Đời sống

Khắp nơi dùng tiếng Anh lẫn tiếng Việt như... mốt

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng “chọc quê” trình độ tiếng Anh của nhà văn Trung Trung Đỉnh

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng “chọc quê” trình độ tiếng Anh của nhà văn Trung Trung Đỉnh

khap noi dung tieng anh lan tieng viet nhu... mot hinh anh 1

Mới đây, dư luận được dịp lao xao về đoạn video ghi lại cảnh cô Hoa hậu Đông Nam Á, khi làm giám khảo cuộc thi Mister International 2015,  có màn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, khiến MC, lẫn thí sinh và tất cả những người có mặt ngác ngơ không hiểu gì. Đủ mọi lời chỉ trích dành cho nàng: “Yếu còn ra gió”, sao không nói tiếng Việt, để người ta dịch cho? V.v… Kể ra cũng tội nghiệp, có lẽ cô cũng chỉ định hùa theo trào lưu đám đông, nói vài câu ngoại ngữ cho “oai”. 

Bây giờ ở khắp nơi người ta đều dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt như một thứ “mốt” (mà chắc gì đã nói/viết đúng?), không chỉ ở trên mạng “ảo”, mà ở trong công việc, lẫn cuộc sống đời thường, đều thịnh hành. Chương trình truyền hình thu hút khán giả “The Voice” - Giọng hát Việt,  từng bị không ít khán giả phản đối vì sự chơi trội thích hát tiếng Anh, Pháp, Ý… thay vì tiếng Việt. 

Có độc giả bình luận: “Đây chính xác là cuộc thi giọng hét Việt, hét từ đầu tới cuối, hét tiếng Việt chưa đã, chuyển qua hét tiếng Anh cho người nghe khỏi biết gì luôn”… Không ít ngôi sao giải trí của ta, cũng từng bị bóc mẽ vì tiếng Anh có vấn đề.  Mặc dù họ đều bị “ném đá” tới tấp sau những lần “vấp ngã” với tiếng Anh cũng không gióng thêm hồi chuông nào về tình trạng sử dụng tiếng Anh làm sang trong hoạt động văn hóa, văn nghệ và giải trí ở ta. 

Không khó để tìm kiếm các ca khúc Việt được đặt tựa bằng tiếng Anh: Destiny, What is love? Bad boy, Just love, My everything, I’m sorry baby, Really love you, Hold me tonight… Về việc này, Hồ Ngọc Hà từng giải thích: “Những ca khúc có ca từ tiếng Anh giúp ca khúc dễ hát hơn và dễ được mọi người tìm kiếm trên mạng hơn”. 

Cô cũng phản pháo: “Thế giới đang chuyển mình và đất nước chúng ta cũng đang chuyển mình (…). Nếu chúng ta cứ gò bó, bắt ép một bộ phận nào đấy cứ suốt ngày quanh quẩn trong một ao làng thì mãi mãi ở trong ao làng và không phát triển lên được”.

Trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, một người có thể sử dụng tiếng Anh tốt, tại sao anh không đặt tên bài thơ của mình bằng tiếng Anh, cho “mốt”? Vì sao anh không dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt trong giao tiếp? Anh bảo: “Tôi nghĩ tiếng Việt đủ phong phú để truyền tải điều mình cần”. Thì cũng là một quan niệm.

Nhưng có phải - bởi đang ở thời “chuyển mình”, cho nên điều gì cũng có thể diễn ra? Như trong âm nhạc, “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu bỗng dưng được remix thành nhạc dance, cũng chẳng có gì lạ?

Theo Miu Miu (Tiền Phong)