Đời sống

'Tâm sự' của camera thang máy: Thời buổi lắm dân văn phòng lịch thiệp nhưng đi thang máy quên ý thức ở nhà

Và sau đây là tâm sự của một chiếc camera thang máy, cuộc đời chỉ ở một chỗ nhưng nhìn thấu chuyện con người.

Tôi là một chiếc camera thang máy.

Trong con mắt của tôi, chỉ có hai loại người: Loại đi thang máy với ý thức đầy đủ và loại thứ hai bỏ quên ý thức ngoài bãi gửi xe (hoặc quên từ ở nhà) không mang vào thang máy cùng. Ở trên cao, tôi nhìn thấy đủ hết "chân cầm dị thú" của thang máy: Loại hãy-ngửi-nước-hoa-của-tôi-đi, loại quyết tử chen vào bằng mọi giá, rồi có cả loại "thang-máy-này-là-của-anh (chị)-mày" khi người bên trong chưa ra nhưng đã lồng lộn xông vào… 

Chuyện văn hóa thang máy, nếu đóng thành tập sách, chắc ngót nghét cũng phải cả 100 trang. Để tôi xin trích ra vài chương cho mọi người chiêm nghiệm, hy vọng không thấy bóng dáng mình đâu đó, chột dạ rồi tắt luôn bài không đọc nữa.

Trận chiến quyết liệt mỗi sáng mang tên: Chen thang máy

Vấn đề quan trọng nhất là rất nhiều văn phòng đều chọn chấm công lúc 8 giờ, khiến thang máy oằn mình từ 7:55 đến 8:05. Phải có dịp đi thang máy trong khung thời gian này (một cách ung dung), bạn mới hiểu ở đâu ra lắm dân văn phòng bình thường thì hiền lành xinh đẹp mà lúc cần thì "hóa thú" cả, chỉ vì một chiếc máy chấm vân tay. Tuyến nhân vật tiêu biểu của 7:55 sáng bao gồm:

Cô bạn tầng hai: Nếu có đứa nào bị ghét nhất khi đi thang máy thì tôi xin cam đoan là các cô bạn tầng hai, tầng ba hay đại loại mấy tầng thấp trong tòa nhà văn phòng 30 tầng. Cô bạn tầng hai nhiều khi chen vào rất sớm nhưng thang máy kêu lên một cái thì xồ ra tầng hai, rồi tầng ba, tầng bốn… 

Người ta đồn rằng giả sử văn phòng có bị mất điện nóng phát điên thì mấy cô bạn này cũng phải chờ người ta sửa điện rồi đi thang máy ra về, chứ nhất định không leo thang bộ. Có lần, tôi nhìn thấy ai đó suýt nữa giật tóc một "cô bạn tầng hai" vì quá phẫn uất khi nhìn thang máy nháy đỏ từ tầng 2 đến tầng 19.

Tôi cũng biết có chị nhân viên làm tầng 20, khi thang máy không còn ai, chị đã bật khóc lúc 8:01 phút.

'Tâm sự' của camera thang máy: Thời buổi lắm dân văn phòng lịch thiệp nhưng đi thang máy quên ý thức ở nhà

Người đẩy thang máy: Người đẩy tàu ở Nhật Bản hẳn thua xa người đẩy thang máy ở Việt Nam. Cũng dễ hiểu, người đẩy tàu làm vì công việc và không lên tàu còn người đẩy thang máy sống chết phải vào thang máy, bên trong có kêu tít tít vì thang quá tải cũng nhất định không ra. Câu cửa miệng của họ này là "chị ơi xích vào cho em 1 tí", "anh ơi đứng lùi lùi em nhờ tí thôi". Mồm nói, người cứ đẩy hết cả vào, bất chấp thang máy có trẻ con, bà bầu, người già, người khó thở.

Giải pháp cho những anh chị thanh lịch này chỉ có thể là đi sớm hơn hoặc chịu khó đi bộ. Trái ngang thay, họ cũng không sinh ra để đi cầu thang nên dành hết sức bình sinh để lao vào. "Học thức, văn minh gì tầm này nữa, không chấm công nhanh thì phạt ngay đống tiền", tôi lại chả đọc vị rõ quá.

Ba-lô to sụ: Trần đời thang máy đã đông muốn tức nhưng vẫn có ngay hai ba cậu quyết tâm phải đeo ba lô bằng được, tâm sự mới biết "bỏ xuống em sợ ai sờ lưng em". Hôm nào không mang balo to thì có người xách thảm Yoga, mang quạt tới công ty ngồi cho mát hay cá biệt bê cả nồi niêu xoong chảo lên văn phòng cắm trại. Cũng xin thưa là nếu đã mang đồ đạc cồng kềnh thì (1) là đi sớm hơn để đỡ vướng và (2) chịu khó cầm tay, để ở dưới thay vì cứ đeo balo cồng kềnh cứ đập hết vào mặt người khác.

12 giờ trưa và sự loạn lạc giờ ăn

Sự nhiễu nhương trong tháng máy phải kể đến giai đoạn nghỉ trưa khi tôi phải nhìn đủ thứ chướng mắt trong thang máy (tôi có thể nhìn rõ cả bàn tay ai đang làm gì). Buổi trưa lưu lượng các anh chị văn phòng đi lại chẳng những đông không kém lúc sáng mà còn kèm theo đủ thứ mùi, từ đồ ăn mua bên ngoài mang lên văn phòng ăn cho mát mẻ hoặc hương vị của những món đồ vừa ăn bên ngoài ám vào quần áo. Họ bước vào thang máy với bún đậu mắm tôm, có khi thì là túi mít mới bổ thơm lừng. Chỉ cần ngửi thôi là biết nay họ ăn gì: Măng xào lá lốt, bún thịt nướng, bún bò giò heo, có người vui tính mang cả sầu riêng vào thang máy.

Tất nhiên ăn trưa, ăn sáng là lý do cực kỳ chính đáng và không thể cấm mọi người mang đồ ăn vào thang máy được. Vấn đề là có những người không đậy kín đáo, cứ mở bung hết ra, nhiều khi không để ý còn va người này quẹt người kia. Nhiều chị vừa vui mồm làm hết đĩa bún đậu mắm tôm nhưng vẫn cứ ha hả cười nói, hương bay cứ phải gọi là thôi rồi. Đủ thứ mùi tích tụ mà muốn suy nhược vì đi thang máy.

"Đỉnh cao" hơn cả cho "văn hóa thang máy" là hoàn cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược - người bên trong thì cứ ùn ùn ra, còn người bên ngoài chỉ hăm hở xô vào thật nhanh. Có lúc họ chẳng hiểu vội gì, gấp gáp gì mà lao vào bất chấp, tôi thậm chí thấy có chị đã đi xuống rồi lại phải đi lên vì không kịp chạy ra khỏi cửa.

'Tâm sự' của camera thang máy: Thời buổi lắm dân văn phòng lịch thiệp nhưng đi thang máy quên ý thức ở nhà - 1

Ngẫm lại chuyện anh camera từng có dịp làm việc ở nước ngoài kể rằng nhiều nước, khi đi thang máy cũng như lên tàu điện ngầm, người chờ đợi đều đứng chéo về phía 2 bên thang máy, còn chính diện là đường dành cho người đi ra - và phải đảm bảo ra hết mọi người mới đi vào, tôi không khỏi buồn lòng.

Văn hóa thang máy thực sự là một nét xấu xí của dân văn phòng mà bao nhiêu tấm biển nhắc nhở, nhiều câu chuyện cười ra nước mắt được kể cũng không thể khiến người ta có ý thức hơn. Từ lúc sáng sớm tới chiều tan sở, tôi chỉ mong sao cho tới tối thật nhanh để trả lại chốn bình yên cho thang máy. 

Thang máy và những đám khó ưa

Đứng trong thang máy cả buổi, tôi nhìn thấy đủ thể loại khó ưa, xuất hiện từ sáng tới tối. Cá nhân tôi ghét nhất cái đám cứ nhìn lên thang máy xong đùa cợt giỡn giỡn - chúng nghĩ tôi không có mặt?

Để chỉ mặt đặt tên một nhóm mà các chị em phụ nữ cực kỳ ghét là đám tán tỉnh thang máy với câu cửa miệng "em làm ở tầng bao nhiêu nhỉ" hay "trông em quen quen, em hay đi thang máy này à?". Nhiều anh còn vui tay, chạm vào tóc người khác rồi khen "tóc em đẹp thế". Với nhiều phụ nữ, thang máy vốn đã là không gian không an toàn đặc biệt vào giờ cao điểm, lại còn gặp phải những gã như này thì thực sự mệt mỏi.

'Tâm sự' của camera thang máy: Thời buổi lắm dân văn phòng lịch thiệp nhưng đi thang máy quên ý thức ở nhà - 2

Nhiều người cứ nghĩ mình "cá tính", cool ngầu, đi vào thang máy cười nói oang oang, thậm chí còn xô đẩy nhau. Mỗi lần nhóm dân văn phòng kiểu này đi ra ngoài, người ta lại buông vài lời sắc mỏng. Phần lớn những nhân vật "quên ý thức" kiểu này là các bạn trẻ 8x hay 9x tuổi đời mênh mông.

Sợ nhất phải kể tới những chị gái hãy-ngửi-nước-hoa-của-tôi-đi. Tôi phải thực sự đánh giá cao sự tự tin của các chị ấy khi lúc nào bước vào thang máy cũng với mùi nước hoa đậm đặc; từ loại sang chảnh vài triệu cho đến loại trên dưới trăm ngàn xịt lấy được quyện vào nhau đủ khiến cả thang máy chết ngộp. Nhiều khi bước vào thang máy rồi mới lấy ra xịt xịt, người ở bên cạnh có bịt mũi gì chị cũng không quan tâm. Chị thích.

Văn hóa thang máy thì có nhưng để chuyển thành một thứ mang tên "văn minh thang máy", chắc sẽ khó lắm. Bao năm đứng trên này nhìn xuống, tôi vẫn chờ một tín hiệu khởi sắc: Ai đó biết xếp hàng chờ vào thang máy ngay lối, không ai đẩy chen trong thang máy, mọi người giữ trật tự, tôn trọng nhau. Nhưng có lẽ, sẽ còn rất rất lâu nữa, cho tới khi tôi về hưu và những người khác tới thay, chuyện ở thang máy vẫn sẽ như vậy nếu mọi người không ý thức được việc mình làm.

Dân văn phòng vẫn được tiếng là thanh lịch, học thức, đừng để chuyện đi thang máy khiến người ta có suy nghĩ khác đi về mình. Thế nên, đi thang máy công sở, đừng quên để ý thức ở nhà!

Theo DuDu (Trí Thức Trẻ)