Đời sống

Những tình huống oái oăm vì thông báo một đằng, cắt điện một nẻo

Nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng "sơ tán" do mất điện lại vỡ kế hoạch. Nhưng có hôm đang nấu cơm lại bất ngờ thông báo sẽ cắt điện trong 10 phút nữa.

Không được thông báo trước, nhà chị Thanh và hàng nghìn cư dân ở chung cư The Vesta, Hà Đông, Hà Nội phải chịu cảnh mất  điện 6 tiếng đồng hồ hôm 6/6. 

Cả khu dân cư náo loạn vì máy phát điện hỏng, thang máy không chạy. 

Hàng xóm nhà chị Thanh nghe tin trường mầm non của con mất điện, vội đón con về nhà. Nhưng khổ nỗi thang máy hỏng, không lên được. Hai mẹ con cứ đợi thang sửa, lại nghĩ lên nhà cũng nóng nên ngồi vạ vật bên ngoài mấy tiếng đồng hồ. Đến 3h chiều mệt quá, bà mẹ đành cõng con leo 10 tầng lên nhà. 

“Hôm đó, tôi cũng ở ngoài về nhà đúng tầm giữa trưa, leo lên tầng 10 đến nhà suýt ngất, phải nhờ chồng xuống đón” - chị Thanh kể.

Những tình huống oái oăm vì thông báo một đằng, cắt điện một nẻo
Trung tâm thương đông nghẹt người vào một ngày trong tuần

Hôm 8/6, chung cư nhà chị Thanh lại cắt điện tiếp, lần này đã được thông báo trước và máy phát đã được sửa. “9h sáng dưới sân chơi đông vui hơn ngày thường. Hôm nay, máy phát điện đã sửa, thang máy đã hoạt động được nên dân cho trẻ con xuống chơi. Hôm trước, ở trên nhà nóng bức mà không dám cho trẻ con xuống sân chơi vì không có thang mà lên”.

Cùng cảnh, mấy ngày nay, chị Hạnh (chung cư FLC Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nơm nớp lo mất điện. Có hôm ban quản lý đã thông báo ngày hôm sau dự kiến cắt điện từ 9h sáng đến 4h chiều. Nhà có con nhỏ, chị định sẽ đưa cả mấy bà cháu ra nhà nghỉ gần đó, nhưng nơm nớp đợi cả ngày vẫn không thấy bị cắt điện phút nào. 

Nhưng 2 ngày sau, khi chị đang nấu cơm trưa thì ban quản lý thông báo 10 phút nữa sẽ cắt điện. Chị quyết định dừng tay, đặt cơm ngoài cho chắc. Nhưng cũng phải đến gần 1 tiếng sau, điện mới mất thật. 

Bà mẹ 2 con cũng cho biết, theo thông báo dự kiến cắt điện đến 4h chiều nên chị đưa cả nhà ra nhà nghỉ với mức giá 350 nghìn đồng cho 2 giờ đầu, 50 nghìn đồng cho 1 giờ tiếp theo. Nhưng vừa nhận phòng được 40 phút thì ở chung cư lại thông báo đã có điện.

“Nếu biết trước thế thì tôi đã ngồi cố ở nhà, không phải tốn tiền ra nhà nghỉ nữa. Giờ giấc cắt điện thông báo không chính xác nên sinh hoạt trong nhà bị đảo lộn, lại còn tốn thêm mấy trăm nghìn. Hàng xóm nhà tôi cũng rơi vào tình huống oái ăm - hôm thông báo cắt điện thì mang con đi gửi nhưng cuối cùng lại không cắt, hôm không thông báo thì để con ở nhà, lại cắt” - chị Hạnh nói. 

Những tình huống oái oăm vì thông báo một đằng, cắt điện một nẻo - 1
Các gia đình có người già, trẻ nhỏ thường "sơ tán" ra nhà nghỉ, khách sạn những ngày mất điện. 

Cũng ở khu vực Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, chị Ngọc - chủ quán cà phê - đang nấu mẻ trân châu và nồi đỗ xanh chưa kịp chín thì mất điện không báo trước. Còn mấy hôm trước, khi khu vực quán nhà chị không mất điện thì lượng khách tới quán tăng khoảng 30%. 

“Ngày nào cũng có nhiều khách gọi điện hỏi quán có mất điện không để họ ra ngồi. Nhiều khách ngồi từ sáng đến chiều tối, ăn trưa luôn tại quán vì chúng tôi có cả nhà hàng bên cạnh để phục vụ ăn uống. Tôi hỗ trợ khách gọi luôn cơm, mỳ, nhân viên bê sang quán cà phê cho khách ăn luôn.

Ở một khách sạn gần đó, các đoàn khách liên tục đỗ xe vào thuê phòng. Một người đàn ông chở 4 bà cháu đến cửa khách sạn, thả cho cả nhà xuống rồi lại chạy xe đi làm. Giá phòng các khách sạn, nhà nghỉ gần khu vực cắt điện dĩ nhiên cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba. 

Cách khách sạn vài bước chân là quán cơm rang, phở bò. Mọi khi trời nắng nóng, quán không có điều hoà nên buổi trưa vắng khách. Nhưng hôm nay có vẻ như nhiều khu vực xung quanh mất điện, nên càng gần về giờ trưa, khách càng tới đông. Chủ quán luôn tay đảo cơm, thái thịt trong cái nóng hừng hực của thời tiết và tiếng giục giã sốt ruột của khách. 

Những tình huống oái oăm vì thông báo một đằng, cắt điện một nẻo - 2
Các quán ăn đông khách những ngày Hà Nội luân phiên cắt điện. 

Chị Nga (Hà Đông, Hà Nội) kể, hôm nào nhà chị bị cắt điện thì cả nhà kéo nhau sang nhà ông bà nội trú tạm. Nhiều gia đình không có người thân ở gần thì buộc phải đi “sơ tán” ở quán cà phê, siêu thị, nhà nghỉ. 

“Siêu thị mấy ngày này đông khủng khiếp, chẳng kể ngày thường hay cuối tuần. Nhiều khi thấy buồn cười một nỗi là bảo nhau đi siêu thị để đỡ tốn tiền điều hoà ở nhà, nhưng lần nào ghé siêu thị cũng tốn tiền ăn uống, mua sắm - ít thì năm bảy trăm nghìn, nhiều thì tiền triệu. Hoá ra lại chẳng tiết kiệm tí nào” - chị Nga hài hước kể.

Chị Nga chia sẻ: "Chúng tôi không bức xúc gì chuyện cắt điện, đó là chuyện bất khả kháng rồi, nhưng chỉ mong cắt ngày nào, giờ nào thì cố gắng báo cho chính xác để các gia đình còn sắp xếp sinh hoạt cho hợp lý". 

Thống kê của EVN Hà Nội cho thấy, lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 5 (tính đến 18/5) là hơn 68 tỷ kWh, tăng 10,7% so với tháng 4. Hệ thống điện miền Bắc được dự báo thiếu khoảng 1.600-4.900 MW. Để tránh tình trạng quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, Tổng công ty Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết; hạn chế dùng đồ điện có công suất lớn vào khung giờ cao điểm (từ 11h30-14h30 và từ 20-22h).

Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nhung-tinh-huong-oai-oam-vi-thong-bao-mot-dang-cat-dien-mot-neo-2152516.html