Đời sống

Đi ship hàng về muộn, anh chồng nghẹn ngào khi được để phần mâm cơm nguội ngắt, câu chuyện đằng sau khiến ai đọc cũng rơi nước mắt

Thật sự hiếm có người đàn ông nào vì yêu thương, vì bao dung mà ở bên vợ, chăm sóc cô ấy ngay cả lúc hạnh phúc hay khổ đau tận cùng nhất, ngay cả khi cô ấy có hoá điên thì sự ân cần của anh vẫn như vậy...

"Bữa cơm hạnh phúc nhất sau hai năm, à không, hạnh phúc nhất đời tôi.

Đi ship hàng về muộn, anh chồng nghẹn ngào khi được để phần mâm cơm nguội ngắt, câu chuyện đằng sau khiến ai đọc cũng rơi nước mắt
Dòng tâm sự của người chồng về "mâm cơm hạnh phúc nhất đời" khiến nhiều người lặng đi vì xúc động

Đây là bữa cơm đầu tiên sau hai năm vợ tôi bị điên. Tôi chẳng còn từ gì khác ngoài từ điên để diễn tả cả. Vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 2012. Cả hai đều vô tư thoải mái về vấn đề con cái. Gia đình nội ngoại cũng không thúc ép gì cả, nhưng thực sự cả hai đều lo vì mãi mà cũng chưa có tin gì. 2 vợ chồng tôi lên Hà Nội thăm khám thì tất cả đều bình thường, rồi đến đầu năm 2018, sau 6 năm thì cũng có tin vui.

Vợ chồng tôi vui lắm, vợ tôi chuẩn bị mọi thứ ngay từ khi biết tin cô ấy có bầu, tôi cũng cố gắng nhiều hơn, ngày thì đi làm hành chính, tối về làm ship kiếm thêm. Lúc đó, vợ tôi đang bầu tháng thứ 5, đi khám vì sức khoẻ yếu, bác sĩ khuyên nghỉ ở nhà để đảm bảo cho thai nhi. Cùng lúc bố mẹ tôi cũng sửa lại nhà để đón cháu nội. 

Cái ngày mà tôi không thể quên ấy, tôi đang đi làm thì mẹ gọi điện báo tôi rằng vợ tôi phải vào viện cấp cứu, có khả năng sinh non. Tôi bỏ lại hết công việc vội vàng đi thẳng tới bệnh viện, khi đến bố mẹ tôi đang khóc như ngất đi ngoài sảnh chờ. Thấy tôi, mẹ tôi òa lên, biết có chuyện chẳng lành nhưng tôi vẫn cố trấn an lại và hỏi mẹ tôi là tình hình sao rồi.

Mẹ tôi lại càng gào thét lớn hơn, bên trong phòng cấp cứu tiếng thét cũng lớn không kém. Bố tôi, người đàn ông chưa bao giờ tôi thấy ông khóc, vậy mà người đàn ông ấy đang vội lau hàng nước mắt, cất lên giọng khàn đặc:

- "Không giữ được cháu rồi con ạ".

Tôi lặng người, đôi bàn chân chẳng còn đứng vững, trong phòng cấp cứu lại vọng ra tiếng gọi lớn: "Anh S ơi, anh S ơi". Lúc ấy, tôi muốn lao thẳng vào trong để xem vợ con mình ra sao, nhưng là phòng cấp cứu nên không thể. Rồi tiếng khóc cũng như tiếng thét lặng dần.

Tôi được gọi vào phòng làm việc của bác sĩ, bác sĩ thông báo rằng cháu bị sinh non do nóng quá, rồi hỏi về không gian sinh hoạt của mẹ bầu, nhưng cũng chẳng giải quyết được gì, vì cũng chẳng giữ được nữa rồi. Rồi vợ tôi bất tỉnh như vậy đến ba ngày. Do cú sốc quá nặng nề mà vợ tôi bị mất ý thức cũng như trí nhớ tạm thời, chẳng còn biết mình là ai, gia đình là ai. Cả việc đi vệ sinh nặng nhẹ cũng hoàn toàn theo bản năng.

Tôi được cơ quan cho nghỉ việc 3 tháng để chăm sóc vợ, nhưng kinh tế thì không đủ trang trải nên tôi làm đủ mọi nghề để kiếm tiền, nhưng chủ yếu vẫn là đi ship để chủ động thời gian.

Hôm nay trời mưa, mọi người lười ra ngoài nên nhiều đơn lắm. Đang đi giao hàng thì mẹ tôi gọi điện báo có chuyện gấp và gọi về ngay. Nhưng mà về ngay thế nào được, hàng nhận cả chục đơn rồi, nhanh cũng phải cả tiếng nữa. Vâng dạ cho qua rồi cứ đi làm đã.

Hơn 8h tối tôi mới hết đơn để về, ghé qua chợ đêm mua ít hoa quả cho cả nhà với vợ ăn.

Về đến nhà tôi thấy vợ mình ngồi dưới nhà, cả hai năm nay rồi tôi chưa thấy cô ấy ngồi đây, sau khi ở viện về thì ngày nào vợ tôi cũng ở trong căn phòng mà trước đây ông bà sửa để đón cháu. Chẳng giao tiếp với ai mà chỉ thơ thẩn trong phòng. Đợi tối chồng đi làm về mới ngủ. Nói là ngủ nhưng tôi một giường, vợ tôi một giường, từ ngày ở viện về thì chỉ có tôi với mẹ đẻ của vợ là vào phòng này thôi, vì vợ tôi không cho ai vào, vào là lại hú hét ầm lên.

Thực sự hôm nay tôi quá bất ngờ, phải chăng mẹ tôi gọi tôi về là vì vậy. Thấy tôi về, mẹ tôi ra khoe ngay, vào ăn cơm đi con, vào ăn cơm đi con, giọng mẹ tôi xúc động. 

- "Vào ăn đi, hôm nay vợ mày nấu cơm cho mày đấy". 

Thật sự tôi như người mất tiền mà tìm được ý, cái cảm giác nó sướng đến tột độ. Mẹ tôi kể, chiều tối nay cả nhà ăn cơm xong hết rồi, mẹ vợ mang cơm cho vợ thì nhất quyết không ăn, cứ nghĩ là nó chưa đói lại mang cơm ra, cả nhà ăn xong nó từ phòng ra, câu đầu tiên nó nói là: "Anh S, anh S".

"Thế rồi nó vào bếp, nó lấy đồ ra nấu cơm. Cả nhà gàn lại vì sợ nó đụng đồ bếp lại bị thương, tao vào can thì nó bảo nấu cho S. Cả nhà khóc rồi cố gặng hỏi nó xem nó nhớ gì không thì nó chỉ liên tục nói, nấu cho S".

Thực sự đây là bữa cơm ngon nhất đối với tôi.

Dưới đây đều là đồ ăn mà cả nhà phần cho tôi, vợ tôi mang ra nấu lại, chứ không phải là cô ấy nấu, chỉ có món bí luộc kia là vợ tôi nấu, mẹ tôi có bảo để bà gọt cho nhưng nhất quyết không chịu cho làm, tự làm như vậy đấy. Miếng bí và bữa cơm ngon nhất tôi từng ăn".

Đi ship hàng về muộn, anh chồng nghẹn ngào khi được để phần mâm cơm nguội ngắt, câu chuyện đằng sau khiến ai đọc cũng rơi nước mắt - 1
Nhìn miếng bí luộc còn nguyên ruột, nguyên vỏ - với nhiều người quả thật khó ăn, nhưng với anh chồng ấy, đó lại là bữa cơm hạnh phúc nhất cuộc đời. Vì đó là tín hiệu vui, là tín hiệu vợ anh đang dần hồi phục lại sau biến cố cuộc đời!

Mâm cơm vợ nấu, một điều quá đỗi đơn giản và bình dị của một người đàn ông đã lập gia đình nhưng tận 2 năm rồi người đàn ông trong câu chuyện này mới được tận hưởng. Đằng sau nó là cả một câu chuyện dài về người vợ hóa điên vì mất con cùng hành trình cố gắng đầy tình yêu và sự bao dung của người chồng.

Bài viết đính kèm hình ảnh mâm cơm nguội lạnh nhưng ấm lòng ngay khi chia sẻ đã nhanh chóng nhận về 33.000 like cùng hàng ngàn bình luận. 

Nhìn thoáng qua thì mâm cơm khá đơn giản với những món bình dân. Đấy là chưa nói đến đĩa bí luộc còn nguyên ruột, nguyên vỏ. Thế nhưng với người chồng, mâm cơm này lại cực kì khó được và chứa đựng sự hi vọng của anh suốt 2 năm trời. 

Nhiều người đã để lại lời động viên xen lẫn xúc động khi đọc được những dòng tâm sự từ tận đáy lòng của người chồng trẻ.

- Thương 2 anh chị quá! Cũng thực sự nể phục anh! Có thể chịu đựng nỗi đau mất con cùng người vợ mất trí, lại còn hết lòng chăm sóc không rời không bỏ, đàn ông như anh thực sự không có nhiều đâu!

- Người ta nói vượt qua được đại nạn sẽ có hạnh phúc cuối đời. Mong rằng cuộc sống của 2 anh chị sau này sẽ tốt!

Dung (Nguoiduatin.vn)