Đời sống

Hội mẹ bỉm 'kém sang' chốn công sở: Thường xuyên đưa con nhỏ đến văn phòng nghịch phá la hét, bị nhắc nhở còn tỏ ra giận dỗi khó chịu!

Sáng thứ 7 hay những ngày hè, lúc mà nhà trường giao trả những "thiên thần nhí" về cho gia đình, các bà mẹ công sở lại được dịp biến văn phòng thành một nhà trẻ tự phát.

Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện bài bản và có đầu tư của các chuyên gia nổi tiếng trên thế giới đã chỉ ra rằng, con người ta có xu hướng hoàn thành công việc một cách năng suất và chất lượng hơn khi được làm việc tự do tại nhà.

Giải thích cụ thể hơn về nhận định trên, những nghiên cứu này dẫn chứng, sự yên tĩnh là nhân tố cốt yếu để dân công sở có thể tập trung 100% tâm trí vào công việc của mình mà không bị xao nhãng. Điều đó cho thấy, tiếng ồn trong văn phòng là một trong những "kẻ thù" truyền kiếp của dân công sở bởi chúng gây mất tập trung, giết chết sự sáng tạo.

Hội mẹ bỉm 'kém sang' chốn công sở: Thường xuyên đưa con nhỏ đến văn phòng nghịch phá la hét, bị nhắc nhở còn tỏ ra giận dỗi khó chịu!

Vậy thì một nơi được giới hạn bởi bốn bức tường chật kín như công sở thì tiếng ồn từ đâu mà ra. Nếu truy xét một cách tận gốc, tiếng ồn vốn xuất phát từ nhiều phía, có thể kể đến như tiếng cãi vã và tranh luận trực tiếp trong quá trình làm việc, những cuộc điện thoại trao đổi với khách hàng và đối tác hoặc chỉ đơn thuần là những buổi "trà dư tửu hậu" giờ giải lao của mấy chị em công sở.

Tuy nhiên, nếu xét về độ kinh khủng, những thanh âm này vẫn chưa là gì so với tiếng đùa vui, chạy nhảy, gọi nhau í ới của con trẻ.

"Bà mẹ công sở" vô tư mang con đến văn phòng

Nghe qua có vẻ lạ lẫm bởi cả một cái văn phòng to bự như vậy, đâu đâu cũng là người trong độ tuổi lao động thì tiếng con trẻ đâu ra mà làm ồn; tuy nhiên, dù khó tin nhưng đó là sự thật. Những thời đoạn cao điểm có thể kể đến như mùa hè, giờ tan trường, sáng thứ 7 cuối tuần là lúc văn phòng rộn vang tiếng cười đùa và quấy phá của con nít bậc nhất.

Chuyện cụ thể thế này, chị A đích thị là "bà mẹ công sở" kiểu mẫu khi đã có 2 con và gắn bó với công ty được 12 năm. Con chị A thì nếp tẻ trai gái đủ cả, đứa lớn 8 tuổi năm nay vừa vào lớp 2, đứa nhỏ 5 tuổi vẫn đang mầm non.

Chồng chị A cũng thuộc dạng dân công sở bận rộn sáng 8 giờ xách cặp ra đường, tối 6 giờ tan sở nhưng mải "chén chú, chén anh" với mấy ông bạn cùng phòng đến tối mịt mới về. Do đó, nhiệm vụ đưa đón con đi học các thứ nghiễm nhiên thuộc về chị. Tuy nhiên, giờ tan trường của con thường sớm hơn giờ tan sở của chị gần 2 tiếng đồng hồ, nên chị thường xin sếp ra sớm để kịp đón con.

Nể tình chị gắn bó với công ty đã lâu, sếp cũng không kỳ kèo đôi ba phút chị ra ngoài sau khung giờ xế chiều. Tuy nhiên, sau khi đón con, chị không đưa thẳng về nhà mà cứ thế mang con lên công ty. Bốn bề văn phòng vẫn tĩnh lặng cho đến khi 2 đứa "giặc con" về tới.

Hội mẹ bỉm 'kém sang' chốn công sở: Thường xuyên đưa con nhỏ đến văn phòng nghịch phá la hét, bị nhắc nhở còn tỏ ra giận dỗi khó chịu! - 1

Sau tiếng chào các cô chú rành mạch là những màn rượt đuổi nhau một cách mạnh mẽ và kịch liệt như phim hành động. Như ai cũng biết, trẻ con chẳng bao giờ thiếu năng lượng nên bên cạnh những bước chạy "thình thịch" đầy lực, chúng còn la hét thật to để câu chuyện thêm phần sinh động.

Chưa dừng lại ở đó, chạy nhảy chán chê, chúng sẽ dừng lại để nghỉ mệt. Tuy nhiên, nghỉ mệt một cách nhẹ nhàng vốn không có trong từ điển của con trẻ; thay vào đó, chúng sẽ tìm đến bàn làm việc của một cô chú nào đấy để mò cái này, lục lọi cái kia, nghịch phá cái nọ.

Thật may cho bàn làm việc của ai không thứ chúng thích, bởi khi thấy có cái gì hợp nhãn, chúng sẽ một hai đòi lấy cho bằng được. Mà khi đòi không được, chúng sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách khóc thét và la toáng lên để mọi người xung quanh nhìn "khổ chủ" bằng con mắt nghi hoặc, kỳ thị.

Những chiếc mồm ngày thường vốn bé bé xinh xinh ấy nay bỗng phát ra những thanh âm có đề-xi-ben cực lớn, sẵn sàng phá vỡ màng nhĩ của tất cả mọi người, kể cả những ai đang gắn tai nghe và bật nhạc.

Đó là chưa kể sáng thứ 7 hay những ngày hè, lúc mà nhà trường giao trả những "thiên thần nhí" về cho gia đình, các bà mẹ công sở lại được dịp tạo ra một nhà trẻ tự phát; chỉ thiếu cầu tuột, nhà banh, đất cát để xây lâu đài nữa là có thể hình thành được một khu vui chơi tư nhân nơi công sở.

Hội mẹ bỉm 'kém sang' chốn công sở: Thường xuyên đưa con nhỏ đến văn phòng nghịch phá la hét, bị nhắc nhở còn tỏ ra giận dỗi khó chịu! - 2

Đừng để đồng nghiệp đánh giá vì con nghịch phá

Những khó khăn trong đời sống riêng tư là thứ mà ai cũng có và chỉ khi những khó khăn này được giải quyết một cách triệt để, người ta mới có thể tập trung hoàn thành tốt nghĩa vụ tại công sở được. Đứng ở góc độ làm sếp và đồng nghiệp, ai ai cũng muốn hỗ trợ những "bà mẹ công sở".

Tuy nhiên, nói một cách công bằng, văn phòng là nơi làm việc chứ không phải nhà trẻ tư thục và những người đồng nghiệp cần lắm khoảng không gian yên tĩnh để có thể tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Việc các "bà mẹ công sở" cứ vô tư đưa con mình đến văn phòng đã phần nào thể hiện sự kém chuyên nghiệp trong cung cách làm việc.

Hơn nữa, một khi đã đưa con đến văn phòng, việc trước tiên và bắt buộc phải làm chính là quán triệt tư tưởng và dặn dò con không được làm ồn cũng như quấy phá, ảnh hưởng đến quá trình làm việc của các cô chú.

Hội mẹ bỉm 'kém sang' chốn công sở: Thường xuyên đưa con nhỏ đến văn phòng nghịch phá la hét, bị nhắc nhở còn tỏ ra giận dỗi khó chịu! - 3

Và các "bà mẹ công sở" cũng nên nhớ, con cái phần nào thể hiện được đạo đức lối sống của bậc làm cha, làm mẹ. Những phụ huynh có phương pháp dạy dỗ đúng mực chắc chắn sẽ đào tạo ra một đứa trẻ ngoan, lễ phép, biết lắng nghe và vừa phải.

Trái lại, những bậc phụ huynh có vấn đề trong cung cách cư xử cũng sẽ dạy con thành ra một đứa bé ngỗ nghịch, phá phách và không biết điều. Do vậy, hình ảnh của chúng ta không chỉ được đồng nghiệp và sếp đánh giá thông qua cách chúng ta cư xử và làm việc hằng ngày nơi công sở, mà đôi khi còn thông qua chính đứa con của chúng ta nữa.

Theo Louis (Helino)