Đời sống

Nghỉ việc ngay sau Tết, bạn có tử tế không?

Nhiều người cho rằng nghỉ việc sau Tết là một hành động "ăn cháo đá bát", một số khác lại cho rằng điều đó là bình thường khi mà mối quan hệ giữa bạn và công ty là giao dịch công bằng.

Thưởng Tết là từ khóa tưởng như người ta chỉ nói trước Tết. Nhưng không, sau Tết, vấn đề này một lần nữa được lôi ra bàn lại. Lý do nằm ở việc kết thúc kỳ nghỉ Tết, sau khi nhận được đủ số thưởng Tết, tình trạng nhân sự kéo nhau nghỉ việc xuất hiện đồng loạt.

Nói tới đây, một cuộc tranh cãi cũng nổ ra giữa việc “nghỉ việc sau Tết - nghỉ việc sau khi nhận được thưởng Tết” và câu hỏi “làm vậy có tử tế hay không”. Thưởng Tết là một loại thù lao công ty trả cho những đóng góp của nhân viên trong năm qua, bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao và bạn xin nghỉ việc với phần thưởng xứng đáng. Về nguyên tắc nó là 2 phạm trù khác nhau, vậy sao lại liên quan đến sự tử tế ở đây?

Mối quan hệ bình thường nhất giữa lao động và quản lý lao động là mối quan hệ nhắc đến quyền lợi trước tiên, sau đó mới đến tình cảm. Nếu dùng từ “tử tế” để làm thước đo cho mối quan hệ này thì chỉ có thể nói bạn quá ngây thơ, rất dễ chịu thua thiệt.

Nghỉ việc ngay sau Tết, bạn có tử tế không?

01-Giữa nhân viên và công ty là mối quan hệ công bằng, khái niệm "tử tế" không tồn tại

Một người bạn từng hỏi tôi: “Tôi định đợi nhận xong thưởng Tết, qua Tết thì trình bày với sếp chuyện nghỉ việc. Nhưng vừa lấy tiền của người ta xong mà nghỉ ngay thì có gọi là ăn cháo đá bát không?”.

Tôi hỏi anh ta vì sao muốn nghỉ việc, vì nguyên nhân gì mà muốn nhanh chóng trốn chạy khỏi công ty mình như thế.

Anh ta cho hay mình được một headhunter tìm ra và giới thiệu vào công ty. Tiền lương ban đầu sếp đề nghị là lương cơ bản + lương hiệu suất, trong đó lương hiệu suất được thả nổi và phạm vị thả nổi khá cao nên anh ta đồng ý.

Năm đầu tiên nhảy việc từ công ty cũ sang đây, người bạn của tôi làm việc rất chăm chỉ, hy vọng có thể hòa nhập với đội càng sớm càng tốt, lập thành tích và được sếp đánh giá cao. Ngoài dự án năm đó, anh còn phụ trách đào tạo nhân sự mới, theo lời anh ta nói: “Người mới đáng yêu, nghe lời nhưng cái gì cũng phải dạy, bắt đầu chậm là hỏng việc”.

Thái độ làm việc và hiệu quả công việc của bạn tôi là điều ai cũng thấy. Khi thông báo thưởng Tết, sếp đã cho anh ta một con số vượt ngoài mong đợi. Anh vui vẻ đến phòng tài chính kế toán để nhận thưởng Tết cho mình cũng như cấp dưới. Thế nhưng, trong khi cấp dưới được thanh toán toàn bộ, tiền thưởng của bạn tôi lại bị chiết khấu 50%. Bên kế toán thông báo: Đây là quy định của công ty, để tránh rủi ro, mỗi năm, bạn tôi chỉ được nhận 50% số thưởng Tết đáng ra được nhận. Năm đầu là 50%, năm thứ hai là 50% của năm đầu + 50% của năm thứ 2… Tại thời điểm nghỉ việc, phần tiền thưởng bị tạm giữ sẽ được xác định tùy theo tình hình bàn giao.

Trái tim của bạn tôi lập tức đóng băng: Này khác gì coi chừng mình như thằng trộm không? Tính theo cách này, tiền thưởng Tết mà bạn tôi nhận được năm đó ít hơn cả triệu so với nhân viên có thành tích tệ nhất cùng team.

Cuối cùng, bạn tôi tự an ủi mình rằng chắc ai cũng vậy. Anh ta tiếp tục chăm chỉ làm việc trong năm thứ hai để đạt hiệu suất cao hơn. Suốt nửa đầu năm, mọi thứ diễn ra đều suôn sẻ. Tuy nhiên, tới quý IV, anh ta nhận được thông báo rằng công ty tiến hành cải cách tiền lương. Những nhân viên thuộc cấp như bạn tôi, 30% lương cơ bản sẽ được trích lập và trả cùng với tiền thưởng Tết. Điều này đã chạm đến giới hạn của bạn tôi, vì vậy anh ta dự định sau khi nhận thưởng Tết sẽ nghỉ việc ngay lập tức.

Trên thực tế, không ít công ty vận hành giống như công ty người bạn kia của tôi. Một số công ty tiến hành giữ lại khoản hoa hồng đáng ra phải trao cho nhân viên thay vì trả họ hàng tháng hoặc hàng quý, và thậm chí còn không phát vào cuối năm. Tới trước kỳ nghỉ Tết, nhân viên sẽ nhận được thông báo về số tiền hoa hồng họ sẽ nhận được cũng như thưởng Tết, và tiền chỉ được chuyển về tài khoản sau Tết. Những hành động nhỏ này không gì khác hơn là sử dụng các biện pháp kinh tế nhằm kiểm soát nhân viên và ngăn chặn nhân viên nhảy việc.

Nghỉ việc ngay sau Tết, bạn có tử tế không? - 1

Một công ty hoạt động tốt hay không không chỉ phụ thuộc vào số tiền thưởng Tết mà dựa vào việc nó được phát như thế nào. Thưởng Tết là sự khẳng định của công ty về kết quả công việc của nhân viên trong năm qua. Việc nhân viên nhận thưởng cuối năm là điều đương nhiên khi họ hoàn thành các chỉ tiêu về hiệu quả công việc. Đối với việc thôi việc sau khi nhận được tiền thưởng cuối năm, nó không liên quan gì đến tử tế hay không tử tế.

Có một câu hỏi từng rất hot trên MXH thế này: “Xin nghỉ việc ngay sau khi nhận được thưởng Tết, đây là hành động ăn cháo đá bát hay giọt nước tràn ly?”.

Trong số câu trả lời có một câu tôi rất tâm đắc: “Công ty là một nơi nghiêm túc. Hãy phân định rõ loại hình giao dịch lao động này giữa bạn và công ty. Đừng coi công ty như một nơi để giao lưu bạn bè hoặc vun vén gia đình. Mọi thứ bạn làm đều là sự mua bán sức lao động một cách nghiêm túc, và mọi thứ bạn nhận được là những gì bạn xứng đáng nhận được”.

02-Mọi ràng buộc đều có hợp đồng quy định, chỉ cần bạn làm tốt việc, làm đúng luật

Là một nhân viên, bạn tôi lo lắng rằng nếu nghỉ việc sau Tết, anh ta sẽ bị chỉ trích là không tốt. Tôi hỏi anh ta: “Nếu một ngày công ty cắt giảm nhân sự, buổi sáng nhận được thông báo thì buổi chiều anh sẽ phải nghỉ. Anh thấy thế nào?”.

Có thể bạn sẽ mắng công ty là thiếu đạo đức, làm ảnh hưởng công việc của bạn mà không rào đón gì trước, nhưng đây vẫn là sự thật! Họ chỉ việc làm tốt công tác bồi thường thôi việc phù hợp với yêu cầu của luật lao động và quy định thôi, ai rảnh mà trao đổi với bạn?

Bạn và công ty hoàn toàn là mối quan hệ lao động, cả hai một bên được trả tiền để lao động và một bên phụ trách trả tiền. Trong một mối quan hệ giao dịch trần trụi như vậy, tại sao phải cố áp đặt cái mác mạnh mẽ như “sự tử tế” hay “lòng tốt” ở đây?

Nghỉ việc ngay sau Tết, bạn có tử tế không? - 2

Ngày nay, hầu hết mọi người đều thống nhất với một quan điểm: Trong quan hệ lao động, điều quan trọng nhất là hợp đồng, cống hiến và tạo ra giá trị.

Kể từ ngày gia nhập công ty, bạn đã ký hợp đồng. Bạn và công ty có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, miễn là mọi người tuân thủ mối quan hệ ghi trên hợp đồng. Nói một cách đơn giản, khi nhân viên hoàn thành nhiệm vụ công việc và các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, công ty nên đưa ra mức thù lao đầy đủ theo thỏa thuận. Thù lao ở đây không chỉ đề cập đến lương cơ bản mà còn bao gồm tiền thưởng Tết và các khoản thưởng quý, thưởng tháng, các phúc lợi khác bằng tiền hoặc hiện vật. Trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng, thực hiện hợp đồng theo đúng quy định, đây là tinh thần của hợp đồng.

Một số công ty viện nhiều lý do khác nhau để trừ thưởng Tết của nhân viên, hoặc đơn giản là từ chối đưa khi nhân viên nghỉ việc vì cho rằng đó là hành vi vi phạm hợp đồng.

Vậy tại sao nhân viên nghỉ việc? Hoặc chịu thua thiệt trong khoản lương thưởng, vì chịu thua thiệt trong việc phát triển chuyên môn, vì chịu thua thiệt khi hợp tác, triển khai công việc. Bất kể là vì lý do gì, nếu nhân viên chấm dứt lao động đúng theo quy định thì các công ty cũng không được quyền lôi “đạo đức” ra để chèn ép họ, kể cả là khi họ chọn nghỉ việc sau Tết.

Trong xã hội kinh doanh này, một doanh nghiệp đúng đắn chỉ có một yêu cầu duy nhất đối với nhân viên của mình: làm tốt công việc của mình và xứng đáng với mức lương công ty trả bạn.

03-Nghỉ việc sau Tết cần chú ý điều gì?

Vấn đề nghỉ việc sau Tết chỉ là một sự lựa chọn nghề nghiệp, một sự thay đổi ở nơi làm việc bình thường. Cả công ty và nhân viên không cần thiết phải lên án đạo đức vì điều này. Đương nhiên, là nhân viên, bạn cũng phải làm tốt công tác bàn giao khi nghỉ việc, đừng để sự nghiệp của bạn để lại “vết nhơ”, gây ảnh hưởng không tốt cho công ty và cá nhân bạn.

1. Có đủ dự trữ kinh tế để chống chọi với rủi ro

Nhiều người lên kế hoạch nghỉ việc sau Tết và kiếm việc ngay sau đó. Tuy nhiên, vì rất đông người có chung suy nghĩ này nên khoảng thời gian đầu năm, thị trường lao động sẽ dư thừa nguồn cung. Một khi việc tìm kiếm việc làm không suôn sẻ, bạn có thể phải chịu đựng tình trạng thất nghiệp trong vài tháng. Và nếu không có dự trữ tài chính đầy đủ, cuộc sống của bạn sẽ cực kì khó khăn.

Với số tiền thưởng Tết nhận được trước đó, bạn mua ít đồ về quê, biếu bố mẹ một chút, chuẩn bị lì xì cho mọi người, tính đi tính lại chẳng còn bao nhiêu, thế là cuộc sống bỗng rơi vào cảnh túng quẫn. Khi tiền bạc có hạn, người ta thường không mấy bình tĩnh khi đưa ra lựa chọn. Mọi người có xu hướng chấp nhận làm một công việc bất kì miễn là giúp mình thoát khỏi khốn cảnh. Công việc này có thể không đạt yêu cầu về mọi mặt và thế là bạn lại muốn nhảy việc sau một thời gian ngắn làm việc. Điều này là hết sức bất lợi cho sự phát triển sự nghiệp của bạn.

Lời khuyên dành cho bạn chính là, hãy tích trữ đủ tài chính và đảm bảo rằng bạn có đủ tiền tiết kiệm để đối phó với cuộc sống không có thu nhập trong ít nhất sáu tháng sắp tới. Nếu bạn không có tiền, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Đừng luôn cảm thấy công việc hiện tại khiến bạn chịu thua thiệt, công việc nào cũng có mặt trái của nó. So với việc chịu thua thiệt, cảm giác chật vật vì không có tiền còn khó chịu hơn.

Nghỉ việc ngay sau Tết, bạn có tử tế không? - 3

2. Lập kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng

Có câu nói, “Chỉ khi có mục đích thì cuộc sống mới tiến xa hơn, nhanh hơn, suôn sẻ hơn và dù gặp khó khăn cũng không dễ dàng lùi bước”. Thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp của mỗi người chỉ kéo dài vài năm, không có nhiều cơ hội để thử và sai. Chỉ cần bạn lập kế hoạch tốt, bạn có thể bắt đầu và thể hiện tham vọng của mình. Nếu không, dù có nghỉ việc, bạn vẫn bối rối không biết phải làm gì, như thế là lãng phí thời gian một cách vô ích.

Cuộc sống có kế hoạch là một bản thiết kế, còn cuộc sống không có kế hoạch chỉ là bản phác thảo. Vì vậy, trước khi bắt đầu, bạn hãy vạch ra hướng đi cụ thể. Trong giai đoạn phát triển sự nghiệp hiện tại, bạn muốn giải quyết vấn đề tồn tại hay giải quyết vấn đề phát triển? Bạn cần có kế hoạch rõ ràng để không mất thời gian phân vân.

Mọi người nên sống theo quan điểm thực dụng một chút. Hãy nhớ một câu: Bất kỳ sự lựa chọn nào cũng nên trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh cho cuộc sống của bạn.

Nghỉ việc là một trong những cách để bạn thay đổi hiện trạng, cải thiện bản thân và phát triển sự nghiệp tốt hơn. Nó không nên là một lựa chọn bất lực khi thất vọng và oán giận.

Nghỉ việc ngay sau Tết, bạn có tử tế không? - 4

Theo M416 (Pháp luật & Bạn đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nghi-viec-ngay-sau-tet-ban-co-tu-te-khong-162212602172132508.htm