Đời sống

Những đứa trẻ lân sư rồng không có Tết

Sáu năm nay, Tết của Nguyễn Chí Cường và những đứa trẻ 14-15 tuổi cùng "gia đình" lân sư rồng là những chuyến xe, đi diễn từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Những đứa trẻ lân sư rồng không có Tết
Các thành viên Long Nhi Đường biểu diễn trong tiệc tất niên 2019 của một công ty ở Sóc Trăng. Ảnh: Thanh Trần.

Cả đoàn, "ba Hưng" và đám trẻ hơn chục cậu bé chỉ có thể tranh thủ ngủ trên xe. Vừa đến nơi nào đó, họ phải khuân đồ xuống ngay để chuẩn bị cho buổi diễn kế tiếp. Đến khi không còn nhà nào ăn Tết nữa, đội Lân của Cường mới về lại quận 8, TP HCM để nghỉ ngơi, cùng nhau ăn cái Tết của mình khi mọi người đã quên.

Cường tham gia đội Lân đã được 6 năm, kể từ đó đến nay, chưa năm nào em về thăm quê vào ngày Tết. Hàng năm, từ 30 Tết cho đến gần cuối tháng Giêng là lúc cả đội đi diễn ở khắp nơi trong TP HCM và các tỉnh. 

Quê Cường ở Quảng Ngãi, năm nào em cũng tự nhủ diễn xong thì về quê thăm chị, nhưng rồi vẫn chưa năm nào về. Cường ra đi từ nhỏ nên không nhớ đường về quê, muốn về phải nhờ mẹ em đưa về. Nhưng mẹ em cũng không về Quảng Ngãi nữa vì bà đã có gia đình mới. Ngày Tết, bà về quê của ba dượng.

Cường không biết tại sao ba mẹ chia tay, chỉ nhớ hồi nhỏ mình sống với ba và chị gái ở quê. Rồi ba mất sớm, 10 tuổi, Cường được mẹ đón về TP HCM sống cùng với gia đình ba dượng và người em gái cùng mẹ khác cha.

14 tuổi, em ra ngoài sống một mình và tự kiếm tiền vì không hợp với ba dượng. Năm 15 tuổi, Cường gặp đội lân sư rồng Long Nhi Đường đang tập múa ở chân cầu Chà Và. Thấy các bạn mặc đồ múa đẹp, Cường xin đi theo để tập múa lân, rồi ba Hưng cho em vào ở chung với đội luôn. 

Những đứa trẻ lân sư rồng không có Tết - 1
Cường ngồi nghỉ sau một đêm diễn ở Sóc Trăng. Ảnh: Thanh Trần

Không giống những đội lân sư rồng khác, ở Long Nhi Đường các thành viên không chỉ cùng tập luyện, cùng đi diễn mà còn cùng sống chung dưới một mái nhà. "Những em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, đa phần mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc có hoàn cảnh cơ nhỡ, từ nhỏ đã thiếu tình yêu thương gia đình", anh Lê Văn Nam, 27 tuổi, người thành lập đoàn lân Long Nhi Đường chia sẻ.

Anh Nam lấy nghệ danh là Gia Trác Hưng, các em hay gọi là anh Hưng, sư phụ Hưng hay ba Hưng, bởi anh vừa là người dẫn dắt, dạy dỗ, vừa dạy các em múa, giúp các em có được bữa ăn, chỗ ở. Tuy vậy, chính "ba Hưng" cũng không có hoàn cảnh tốt hơn các em là bao. Hưng mồ côi cha và chỉ được học hết lớp 3, rồi bắt đầu làm đủ thứ nghề, từ nhặt bọc nylon cho đến bán vé số để mưu sinh.

Anh không nhớ mình bắt đầu lao vào đời kiếm tiền từ khi nào, chỉ nhớ từ năm 9-10 tuổi đã lang thang từ mái ấm này đến mái ấm khác, vì ở đó có các bữa ăn và lớp học miễn phí. Đầu năm 2010, Hưng gặp và chơi với một nhóm bạn nhỏ hay tụ tập ở một công trường xây dựng ở quận 8.

"Hồi đó thấy tụi nó lang thang quậy phá rồi chọi đá nhau, mình mới nảy ra ý tưởng tìm cách tập hợp tụi nó lại. Mình nghĩ con nít chắc tụi nó thích múa lân nên mới rủ cả đám cùng chơi", anh kể. Khi đó anh mới 16 tuổi, làm công nhân ở một nhà máy sản xuất bao bì. Và ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", anh bắt đầu lo thêm cho hơn mười đứa em.

Lúc không tập múa lân các em cũng đi làm, ai kêu gì làm nấy rồi có tiền bỏ ống heo. Ban đầu, mỗi ngày bỏ heo một nghìn đồng, một tháng được 30 nghìn, tất cả góp vào mua cái đầu lân cũ rích về để tập ở khu công trường đang xây dưới chân cầu Chà Và. Mùa Tết đầu tiên của đội đầy hồi hộp và lo lắng, vì anh mượn nợ chị họ 5 triệu đồng để mua dụng cụ múa lân.

Cũng may, Tết năm đó đoàn múa lân được hơn 9 triệu đồng. Hưng dùng số tiền đó để trả nợ và mua thêm 2 cái trống. Anh vẫn nhớ như in những ngày cả nhóm chỉ mua được 5 nghìn đồng tóp mỡ về nấu kho quẹt ăn, hay 15 nghìn bánh mì chấm với pate. Ngay cả "show" diễn đầu tiên của Long Nhi Đường, nhận được 50 nghìn cũng chỉ đủ mua 10 cái bánh bao cho 12 thành viên. Nhưng anh vui vì mình vẫn còn bạn bè, còn được đi diễn. 

Những đứa trẻ lân sư rồng không có Tết - 2
"Ba" Hưng (áo đen) hội ý với các thành viên của đội sau một đêm diễn ở Sóc Trăng. Ảnh: Thanh Trần.

Hầu như năm nào Hưng cũng nợ. Tiền để lo cho các em, tiền mua thêm trang phục và dụng cụ, đến Tết cả đội đi múa lấy tiền trả nợ. Từ khi có đội lân, 10 năm nay Hưng đều không về nhà vào đúng dịp Tết. Anh chỉ ước có một ngày Tết mà bọn trẻ không còn phải bôn ba kiếm tiền mà được ăn Tết cho giống người ta. Ngày đó anh cũng sẽ không về thăm nhà mà ở lại với tụi nhỏ vì điều bọn trẻ thiếu nhất là cái ấm áp của một gia đình.

Long Nhi Đường hiện có 36 thành viên, trong đó khoảng 20 em sống cùng nhau ở một căn nhà mà anh Hưng xin được ở miễn phí. Quản lý một nhóm thanh thiếu niên từng sống lang thang luôn là vấn đề lớn đối với Hưng, anh liên tục dạy dỗ, ra kỷ luật, bắt bọn trẻ mới đến đi học lại. Còn nhỏ thì đi học phổ cập, lớn hơn thì được học nghề, học tiếng Anh ở các tổ chức từ thiện. Buổi tối các em mới tập múa lân, rồi về ngủ sớm.

Sáng chúng dậy sớm, chia nhóm ra dọn nhà, nấu cơm, dọn phòng lân. Cường rất mê múa lân, dù có lúc tập mệt, rồi những lúc trong đội cãi nhau, em không bỏ. Múa lân đòi hỏi sự kiên trì tập luyện và cần có sự đoàn kết của cả đội. Vì nó khó nên phải tập rất nhiều. Đến khi mình cảm thấy chinh phục được nó rồi, nó lại như ăn vào trong máu mình rồi nên không bỏ được.

Để múa được đầu lân hay diễn "lân lên Mai hoa thung" - tiết mục đòi hỏi kỹ thuật cao và nguy hiểm nhất trong nghệ thuật múa lân sư rồng, Cường từng gặp không ít tai nạn, té đau hay chán nản. Nhưng cái khó nhất là vượt qua bản thân mình.

Thời điểm đắt "show" nhất của những đội múa lân là hai dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Đó cũng là dịp người xa xứ về thăm quê, sum họp, ăn mừng hạnh phúc đoàn viên, khai trương, mở hội. "Nhìn gia đình khác cũng thấy chạnh lòng. Nhưng rồi cũng quen, bởi mình buồn thì không thể điều khiển con lân cho vui được", Cường nói.

Những đứa trẻ lân sư rồng không có Tết - 3
Các thành viên của đội Long Nhi Đường chuẩn bị trang phục diễn dịp Tết tại nhà. Ảnh: Thanh Trần.

Căn nhà của đội Long Nhi Đường ở cũng là nơi phát cơm miễn phí cho các cụ già neo đơn trong suốt 6 năm qua. Tiền làm từ thiện được trích từ tiền đi múa lân. Ban đầu quỹ chưa nhiều, mỗi tuần đội lân chỉ phát cơm vào thứ bảy. Riêng 3 tháng gần đây thì có những bữa trưa thường xuyên cho người nghèo đến lấy. Với Hưng và Long Nhi Đường, đó cũng là cách để trả ơn cho những người từng giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn.

Để có thể duy trì bữa cơm từ thiện mỗi tuần, cũng có khi thành viên của đội lân rủ nhau đi bán vé số để có tiền góp quỹ. Từ 12 thành viên ban đầu, đến nay Long Nhi Đường đã trở thành mái nhà của hơn 200 thành viên thuộc nhiều thế hệ. Khi đến đây, họ là những thanh thiếu niên vẫn còn mơ hồ về tương lai. Khi cảm thấy mình đã đủ trưởng thành, họ bước tiếp để tìm cho mình cái nghề, rồi lại quay về để giúp những em mới vào. 

Tết năm nay Cường bước sang tuổi 22. Diễn xong mùa Tết này em sẽ kiếm việc làm, rồi dành tiền để học nghề sửa điện thoại. Cường tính, "ban ngày sẽ đi làm, tối về tập cho các em nhỏ múa lân". 

Theo Thanh Trần (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/tet-canh-ty-2020/nhung-dua-tre-lan-su-rong-khong-co-tet-4045674.html