc.

Nhiều sự tích cũng cho rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ.

Theo Phương Anh (Vtc.vn)