Đời sống

Tại sao tuyệt đối không nên chích máu đầu ngón tay để sơ cứu nạn nhân đột quỵ

Đột quỵ (stroke) là tình trạng nạn nhân đột ngột bị liệt nửa người, yếu tay chân, méo miệng, nói ngọng, nhìn mờ... nặng nữa có thể hôn mê và tử vong. Ngoài ra, nó còn để lại các biến chứng như liệt, yếu, ảnh hưởng đến trí nhớ, sa sút trí tuệ...

Đột quỵ là một tình trạng cấp cứu hay gặp. Nhiều người truyền tai nhau phương thức dùng kim chích máu ở 10 đầu ngón tay và ở dái tai để sơ cứu nạn nhân. Theo lý giải từ một số người, chích máu ở vị trí này sẽ giúp giảm huyết áp, giúp sơ cứu nạn nhân, giúp nạn nhân hồi tỉnh và nhanh hồi phục, tránh được các di chứng của đột quỵ...

Tuy nhiên, thực tế không có bất cứ cơ sở khoa học hay bằng chứng nào cho thấy lợi ích của phương pháp này. Nguy hiểm hơn, nếu sơ cứu bằng cách này không những chẳng đem lại lợi ích gì mà còn làm chậm trễ khoảng thời gian quý báu bởi vì nạn nhân bị đột quỵ cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Thậm chí, có những chỉ dẫn rất nguy hiểm như, chích máu đầu ngón tay rồi chờ nạn nhân tỉnh lại rồi mới được đưa đi bệnh viện.

Do khả năng chịu đựng thiếu ô xy của các tế bào não rất kém, các tế bào não rất dễ bị tổn thương và khó hồi phụ khi bị thiếu ô xy nên nạn nhân bị đột quỵ cần được cấp cứu kịp thời, càng nhanh càng tốt.

Tại sao tuyệt đối không nên chích máu đầu ngón tay để sơ cứu nạn nhân đột quỵ

​Có 2 dạng đột quỵ chính đó là nhồi máu não (ischemic stroke) và chảy máu não (hemorrhagic stroke), hơn 80% các trường hợp đột quỵ là nhồi máu não. Nhồi máu não xảy ra khi có cục máu đông gây bít tắc mạch máu ở trong não, chảy máu não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ gây chảy máu. Thường chảy máu não sẽ nặng và khó điều trị hơn nhồi máu não. Tuy nhiên rất khó để phân biệt hai dạng đột quỵ này bằng thăm khám thông thường, gần như chỉ có thể phân biệt được bằng cách chụp CT (chụp cắt lớp vi tính đo tỷ trọng) và MRI (chụp cộng hưởng từ hạt nhân).

Cách điều trị hai dạng này cũng khác nhau, tuy nhiên đều cần điều trị và can thiệp sớm để tránh các biến chứng và tăng cường khả năng hồi phục cho nạn nhân. Chính vì vậy việc sơ cứu bằng cách chích máu sẽ làm chậm trễ việc đưa nạn nhân đến viện để điều trị.

Biện pháp cấp cứu hữu hiệu nhất trong điều trị nhồi máu não nhằm phá vỡ cục máu đông mạch máu não là tPA tiêm tĩnh mạch (Tissue plasminogen activator, yếu tố hoạt hóa plasminogen mô), nhưng nó chỉ có tác dụng khi nạn nhân đến sớm trong vòng 03 tiếng sau khi bị đột quỵ. Ngoài ra còn có các phương pháp khác như đặt stent và dùng các thuốc như: hạ huyết áp, chống ngưng kết tiểu cầu, hạ mỡ máu...

Điều trị chảy máu não khó khăn và phức tạp hơn, có thể phải phẫu thuật và dùng các thuốc như: hạ huyết áp, thuốc chống phù não, thông khí nhân tạo... Chính vì vậy, khi chúng ta gặp một người mà có những biểu hiện nghi ngờ bị đột quỵ, việc cần thiết đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để điều trị. Còn chích máu đầu ngón tay hay dái tai không những không đem lại hiệu quả gì mà còn làm tình trạng nạn nhân nặng hơn.

Dung (Nguoiduatin.vn)